Phát huy vai trò tín dụng chính sách xã hội (11:14 07/12/2017)


HNP - Sau 15 năm hoạt động và trưởng thành, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Thông tin, thủ tục vay vốn chương trình tín dụng chính sách được NHCSXH huyện Gia Lâm niêm yết công khai tại các Điểm giao dịch xã


Từ năm 2002 cho đến nay, hệ thống NHCSXH không ngừng phát triển, củng cố và hoàn thiện về mọi mặt. Các Điểm giao dịch của NHCSXH có mặt ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố, kể cả các xã khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thì việc tăng trưởng tín dụng ngày càng lớn, quy mô, bài bản theo hướng xã hội hóa ngày càng cao. Tính đến giữa năm 2017, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đang quản lý tại Chi nhánh NHCSXH Thành phố đạt 6.146 tỷ đồng, tăng 5.812 tỷ đồng, gấp 16 lần so với thời điểm mới thành lập (đầu năm 2003), bình quân mỗi năm tăng 23%.
 
Trong 15 năm qua, NHCSXH đã cho trên 630 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn giúp gần 220 nghìn hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 460 nghìn lao động; giúp trên 140 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo gần 430 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo... Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2010 - 2015), tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Thành phố giảm từ 6,09% đầu giai đoạn xuống còn 1,5% vào cuối giao đoạn và theo chuẩn Trung ương giảm từ 4,97% xuống còn 0,27%; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố giảm từ 3,64% đầu năm 2016 (đầu giai đoạn) xuống còn 2,37% cuối năm 2016…
 
Có được thành quả như trên phải nói đến NHCSXH Thành phố đã xây dựng được một mô hình quản trị và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách phù hợp; không ngừng đổi mới phương thức hoạt động; đào tạo đội ngũ cán bộ kỷ cương, trách nhiệm; củng cố hệ thống, mạng lưới phục vụ đến tận cơ sở xã, phường; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giúp người nghèo tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn tín dụng ưu đãi; bằng việc ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cho các tổ chức chính trị - xã hội, củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng tín dụng từ các thôn, bản. Tín dụng chính sách đã thực sự đóng vai trò là cầu nối cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.
 
Để thực hiện mục tiêu tổng quát trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 là “Phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách của Nhà nước; đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách”, NHCSXH Thành phố Hà Nội đã đề ra mục tiêu cụ thể: 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; hoàn thành 100% kế hoạch được Trung ương và Thành phố giao, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 8-10%; tỷ lệ nợ quá hạn duy trì dưới 0,5%; lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội…
 
Cùng với đó, thời gian tới, NHCSXH Thành phố tiếp tục tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi và vốn được bổ sung, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được Trung ương và Thành phố giao hàng năm. Tập trung đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, giải ngân cho vay quay vòng kịp thời, không để tồn đọng vốn. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh hiện đại hóa tin học, áp dụng công nghệ tin học trong triển khai các mặt hoạt động nghiệp vụ, dịch vụ Ngân hàng để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
 
Trong công tác cán bộ, thường xuyên quan tâm đào tạo tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, bao gồm cán bộ NHCSXH, Chủ tịch UBND và cán bộ ban giảm nghèo cấp xã, cán bộ Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố và Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức nghề. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách tín dụng của Đảng và Nhà Nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của hộ vay ngay từ khâu bình xét cho vay. Gắn việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội với công tác thi đua khen thưởng định kỳ và đột xuất, tạo động lực để các tập thể, cá nhân trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cũng như nhân rộng các điển hình tiên tiến trên địa bàn…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t