Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Tham gia đoàn công tác có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Đại biểu thành phố Hà Nội dự Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND Thành phố, các sở, ban, ngành và các đồng chí dự kiến được bố trí làm bí thư 126 xã, phường mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Giữ gìn sự đoàn kết, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ
Phát biểu gợi mở các nội dung tập trung thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia cần phải rà soát, đánh giá toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, từ đó đề ra những đột phá chiến lược mới, tạo bước chuyển căn cơ để Hà Nội thực sự bứt phá, vươn lên giữ vai trò dẫn dắt trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, trong quá trình sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp ở Thủ đô, điều quan trọng hàng đầu là phải giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ. Đồng bào và nhân dân Thủ đô luôn tin tưởng, ủng hộ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để việc triển khai đạt hiệu quả cao, phải đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, bởi đây là mấu chốt quyết định sự thành công hay thất bại.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, trong quá trình triển khai chính quyền địa phương hai cấp, phải tiến hành đúng quy định, đúng quy trình, đặt lợi ích chung lên trên hết. Vừa qua, nhiều cán bộ đã tự nguyện nghỉ công tác, không đòi hỏi quyền lợi, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao vì sự nghiệp chung.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập ba yêu cầu trọng yếu cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Hà Nội cần tập trung lãnh đạo tốt việc tổ chức đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là đại hội cấp cơ sở để tiến tới tổ chức thành công đại hội Đảng bộ Thành phố. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, phải được chuẩn bị chu đáo, công phu, dân chủ và đúng Điều lệ Đảng.
Đồng thời, phải giữ vững sự ổn định, đoàn kết nội bộ. Dù triển khai bất kỳ nhiệm vụ nào, thành công chỉ đến khi có sự đồng thuận, nhất trí trong nội bộ và sự ủng hộ của nhân dân. Trong bối cảnh thời gian không còn nhiều, tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm phải được hoàn thành một cách xuất sắc và toàn diện.
Bên cạnh đó, Hà Nội phải chú trọng gìn giữ nếp sống, phong cách, văn hóa người Tràng An thanh lịch, văn minh; phải có bước chuyển mạnh mẽ về diện mạo đô thị, trong đó vấn đề môi trường và bộ mặt Thủ đô cần được quan tâm đặc biệt, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm tiêu biểu của cả nước.
Tổng Bí thư khẳng định, Trung ương đã và đang chỉ đạo quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, song đối với Hà Nội, cần tập trung cao độ vào hai nhiệm vụ lớn: Một là sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền đô thị hai cấp; hai là chuẩn bị thật tốt cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV - những tiền đề then chốt để đưa Hà Nội phát triển bền vững, đi đầu trong đổi mới, giữ vững vị thế "đầu tàu" về mọi mặt của cả nước.
Quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài báo cáo tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nêu các nội dung cơ bản về kết quả thực hiện những nhiệm vụ chính trị nổi bật 6 tháng đầu năm 2025 và việc thực hiện 2 thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các cuộc làm việc trước với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Trong đó, triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Thành ủy rất chú trọng đổi mới tư duy trong xây dựng văn kiện đại hội, nhất là xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là 4 nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị (nghị quyết 57, 59, 66, 68); chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và học tập cách thức xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII được xây dựng theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Mục tiêu, chỉ tiêu được xây dựng trên cơ sở khoa học, khả thi; trọng tâm là tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực.
Trong bối cảnh thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ lớn, cấp bách, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nghiêm túc triển khai các kết luận, nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Kết luận 123-KL/TƯ và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tập trung điều hành quyết liệt, linh hoạt, đạt kết quả nổi bật về kinh tế. Tăng trưởng GRDP 6 tháng ước đạt 7,59% (quý I: 7,35%, quý II: 7,93%), vượt kịch bản đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố đến ngày 11/6/2025 là 369.242 tỷ đồng, đạt 73,1% dự toán năm 2025.
Để cụ thể hóa yêu cầu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đối với Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 292-KH/TU ngày 20/1/2025 với 2 nhóm nhiệm vụ, gồm lĩnh vực xây dựng Đảng 6 nhiệm vụ và lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội 25 nhóm nhiệm vụ.
Đến nay, một số nhiệm vụ đã có kết quả bước đầu, như: Việc cải tạo sông Tô Lịch (đã thực hiện xong công tác nạo vét bùn lòng sông đối với đoạn 1 dài 7km; dự kiến hoàn thành đoạn 2 dài 5km trong tháng 8/2025); việc quy hoạch, chỉnh trang, cải tạo khu vực hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây (Dự án cải tạo Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đang được triển khai theo kế hoạch).
HĐND Thành phố chuẩn bị ban hành Nghị quyết về hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học; xây dựng đề án “giáo dục toàn diện”, đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai đến năm 2030.
Nêu rõ 7 nội dung phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung chỉ đạo, quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã đề ra.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn, hiệu quả theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp; trước mắt, thực hiện việc vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 20 đến 26/6/2025; hoàn thành công tác bố trí cán bộ trước ngày 20/6/2025 để sớm ổn định và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc để 126 xã, phường mới đi vào hoạt động thông suốt ngay từ ngày 1/7/2025.
Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tăng trưởng từ 8% trong năm 2025, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế hai con số ở những năm tiếp theo. Đẩy mạnh ba chuyển đổi "xanh, số, kinh tế tuần hoàn" với ba trụ cột: Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt và kinh tế số là động lực chính cho tăng trưởng hai con số và phát triển bền vững, xây dựng thành phố thông minh, người dân hạnh phúc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài báo cáo tại buổi làm việc
Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng thời nêu 5 kiến nghị, đề xuất với đồng chí Tổng Bí thư và Trung ương. Trong đó, đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ tích hợp các nội dung thuận lợi, vượt trội của Luật Thủ đô vào các luật chuyên ngành nếu cùng điều chỉnh một vấn đề, để bảo đảm hiệu lực và tính thực thi cao của Luật Thủ đô. Đối với những nội dung mới của các luật khác mà thuận lợi hơn thì quy định cho Thủ đô được quyền lựa chọn áp dụng theo quy định mới.
Đề xuất Trung ương giao Thành phố thí điểm, phân cấp ủy quyền và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn giúp Thành phố xây dựng và vận hành Hệ thống quản trị thành phố thông minh tích hợp "Đảng - chính quyền - doanh nghiệp - người dân” ở cấp thành phố theo thời gian thực; xây dựng bộ chỉ số quản trị công, Hệ thống quản trị chiến lược, giám sát thực thi Nghị quyết cấp Thành phố...