VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố
Ngày 08/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3966/UBND-ĐT về việc thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Văn bản số 8442/SXD-VP(TTr) ngày 04/7/2025 về việc thực hiện các nhiệm vụ trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố giao: UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng theo quy định tại Nghị định số 175/2024/NĐ-CP và Nghị định 140/2025/NĐ-CP. Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND Thành phố về công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp buông lỏng quản lý; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm. Kiểm tra điều kiện khởi công công trình; rà soát công trình vi phạm tồn đọng, tiếp tục xử lý hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền; Sở Xây dựng đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp xã kiểm tra, xử lý vi phạm; Kiểm tra công tác quản lý của UBND cấp xã; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND Thành phố biện pháp chấn chỉnh; kiến nghị xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý; tổng hợp khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải quyết; Công an Thành phố phối hợp với Sở Xây dựng và UBND cấp xã quản lý trật tự xây dựng và chỉ đạo Công an cấp xã có trách nhiệm nắm tình hình, phản ánh và báo cáo vi phạm trật tự xây dựng; đảm bảo an ninh trật tự khi cưỡng chế; điều tra, xử lý vi phạm theo quy định Luật Tố tụng hình sự; thực hiện các nhiệm vụ Chủ tịch UBND giao.
Giao các Sở, ban, ngành Thành phố liên quan phối hợp với Sở Xây dựng và UBND cấp xã trong công tác quản lý; chịu trách nhiệm về nội dung được giao quản lý; tổng hợp khó khăn, vướng mắc, đề xuất gửi Sở Xây dựng để hướng dẫn.
Xem xét thí điểm không công chứng, chứng thực trong giao dịch bất động sản là Hợp đồng tặng cho giữa cá nhân với cá nhân trong dự án
Ngày 07/7, Văn phòng UBND Thành phố ban hành Thông báo số 410/TB-VP về Kết luận, chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông tại cuộc họp xem xét báo cáo, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Môi trường về việc thí điểm không công chứng, chứng thực trong giao dịch bất động sản là Hợp đồng tặng cho giữa cá nhân với cá nhân trong dự án bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông kết luận, chỉ đạo:
Trên tinh thần cải cách, giảm chi phí, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố tiếp tục nghiên cứu mở rộng về phạm vi, đối tượng thí điểm thực hiện giảm bớt thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất với giao dịch bất động sản. Làm rõ quy trình, thủ tục, thẩm quyền cho phép thực hiện thí điểm và báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/7/2025.
Giao Văn phòng UBND Thành phố tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy UBND Thành phố báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để xem xét, cho phép triển khai thực hiện thí điểm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Ngày 07/7, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND về Triển khai thực hiện Kế hoạch số 316-KH/TU, ngày 23/4/2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Gắn đào tạo nghề với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh và phát triển kinh tế vùng. Phấn đấu hàng năm thu hút khoảng 20.000 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn Thành phố đạt 60% vào năm 2030.
UBND Thành phố tập trung thực hiện 08 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch bao gồm: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đa dạng hình thức truyền thông, chú trọng vai trò các cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Xây dựng chuyên trang về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (2) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tăng cường thực hành, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Đào tạo lại, phân luồng học sinh hiệu quả; (3) Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Ứng dụng nền tảng số trong dạy học trực tuyến. Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; (4) Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Huy động ngân sách, xã hội hóa, đầu tư thiết bị và cơ sở vật chất; (5) Đổi mới, phát triển chương trình và phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Xây dựng chương trình theo mô đun, tín chỉ. Đào tạo linh hoạt theo nhu cầu doanh nghiệp; (6) Phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Bồi dưỡng, nâng cao trình độ; khuyến khích nghệ nhân, người có kỹ năng nghề tham gia giảng dạy; (7) Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là trách nhiệm người đứng đầu: Gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất; bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức; (8) Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tăng ngân sách, khuyến khích tư nhân đầu tư. Đổi mới phương thức cấp kinh phí: từ cấp phát bình quân sang đặt hàng theo đầu ra.
