Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Gắn với tuyển dụng lao động (11:22 16/06/2020)


HNP - Triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, từ năm 2016 đến nay, thành phố Hà Nội đã thu được những kết quả rõ nét. Đáng chú ý, công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương…

88,46% lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo

Bám sát Quyết định số 1956/QĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo của văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, các huyện, thị xã khu vực ngoại thành Hà Nội đã chủ động lựa chọn ngành nghề, mô hình đào tạo phù hợp, thu hút số lượng lớn lao động nông thôn tham gia học nghề. Qua đó, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, huyện Chương Mỹ là một trong những đơn vị điểm. Ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, huyện có 95/216 làng có nghề, dựa trên thế mạnh của địa phương và thực tiễn xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện đã lựa chọn mô hình đào tạo nghề phù hợp, bền vững có khả năng thu hút nhiều lao động tham gia học nghề. Năm 2019, từ các nguồn lực hỗ trợ của thành phố, huyện Chương Mỹ đã tổ chức được 28 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 979 lao động các nghề chăn nuôi thú y, chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, rau an toàn. Đối với nghề phi nông nghiệp, huyện tổ chức được 22 lớp với 770 người tham gia học các nghề mộc dân dụng, may công nghiệp, mây tre giang đan. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách địa phương, huyện đã tổ chức 32 lớp đào tạo nghề, truyền nghề thủ công cho 1.120 lao động học các nghề mây tre giang đan, thêu, may công nghiệp, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ…

Từ thực tế của địa phương, huyện Quốc Oai cũng đã lựa chọn ngành nghề phù hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết, huyện có nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nên ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, rà soát, xây dựng đề án đào tạo nghề đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Do định hướng đúng nên tỷ lệ lao động của huyện Quốc Oai qua đào tạo được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc khá nhiều, chiếm 33,83% lao động được đào tạo nghề. Ngoài ra, nhiều lao động học nghề đã tự tạo được việc làm để tăng thêm thu nhập.

Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã mở 1.364 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Do có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề… nên tay nghề của người lao động và tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm được cải thiện rõ rệt. Theo Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề của thành phố đạt 88,46%. Trong đó, 7.442 lao động nông thôn sau đào tạo nghề được doanh nghiệp tuyển dụng, 7.249 lao động sản xuất ra sản phẩm được doanh nghiệp đứng ra đảm nhận bao tiêu, 50.696 người lao động tự tạo việc làm và 714 người đã thành lập được hợp tác xã, doanh nghiệp.

Chú trọng chất lượng đào tạo

Qua điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố có 100.737 người đăng ký học nghề. Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, từ kết quả khảo sát, các huyện, thị xã đã kịp thời ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của từng địa phương. Trên cơ sở nhu cầu học nghề và định mức chi phí đào tạo nghề cho lao động, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đã ban hành 49 nghề, con số này trong giai đoạn 2017-2020 là 33 nghề để đào tạo cho lao động nông thôn.

Có thể nói, ngành nghề đưa vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn là khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên có nơi phát huy tốt thì thu nhập của người lao động khá và ổn định. Đơn cử như ở huyện Chương Mỹ do linh hoạt trong công tác đào tạo nghề nên thu nhập của người lao động được cải thiện. Chia sẻ về ngành nghề được đào tạo, chị Nguyễn Thị Anh, xã Trường Yên cho hay, trước đây từng đi làm cho doanh nghiệp may công nghiệp song công việc lúc có lúc không, vì vậy thu nhập bấp bênh. Kể từ khi tham gia lớp đào tạo nghề mộc, chị đã nắm vững kỹ thuật cơ bản như đánh ráp, đánh bóng sản phẩm mỹ nghệ và được một cơ sở sản xuất mộc trên địa bàn huyện tiếp nhận vào làm việc và được trả lương 7 triệu đồng/tháng, ngoài ra chưa kể tiền thưởng hoặc làm thêm giờ. 

Trong khi đó, tại các huyện như Ba Vì, Quốc Oai…, mặc dù tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt khoảng 85%, nhưng mức thu nhập bình quân so với mặt bằng chung vẫn thấp, chỉ từ 2,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều nguyên nhân khiến thu nhập của người lao động thấp, nhưng mấu chốt là việc tư vấn lựa chọn nghề học của lao động nông thôn chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của các làng nghề truyền thống và nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Để thu hút tham gia học nghề, đồng thời cải thiện thu nhập cho người lao động, ông Nguyễn Văn Chí cho biết, ngoài triển khai các nhóm giải pháp theo chỉ đạo của UBND thành phố, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chú trọng chất lượng công tác đào tạo nghề. Theo đó, song song đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thực hiện công tác đào tạo nghề, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tập trung cho công tác tư vấn, hỗ trợ cho lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề; rà soát nhu cầu học nghề của người lao động để bảo đảm công tác đào tạo nghề, nhất là nghề nông nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành Nông nghiệp…

Đồng quan điểm, lãnh đạo các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan của thành phố cũng đều cho rằng, trong đào tạo ngành nghề phải phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường. Dứt khoát không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t