Các đại biểu dự Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua Đề án "Thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội"
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hà Nội Phan Văn Phúc cho biết, việc đầu tư xây dựng Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội đã được Thành phố quan tâm từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, mô hình Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội cần được nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu thực tiễn hiện nay; tận dụng các cơ hội lớn do Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là khung pháp lý đặc thù do Luật Thủ đô mang lại để phát triển thị trường KHCN, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và hội nhập trong dài hạn.
Phó Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Phan Văn Phúc trình bày dự thảo Tờ trình
Có thể khẳng định, việc xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội là yêu cầu cấp thiết. Khi Sàn đi vào hoạt động không chỉ có ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước, mà còn là công cụ thiết thực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hội nhập công nghệ quốc tế.
Trong dự thảo Đề án đã chỉ rõ mục tiêu, chức năng và đưa ra 3 đối tượng triển khai gồm: Đối tượng cung cấp công nghệ, đối tượng có nhu cầu công nghệ và đối tượng quản lý.
Đồng thời, đề xuất Sàn hoạt động theo mô hình "Đầu tư công, quản trị tư": Nhà nước đầu tư hạ tầng và tổ chức Hợp đồng thuê thầu tuyển chọn doanh nghiệp vận hành khai thác và cung ứng dịch vụ…
TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đóng góp ý kiến
Góp ý vào các dự thảo, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, việc ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố về việc thông qua đề án thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội là cần thiết cấp bách, vừa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, tạo điều kiện thương mại hóa sản phẩm KHCN và đổi mới sáng tạo.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, KHCN chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, đột phá để trở thành động lực chính phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Do đó, HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết thông qua Đề án thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội là rất cần thiết. Sàn giao dịch công nghệ sẽ góp phần rất quan trọng để thị trường công nghệ Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là đúng thẩm quyền đã được Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định. Tuy nhiên, dự thảo Đề án cần đề cập và làm rõ UBND Thành phố đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của Sàn giao dịch công nghệ và sở hữu chúng, khi thành lập Sàn và thực hiện mô hình "Đầu tư công, quản trị tư" hoạt động theo loại hình Công ty cổ phần, nhà nước là UBND Thành phố (đại diện là Sở KHCN) là cổ đông của công ty, tham gia Hội đồng quản trị công ty thì số tài sản đã đầu tư có được tính thành giá trị và góp cổ phần vào công ty hay không; cơ sở vật chất do nhà nước đầu tư và làm chủ sở hữu thì được bảo toàn vốn như thế nào, và khi xuống cấp thì nhà nước có đầu tư sửa chữa, nâng cấp không…
TS. Lê Văn Hoạt, Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật phát biểu ý kiến
TS. Lê Văn Hoạt, Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật cho rằng cách trình bày một số điểm của Dự thảo chưa thật rõ ràng, mạch lạc; có một số nội dung đề xuất đưa vào nghị quyết cần rà soát kỹ hơn.
Theo đó, ngoài nói đến các sản phẩm công nghệ thì cần bổ sung cả sản phẩm nghiên cứu khoa học; bổ sung sản phẩm KHCN...; đồng thời, đề nghị cần xem lại quy định "Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp quản lý sàn (Công ty Cổ phần giao dịch công nghệ Hà Nội) và các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên Sàn, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, tổ chức chuyển giao công nghệ".
Tại Hội nghị, các đại biểu, nhà khoa học cũng nêu một số kiến nghị như: Cần "số hóa" Sàn giao dịch, bổ sung Đề án đào tạo đội ngũ chuyên sâu, ưu tiên thí điểm với ngành công nghệ mũi nhọn như xử lý nước thải, đô thị; cần hỗ trợ thương mại hóa công nghệ, kết nối mạng lưới công nghệ; tăng cường sự hợp tác nhà nước với tư nhân theo mô hình hợp tác công-tư;…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu chỉ đạo
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời, sẽ chắt lọc các nội dung để đưa vào triển khai, cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết.
Lưu ý đây là Nghị quyết cá biệt, không phải là văn bản quy phạm pháp luật, đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị Sở KHCN Hà Nội lưu ý sẽ thực hiện theo quy trình ban hành Nghị quyết cá biệt.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh để bảo đảm cho Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội đi vào hoạt động, cần có sự công khai, minh bạch, tạo bình đẳng trong tiếp cận thông tin; cần nêu rõ hơn các chỉ tiêu đánh giá hoạt động của Sàn, tập trung ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm công nghệ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề môi trường, phúc lợi xã hội, an sinh xã hội; kêu gọi đầu tư, các quy định về giám sát tài sản công khi đưa lên sàn để tránh thất thoát lãng phí.
Ngoài ra, bảo đảm hoạt động tốt về cơ chế, hợp tác với các sàn giao dịch KHCN với các nước; đưa công nghệ hiện đại vào Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội và có kênh để tiếp cận phản ánh kiến nghị của người dân, nhà khoa học trên địa bàn Thành phố và cả nước.