Ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai kế hoạch năm 2017 (15:08 09/01/2017)


HNP - Sáng 9/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành tài nguyên và môi trường năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và lãnh đạo các sở ngành, UBND các quận, huyện thị xã đã tham dự.


Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong năm qua, Bộ đã hoàn thiện chính sách, pháp luật bám sát yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm tính công khai minh bạch, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, loại bỏ các rào cản để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động đã được cập nhật phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH.
 
Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Công tác này cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa lực lượng của các ngành, giữa Trung ương và địa phương. Nhiều điểm nóng về môi trường đã được giải quyết. Nguồn lực tài nguyên đã được phát huy cho phát triển KT-XH, trong đó, riêng nguồn thu từ đất đai đóng góp 8,25% thu ngân sách nhà nước và 10,46% thu ngân sách nội địa; thu từ khoáng sản đạt trên 5.500 tỷ đồng.
 
Hợp tác, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực quản lý, qua đó huy động được kinh nghiệm, nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nền hành chính đang từng bước được hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản lý…
 
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, trong thời gian qua, ngành tài nguyên và môi trường của thành phố đã tích cực rà soát, đơn giản hóa 91 TTHC liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó, thực hiện rà soát từng thành phần hồ sơ, từng khâu thực hiện, kết quả đã đơn giản hóa được 61 TTHC, cắt giảm thời gian thực hiện từ 30 đến 50% theo quy định.
 
Thành phố đã tăng tỷ lệ giải quyết TTHC qua mạng, kế hoạch đến cuối năm 2017 thực hiện cung cấp từ 40-50% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 tất cả TTHC thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường. Thực hiện chế độ một cửa, một cửa liên thông tăng cường đầu tư cho cán bộ công chức nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ ứng xử của cán bộ công chức. Thực hiện triệt để việc luân chuyển hồ sơ ở tất cả các khâu, các bước trong quá trình giải quyết các TTHC.
 
Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng phát biểu tại hội nghị

Về lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tập trung thực hiện, cắt giảm thời gian thực hiện TTHC từ 30 ngày xuống còn 14 ngày. Tính đến 31/12/2016, thành phố đã cấp 1,3 triệu GCN lần đầu, đạt 86%, cấp 145.186 GCN dự án, đạt 81,44%; 602.963 GCN dồn điền đổi thửa, đạt 95%. Vừa qua, thành phố đã triển khai công tác đo đạc bản đồ Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn thành phố, dự kiến, hoàn thành vào năm 2018.
 
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó coi trọng cải cách TTHC, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Tích cực ứng dụng CNTT vào chỉ đạo điều hành, giảm thời gian đi lại của nhân dân. Tập trung nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản, xây dựng hồ sơ địa chính tổng thể, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương, đánh giá cao các kết quả và thành tích của ngành Tài nguyên và Môi trường, tinh thần sự nỗ lực công tác, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành trong năm 2016.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng chí yêu cầu toàn ngành Tài nguyên và Môi trường cần nghiêm túc, cầu thị nhìn nhận những mặt còn tồn tại, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp hữu hiệu, từng bước giải quyết, khắc phục và thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về Tài nguyên và Môi trường, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, góp phần vào phát triển chung của đất nước. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Tham mưu với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh, bổ sung một số điều trong Luật liên quan đến ngành cho phù hợp với tình hình thực tế; Rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường; Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát của Nhà nước đối với ngành Tài nguyên và Môi trường.
 
Các bộ, ngành và các tỉnh thành phố cần nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên nhằm hạn chế tối đa khai thác lãng phí Tài nguyên; Tăng cường chú trọng tới công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường, kiểm soát thường xuyên mức độ ô nhiễm không khí tại những thành phố lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương xuống cơ sở.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t