UBND Thành phố giao nhiệm vụ các sở, ngành chủ chốt: Sở Giáo dục & Đào tạo chủ trì triển khai kế hoạch, phối hợp đào tạo, kiểm tra, giám sát; Sở Tài chính bố trí và giám sát kinh phí; Sở Nông nghiệp & Môi trường xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp; Sở Khoa học & Công nghệ đề xuất chương trình đổi mới sáng tạo; Sở Văn hóa & Thể thao tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; các đơn vị phối hợp: Sở Dân tộc & Tôn giáo tổ chức đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số; Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố cho vay vốn học nghề và khởi nghiệp; Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội và các ban: Ban Công tác Nông dân khảo sát, tư vấn, hỗ trợ nông dân. Ban Công tác Đoàn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên. Ban Công tác Cựu chiến binh và Phụ nữ tuyên truyền, hỗ trợ hội viên học nghề.
UBND cấp xã/phường tổ chức thực hiện tại địa phương; xây dựng kế hoạch cụ thể; lồng ghép với các chương trình khác.
Triển khai kế hoạch truyền thông kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9
Ngày 08/7, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND về Thông tin, tuyên truyền trên địa bàn thành phố Hà Nội kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2025).
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là tuyên truyền sâu rộng về tầm vóc lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Phản ánh đầy đủ các hoạt động kỷ niệm, thúc đẩy sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân. Truyền thông đa dạng, hiện đại, đúng định hướng chính trị, kịp thời xử lý thông tin sai lệch. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, huy động truyền thông đa nền tảng, sáng tạo, hiệu quả.
Đối tượng truyền thông là Nhân dân Thủ đô nội thành và ngoại thành; nhân dân cả nước, đặc biệt là thanh thiếu niên; du khách trong và ngoài nước và tuyên truyền với chủ đề: "Tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 bất diệt - Rạng rỡ non sông - Vinh quang Nhân dân - Tự hào Hà Nội".
Phần nội dung tuyên truyền được chia theo giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến ngày 31/7/2025 tuyên truyền bối cảnh, diễn biến, ý nghĩa lịch sử Cách mạng tháng Tám, khẳng định thành tựu 80 năm xây dựng đất nước và 40 năm đổi mới. Tôn vinh tinh thần "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa".
Giai đoạn cao điểm từ ngày 01/8/2025 đến ngày 02/9/2025: Tập trung mở đợt tuyên truyền cao điểm trên các loại hình thông tin; truyền thông truyền cảm hứng; Truyền thông hướng dẫn; tăng cường các hoạt động tương tác trên không gian mạng.
Giai đoạn sau ngày 02/9/2025: Tuyên truyền kết quả, phản ánh khí thế, niềm tin của Nhân dân và chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng triển khai các phương thức truyền thông đa dạng như: Xây dựng ứng dụng điện thoại (app), website với tên miền dự kiến A80.hanoi.gov.vn từ 15/7 đến 15/10/2025 cập nhật lịch sự kiện, thông tin hướng dẫn; thông tin báo chí: Họp báo, thông cáo báo chí, chuyên đề báo in và điện tử, cầu truyền hình...; truyền thông trong nước trên các báo Trung ương, địa phương và thành phố Hà Nội: Xây dựng chuyên đề, mở chuyên mục, dòng sự kiện trên báo/tạp chí in hoặc báo/tạp chí điện tử… triển khai các tuyến tin, bài dưới nhiều hình thức infographic, megastory, e-magazine, podcast; truyền thông quốc tế thông qua Vietnam.vn, Hanoitimes, kênh VTV4, VOV5…; tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp: Fanpage "Thủ đô Hà Nội - Việt Nam", iHanoi, YouTube, Zalo... Tạo hashtag sự kiện, podcast, clip ngắn truyền cảm hứng; tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Thành phố, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường, xã: Treo banner, đăng tải nội dung trên web các Sở, ngành, UBND cấp cơ sở; tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở và cổ động trực quan: Loa phường, xe buýt phát podcast, bảng chỉ dẫn QR, pano, banner, cờ, hồng kỳ, điểm check-in... Lắp đặt màn hình LED và loa truyền thanh phục vụ Nhân dân, du khách theo dõi Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành: Lắp đặt 14 màn hình LED tại 11 điểm thuộc 3 tuyến diễu binh, diễu hành; 05 màn hình tại các cửa ngõ Thủ đô và bố trí 136 màn hình tại các điểm công cộng thuộc cấp chính quyền cơ sở cơ bản sử dụng cơ sở vật chất, màn hình có sẵn ở trụ sở các cơ quan, nhà văn hoá, trường học, sân vận động… lắp 400 loa dọc tuyến diễu binh.
