Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ (00:00 28/10/2022)


HNP - Sáng 27/10, Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với trường Đại học Thương mại tổ chức Hội thảo “Thương mại hóa các vấn đề cốt lõi, ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ”.

Phó Bí thư Thành đoàn Trần Quang Hưng phát biểu chào mừng Hội thảo


Hội thảo được tổ chức tại Hội trường H1, H3, trường Đại học Thương mại (số 79, Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và kết nối với các điểm cầu tại các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trực thuộc. Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội, lãnh đạo trường Đại học Thương mại cùng các báo cáo viên, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thương mại hóa, thương mại điện tử và bán lẻ. Tham dự Hội thảo còn có các đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và đặc biệt có sự tham dự của gần 500 nhà khoa học trẻ là nhà nghiên cứu, giảng viên, đoàn viên, sinh viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như hàng nghìn người theo dõi Hội thảo qua các nền tảng trực tuyến.
 
Hội thảo gồm 2 nội dung chính. Phần thứ nhất, trình bày dự án khởi nghiệp trong khuôn khổ Cuộc thi “Khơi nguồn Startup”. Cuộc thi “Khơi nguồn Startup” nằm trong chuỗi chương trình với chủ đề “Thương mại hóa các công nghệ cốt lõi, ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ” là cuộc thi được khởi động từ khá sớm với mục tiêu tìm được những ý tưởng sáng tạo từ các bạn sinh viên về việc tận dụng những thay đổi từ môi trường số cho hoạt động khởi nghiệp trong những ngành nghề, lĩnh vực mới, hoặc thay đổi bộ mặt mới cho những ý tưởng đã được định hình từ trước. 
 
Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên trên địa bàn thành phố và đã có những ý tưởng xuất sắc để trình bày tại Vòng chung kết, bao gồm 03 dự án là: MAPMA - Nền tảng cung cấp thực phẩm tiện lợi; LEVION - Nền tảng học tiếng Việt trực tuyến dành cho người nước ngoài; CIRCLE Z - Sàn giao dịch thương mại điện tử thời trang tái chế.
 
Phần thứ hai, các diễn giả trình bày tổng quan về tình hình thương mại điện tử Việt Nam bao gồm: những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như uy tín của các doanh nghiệp chân chính; những chính sách bảo vệ người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước; những hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng của Chính phủ Việt Nam; lời khuyên dành cho các doanh nghiệp thương mại điện tử nói riêng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số để có thể thắng thế trong cạnh tranh; lời khuyên đối với các bạn sinh viên trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển.
 
Các diễn giả cũng sẽ chia sẻ về thương mại điện tử trên nền tảng Tiktok, việc mở gian hàng bán hàng trên Tiktok, ưu điểm và hạn chế của việc trao đổi mua bán trên nền tảng Tiktok cũng như một số nền tảng khác để bắt sang câu hỏi quản lý Nhà nước về thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó là những chia sẻ về thực trạng phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay; Chương trình đào tạo thương mại điện tử của trường Đại học Thương mại được thiết kế như thế nào để đáp ứng nhu cầu của xã hội và giải pháp để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho sinh viên.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t