Hà Nội - Điểm đến tiềm năng để phát triển thương mại và du lịch (16:32 23/03/2018)


HNP - Tại hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản sáng 23/3, thay mặt UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã giới thiệu tổng quan về hợp tác đầu tư, du lịch của Nhật Bản và Hà Nội; Định hướng phát triển kinh tế xã hội 2018 - 2020 của thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị


Hà Nội - điểm đến đầu tư thuận lợi và an toàn
 
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, Thủ đô Hà Nội luôn coi trọng và tích cực đẩy mạnh hợp tác trên mọi phương diện với Nhật Bản. Đối với Hà Nội, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai với 959 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 5,38 tỷ USD; là đối tác thương mại lớn thứ 3 với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 4 tỷ USD; là quốc gia có số lượng khách Du lịch đến Hà Nội lớn thứ 3 với gần 30 vạn khách năm 2017. Kết quả hợp tác giữa Nhật Bản và Hà Nội trong những năm qua được đánh giá là thành công, tuy nhiên còn chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội của hai bên. 
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, TP Hà Nội có nhiều thuận lợi và tiềm năng để phát triển đầu tư thương mại và du lịch. Trong đó, một điểm thuận lợi quan trọng là Hà Nội có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển; Hà Nội là đầu mối giao thông miền bắc Việt Nam. Sân bay quốc tế Nội Bài chỉ cách trung tâm thành phố 12km; hiện có đường bay trực tiếp đến Tokyo, Nagoya, Osaka, Fukuoka của Nhật Bản và hơn 40 quốc gia trên khắp các Châu lục và kết nối đến tất cả các vùng miền trên cả nước Việt Nam. Cùng với hệ thống giao thông đường không, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông có nhiều thuận lợi; các cảng biển Hải Phòng và Cái Lân chỉ cách Hà Nội khoảng 100km thuận lợi cho phát triển kinh tế. Hạ tầng các khu công nghiệp tương đối hoàn thiện, sẵn sàng mặt bằng phục vụ doanh nghiệp sản xuất. Tại Hà Nội đang hình thành các dịch vụ chất lượng cao như: Ngân hàng, Khách sạn, Bệnh viện, Trung tâm y tế chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống siêu thị, Trung tâm thương mại, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh, trong những năm gần đây, Chính quyền Thành phố đặc biệt quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư và cam kết tiên phong về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thành phố xác định rõ lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ. Lãnh đạo Thành phố luôn sẵn sàng tiếp đón và trả lời yêu cầu của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Thành phố chỉ đạo quyết liệt về xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng CNTT, rà soát, đơn giản hóa TTHC để giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ cho doanh nghiệp. Đã cắt giảm, liên thông các thủ tục hành chính trong đó thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm 40-50%, lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%,… 
 
Những nỗ lực của Thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ghi nhận thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng liên tiếp trong 5 năm qua, xếp thứ 14/63 tỉnh thành. Chỉ số Cải cách hành chính xếp thứ 3/63 tỉnh, thành. Xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Hà Nội là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước được các doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài ưu tiên lựa chọn.
 
Hà Nội cam kết tạo mọi điều kiện cho DN Nhật Bản đầu tư phát triển
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, về định hướng phát triển và thu hút đầu tư du lịch, dự kiến, đến năm 2030, dân số Thành phố Hà Nội đạt khoảng 9-9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65-68%. Để phát triển bền vững, Thành phố Hà Nội đã xác định các mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thông minh, có bản sắc, một đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi. Hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, trong đó, chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
 
Về định hướng thu hút đầu tư, Thành phố luôn xác định nguồn lực đầu tư từ cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng phát triển của Thành phố. Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội tiếp tục ưu tiên và kêu gọi đầu tư qua các hình thức FDI, PPP, xã hội hóa,…cho các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực: xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hệ thống trục đường hướng tâm; các dự án khép kín đường vành đai; đường sắt đô thị; các cầu qua sông; các công trình giảm ùn tắc giao thông; các bãi đỗ xe, bến xe; cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ; công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm Logistic; trung tâm thương mại, chợ đầu mối; các dự án y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế; các dự án kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hà Nội mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các quốc gia, thành phố, doanh nghiệp, nhà đầu tư các nước thông qua việc hợp tác đầu tư, kinh doanh, mua, nhận chuyển giao công nghệ mới, kinh nghiệm và công nghệ quản lý trong phát triển đô thị thông minh, tăng cường kết nối, đẩy mạnh giao thương, xuất nhập khẩu,... 
 
Về du lịch, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung phát triển cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; đưa du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường, thường xuyên trao đổi, liên kết trong việc phối hợp tổ chức các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP giữa Nhật Bản và Thành phố Hà Nội, các sự kiện, các cơ hội xúc tiến tại hai quốc gia; các chương trình giao lưu văn hóa giữa 02 bên…Đến năm 2020, Hà Nội sẽ đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình 8 - 10%/năm; Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình 15 - 17%/năm; Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60 - 65%. 
 
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh, xác định Nhật Bản là đối tác chiến lược toàn diện, Hà Nội mong muốn được thu hút kêu gọi đầu tư và hỗ trợ từ phía bạn vào các lĩnh vực nêu trên và TP cam kết nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo, trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác với các đối tác Nhật Bản để cùng nhau phát triển, coi vốn đầu tư xã hội là quyết định, doanh nghiệp và dân doanh là đối tác và được tạo mọi điều kiện để phát triển.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t