Yêu cầu hoàn thành rà soát, xử lý trụ sở dôi dư trong tháng 7/2025
Ngày 08/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3969/UBND-KT về việc rà soát, xây dựng phương án tổng thể về xử lý trụ sở dôi dư trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, căn cứ Công văn số 3794/UBND-KT ngày 28/6/2025 của UBND Thành phố và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 10020/BTC-QLCS ngày 04/7/2025, UBND Thành phố yêu cầu UBND các xã, phường hoàn thành việc bố trí, sắp xếp tài sản công và xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư trong tháng 7/2025.
Trên cơ sở kết quả rà soát từ cấp cơ sở, UBND Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án tổng thể xử lý trụ sở dôi dư trên địa bàn, bao gồm: bố trí, sắp xếp lại trụ sở cho các cơ quan thuộc Thành phố và Trung ương, chuyển đổi công năng thành cơ sở y tế, giáo dục… Phương án tổng thể cần đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm, ổn định lâu dài và hoàn thành trong tháng 8/2025; đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn để nắm bắt thông tin về nhu cầu bố trí trụ sở làm việc cũng như tình hình trụ sở dôi dư, từ đó tổng hợp và tham mưu cho UBND Thành phố.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai
Ngày 08/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3964/UBND-NNMT về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, căn cứ văn bản số 65-CV/TW ngày 13/6/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và văn bản số 595-CV/VPĐUCP ngày 27/6/2025 của Văn phòng Đảng ủy Chính phủ. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Đảng ủy UBND Thành phố. Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các phường, xã và đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các xã, phường tiếp tục tập trung chỉ đạo chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố, cụ thể như sau:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo Trung ương và Thành phố, đồng thời, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu theo phương châm "4 tại chỗ"; đẩy mạnh nâng cao ý thức chủ động phòng, chống thiên tai trong toàn xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng xung kích cấp xã, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở. Tổ chức vận động, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, lan tỏa tinh thần đoàn kết trong thiên tai, sự cố; khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã. Xây dựng, điều chỉnh các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai phù hợp với địa phương. Rà soát các điểm có nguy cơ cao, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện; tập trung nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách điều chỉnh, bổ sung: Tiêu chuẩn, định mức, quy chuẩn kỹ thuật về phòng, chống thiên tai và quy định xây dựng tại vùng xung yếu. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai đồng bộ; đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố. Ưu tiên trang bị công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai.
Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, kịp thời hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục khi có tình huống xảy ra.
Kế hoạch tuyên truyền Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 57
Ngày 08/7, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND về Tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" và Phong trào "Bình dân học vụ số" trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Kế hoạch thực hiện tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa của Nghị quyết 57-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch của Thành ủy và Phong trào "Bình dân học vụ số" tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô. Nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy tinh thần sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực.
Kế hoạch tập trung tuyên truyền 04 nhóm nội dung: (1) Tuyên truyền tập trung quán triệt sâu rộng các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Hướng dẫn số 10-HD/BTGDVTU của Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vai trò tiên phong của Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết. Đẩy mạnh Phong trào "Bình dân học vụ số"; (2) Tuyên truyền sâu rộng những nội dung cốt lõi và giá trị nền tảng của Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW: Bối cảnh, lý do ban hành Nghị quyết; mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2045. Chính sách phát triển thể chế, nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng hạ tầng số, đổi mới quản lý; (3) Tuyên truyền về vai trò của Thành phố trong thực hiện Nghị quyết: Mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ cao. Thúc đẩy chính quyền số, thành phố thông minh, kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Nêu bật các mô hình, cá nhân điển hình ứng dụng thành công; (4) Tuyên truyền những cơ hội và thách thức trong công cuộc chuyển đổi số: Chuyển đổi số mang lại cơ hội lớn nhưng đi kèm yêu cầu cao về năng lực, đầu tư và an toàn thông tin. Cần truyền thông để người dân, doanh nghiệp chủ động thích ứng.
