Hiệu quả các mô hình nông nghiệp chuyển đổi ở huyện Phú Xuyên (21:21 19/03/2018)


HNP - Ngay sau dồn điền đổi thửa, để tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao đời sống nông dân, trong những năm vừa qua, huyện Phú Xuyên đã xây dựng thành công một số mô hình, dự án trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bước đầu đã cho kết quả đáng ghi nhận.

Mô hình Măng tây xanh xã Khai Thái


Chú trọng về Trồng trọt - Chăn nuôi

Hiện nay, tổng diện tích chuyển đổi của huyện Phú Xuyên là 2.184ha, trong đó: diện tích vườn ao chuồng (VAC) là 1.283ha; diện tích thủy sản kết hợp trồng trọt hoặc thủy sản kết hợp chăn nuôi là 282ha; diện tích lúa - cá - vịt kết hợp là 376ha; diện tích cây ăn quả là 193ha, diện tích chăn nuôi tập trung là 38ha; diện tích cây cảnh - cây lấy gỗ là 3ha, diện tích rau màu là 9ha. Toàn huyện có 89 trang trại đạt tiêu chí, trong đó, có 21 trang trại chăn nuôi, 28 trang trại tổng hợp, 38 trang trại thủy sản, 02 trang trại trồng trọt; tổng giá trị sản lượng sản xuất đạt 152 tỷ 587 triệu đồng. Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, cơ cấu cây trồng của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa như chăn nuôi ở xã Quang Lãng, Hồng Thái, rau an toàn Minh Tân, Khai Thái, thủy sản ở Tri Trung, Chuyên Mỹ, Phú Túc, vùng trồng lúa chất lượng cao ở các xã: Phượng Dực, Đại Thắng, Tri Trung, Hoàng Long, Nam Phong, Hồng Minh, Văn Hoàng, Châu Can... Nhiều mô hình mới được nhân dân áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng Măng tây xanh, rau trái vụ; mô hình rau cần an toàn, Khoai tây vụ đông, bí xanh an toàn, bưởi Diễn, cam Canh...

Trong sản xuất vụ Xuân năm 2018, toàn huyện gieo trồng được 8.960ha; trồng cây nhân dân được 10.605 cây, trong đó cây bóng mát 3.720 cây, cây ăn quả 6.885 cây. Bên cạnh đó, huyện cũng đã phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã tổ chức bình tuyển cây đầu dòng được 8 cây bưởi Thồ, xã Bạch Hạ để bảo tồn, phục vụ nhân giống mở rộng diện tích.

Đối với chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì là 1.822.012 con, trong đó, đàn trâu, bò 4.754 con; đàn lợn 84.129 con; đàn gia cầm, thủy cầm 1.733.129 con. Chăn nuôi quy mô lớn được đưa dần ra khỏi khu dân cư như: chăn nuôi bò sữa ở xã Quang Lãng; lợn thịt ở xã Hồng Thái, Châu Can, Quang Lãng với quy mô từ 1.000 - 4.200 con, nuôi gà thịt ở Quang Lãng với quy mô 10.000 con..., góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.

Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi của huyện Phú Xuyên

Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi

Đối với mô hình trồng Măng tây, ngay từ năm 2014, cây Măng tây bắt đầu được đưa vào trồng ở vùng bãi sông Hồng, xã Hồng Thái với diện tích gần 3 ha. Qua 3 năm cho thấy, cây Măng tây thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần trồng cây màu. Do đó, năm 2017, huyện quyết định tiếp tục hỗ trợ trồng mở rộng diện tích mô hình thêm 02ha theo tiêu chuẩn VietGap. Đồng thời, thành lập Hợp tác Rau quả Hồng Thái để làm đầu mối tổ chức hoạt động sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Đối với vùng sản xuất rau cần, xuất phát từ một số hộ trồng rau cần hợp đất và có hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích hình thành một vùng sản xuất chuyên canh rau cần với diện tích 30ha. Năm 2016, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau cần Khai Thái. Năm 2017, đã thành lập Hợp tác xã với 25 thành viên, hỗ trợ các hộ xây dựng hệ thống kênh mương, nhà sơ chế rau. Sản phẩm rau cần của Hợp tác xã đã được chứng nhận sản phẩm an toàn và đang được tiêu thụ ở một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội. So sánh với trồng lúa thì trồng rau cần hiệu quả hơn gấp nhiều lần. Mỗi sào rau cần trừ chi phí cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/vụ/năm. Cây rau cần sẽ trở thành cây đặc sản của địa phương giúp nhiều hộ dân có việc làm ổn định nâng cao thu nhập.

Trong chăn nuôi, để đảm bảo đầu ra ổn định, một số trang trại chăn nuôi như Hợp tác xã chăn nuôi Minh Tuấn (xã Phúc Tiến), trang trại của ông Cao Minh Tuệ (xã Châu Can), Tạ Đình Căn (xã Hồng Thái), Nguyễn Phú Dũng (xã Tân Dân) đã liên kết với một số công ty lớn như CP, Mavin Austfeed... Trang trại sử dụng giống mới nhập nội có năng suất, chất lượng cao, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm độ, ánh sáng, có hệ thống máng ăn, uống tự động. Mặc dù năm 2017, giá cả thịt lợn xuống thấp song các trang trại trên vẫn ổn định đàn gia súc, có tích lũy phát triển. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ tín dụng để các trang trại có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất chuồng trại phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị.

Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã: Chuyên Mỹ, Tri Trung, Hoàng Long, các hộ thả nuôi bằng nguồn con giống sạch bệnh, đồng thời có sử dụng chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý môi trường để cải tạo môi trường ao nuôi, ứng dụng hệ thống làm giàu oxy cho cá nuôi trong ao, sử dụng thức ăn công nghiệp. Do vậy, năng suất đạt 13 - 15 tấn/ha cao gấp 8 - 10 lần so với nuôi quảng canh. Hiện nay, huyện đang phối hợp với Trung tâm Thủy sản Hà Nội triển khai mô hình nuôi cá trắm cỏ ứng dụng công nghệ vi sinh không thay nước tại xã Hồng Minh. Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, không sử dụng hóa chất xử lý môi trường, sản xuất sản phẩm an toàn sinh học, hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững. Tiêu biểu của các mô hình trong chăn nuôi phải kể đến mô hình sản xuất kinh doanh thịt lợn an toàn của HTX nông nghiệp tổng hợp Toàn Thắng, xã Hồng Thái, Hợp tác xã có trang trại chăn nuôi quy mô số lượng 50 con lợn nái và 200 con lợn thịt bằng thức ăn sinh học. Đàn lợn thương phẩm đạt trọng lượng sẽ được đưa đến khu vực giết mổ của HTX để giết mổ, sau đó được vận chuyển đến các điểm kinh doanh tiêu thụ. Toàn bộ các khâu từ chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, bảo quản đều được kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Bên cạnh các mô hình trên, huyện đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án như: Rau an toàn xã Minh Tân, trồng nấm ở xã Nam Triều, Tân Dân...

Có thể thấy, ngày nay, nông dân Phú Xuyên đã không còn xa lạ với cụm từ “chuyển đổi cây trồng, vật nuôi” mà minh chứng qua hiệu quả kinh tế bước đầu từ những mô hình chuyển đổi. Cùng với đó là sự quan tâm hỗ trợ và quy hoạch đúng đắn của huyện, sự vào cuộc triển khai các mô hình canh tác. Nhất là các giải pháp về khoa học kỹ thuật được hỗ trợ kịp thời sẽ là động lực thúc đẩy đời sống của người dân ở những địa bàn khó khăn vươn lên phát triển.


Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t