Cùng với đó, đa dạng hóa hình thức và kênh truyền thông: Phối hợp hiệu quả giữa báo chí truyền thống, mạng xã hội, truyền thông cơ sở, hình ảnh, video, infographic, podcast... để tiếp cận đa đối tượng. Cụ thể: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; nền tảng số, môi trường mạng và hệ sinh thái số của Thành phố; trên hệ thống thông tin cơ sở; trực quan và hoạt động thực tiễn; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội và tổ chức sự kiện số, giao lưu trực tuyến về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo,
UBND Thành phố giao: Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp kết quả tuyên truyền; các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương: Tuyên truyền trên cổng thông tin; lồng ghép trong hoạt động thường xuyên; phối hợp báo chí và khen thưởng mô hình hiệu quả; Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức diễn đàn, hội thảo, hỗ trợ doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu đổi mới, phát động các giải thưởng chuyển đổi số; Văn phòng UBND Thành phố công khai thông tin chính sách trên mạng; phát triển nội dung truyền thông đa phương tiện, lan tỏa trên mạng xã hội.
Phê duyệt đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Đại Kim
Ngày 08/7, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3693/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Đại Kim, tỷ lệ 1/500 tại ô đất ký hiệu CT3 Địa điểm: Phường Định Công, thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, mục tiêu của Đồ án là cụ thể hóa các quy hoạch cấp trên quy hoạch chung Hà Nội đến 2045, tầm nhìn 2065. Cải thiện tổ chức không gian kiến trúc, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý theo quy hoạch; phê duyệt đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Đại Kim, tỷ lệ 1/500 tại ô đất ký hiệu CT3 với các nội dung chính sau: Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Đại Kim, tỷ lệ 1/500 tại ô đất ký hiệu CT3; địa điểm: Phường Định Công, thành phố Hà Nội; vị trí, ranh giới: Ô đất ký hiệu CT3 trong Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Đại Kim được duyệt thuộc ô quy hoạch ký hiệu D4, gồm một phần ô đất ký hiệu D4/ODK2 theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, có vị trí như sau: Phía Tây Bắc giáp đường quy hoạch rộng 30m; Phía Tây Nam giáp đường Vành đai 3, đường Nghiêm Xuân Yêm; Phía Đông Bắc giáp các ô đất ký hiệu TT3 và TT7 có chức năng là đất ở thấp tầng; Phía Đông Nam giáp đường quy hoạch rộng 17,5m. Quy mô nghiên cứu lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết có tổng diện tích đất khoảng 29.034m2 theo Bản đồ hiện trạng, tỷ lệ 1/500 do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Việt Mỹ lập, được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận.
Về Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất: Hiện trạng theo quy hoạch cũ QĐ số 67/2007/QĐ-UBND & QĐ số 3144/QĐ-UBND, nay điều chỉnh giữ nguyên diện tích đất: 29.034m². Điều chỉnh chỉ tiêu để phù hợp với Quy hoạch phân khu H2-3: diện tích xây dựng: 11.613,6m²; mật độ xây dựng: 40%; tầng cao công trình: 33 tầng...; về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị: Vị trí, mối liên hệ không gian - kiến trúc: Ô đất CT3 tiếp giáp với tuyến đường Vành đai 3, Nghiêm Xuân Yêm, mặt cắt ngang 68m, nằm tại nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Phạm Tu. Vị trí có vai trò điểm nhấn đô thị, phù hợp định hướng tổ chức không gian kiến trúc theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-3 được duyệt…
Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội kiểm tra, xác nhận hồ sơ bản vẽ điều chỉnh cục bộ quy hoạch ô đất CT3; lưu trữ hồ sơ quy hoạch theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Chuẩn bị công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tại các trường học năm học 2025-2026
Ngày 07/7, Văn phòng UBND Thành phố ban hành Công văn số 10389/VP-KGVX về việc chuẩn bị công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tại các trường học trên địa bàn Thành phố năm học 2025-2026.
Theo đó, để chuẩn bị công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn Thành phố năm học 2025-2026, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm Thành phố giao Sở Y tế chủ trì: Phối hợp với các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Môi trường và đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí lựa chọn các đơn vị cung cấp suất ăn và nguyên liệu chế biến thực phẩm cho các bếp ăn bán trú trường học, đề xuất thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá năng lực của các Doanh nghiệp cung cấp, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 09/7/2025; trên cơ sở thống nhất của UBND Thành phố về tiêu chí, Sở Y tế thực hiện thông báo tiêu chí, tổ chức tiếp nhận đề xuất của các đơn vị cung cấp suất ăn và nguyên liệu chế biến thực phẩm cho các bếp ăn bán trú trường học năm học 2025-2026, hoàn thành trước ngày 18/7/2025.