Hà Nội: Chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao (21:45 30/01/2018)


HNP - Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội đã không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Nhờ vậy, chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện, giảm nợ quá hạn, đồng thời, kiện toàn, đổi mới phương thức quản lý hoạt động hiệu quả.

Nợ quá hạn giảm sâu

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ngân hành Chính sách xã hội thành phố triển khai thực hiện hiệu quả là phối hợp cấp ủy, chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị xã hội các cấp tập trung thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Cùng với đó, chú trọng tới việc chấp hành các thủ tục, quy trình nghiệp vụ; nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại các xã, phường thị trấn, chất lượng công tác ủy thác và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc thu hồi, xử lý kịp thời nợ đến hạn, quá hạn. Qua đó, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao, nợ quá hạn toàn thành phố giảm sâu.

Bên cạnh đó, Ngân hàng tích cực phối hợp với tổ chức, đoàn thể nhận ủy thác các cấp làm tốt công tác ủy thác, nhất là trong khâu kiểm tra giám sát, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn; làm tốt công tác tuyên truyền, xác nhận đối tượng vay vốn, đặc biệt là công tác bình xét đối tượng cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, có sự chứng kiến của Trưởng thôn và tổ chức chính trị xã hội cấp xã...

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã thành lập các tổ công tác nâng cao chất lượng tín dụng tại các phòng giao dịch cấp huyện, tập trung tại những địa bàn có nợ quá hạn cao, chất lượng hoạt động chưa tốt. Giao nhiệm vụ cho cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn có trách nhiệm nắm bắt thường xuyên tình hình nợ đến hạn và các vấn đề phát sinh trên địa bàn để kịp thời xử lý, ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh. Phối hợp với chính quyền địa phương và Hội đoàn thể cơ sở phân tích nguyên nhân nợ quá hạn của từng món vay để đưa ra giải pháp xử lý cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt đã phối hợp với tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tổ chức đối chiếu nợ, phân tích nợ toàn diện tới 100% khách hàng vay vốn. Từ đó đánh giá, phân loại nợ trên địa bàn làm cơ sở đưa ra giải pháp ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh cũng như xử lý thu hồi nợ quá hạn tồn đọng.

Công tác quản lý và xử lý nợ bị rủi ro cũng được ngân hành phối hợp với chính quyền địa phương, Hội đoàn thể và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định khoanh nợ, xóa nợ đối với những món vay đủ điều kiện, bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng vay vốn...

Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chất lượng tín dụng chính sách xã hội đã từng bước được củng cố và giữ vững. Hiện nay, Ngân hành Chính sách xã hội thành phố có 10 đơn vị quận, huyện không có nợ quá hạn và 445 địa bàn cấp xã không có nợ quá hạn.

Đổi mới phương thức quản lý

Ngoài củng bố, bổ sung, kiện toàn, bảo đảm công tác chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn được thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn, Ban đại diện Hội đồng quản trị, Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp đã chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng chính sách khá hiệu quả. Theo đó, từ khâu xây dựng, phân bổ chỉ tiêu kế hoạch đến tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm linh hoạt, khoa học, bài bản. Công tác triển khai kiểm tra, giám sát theo kế hoạch hằng năm và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở được duy trì thường xuyên... Các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp đã tích cực gắn kết kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ của địa phương với hoạt động tín dụng chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình.

Việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị xã hội được thực hiện và hoạt động trên địa bàn thành phố theo địa bàn thôn, bản, khu dân cư, tổ dân phố. Đây là hướng đi đúng đắn, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện nay, 4 tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác một số nội dung công việc trong quá trình thực hiện nghiệp vụ tín dụng chính sách với tổng số vốn là 4.468 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73% trên tổng dư nợ.

Để triển khai thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội quan tâm xây dựng, củng cố và kiện toàn các Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở. Toàn địa bàn thành phố đã có 7.483 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại các thôn, khu dân cư, với tổng số hơn 204.000 thành viên, bình quân mỗi Tổ có 27 thành viên. Qua kết quả rà soát, phân loại, thành phố có 7.175 Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại tốt (tỷ lệ 96%); 259 Tổ đạt loại khá (tỷ lệ 4,3%) và 28 Tổ xếp loại trung bình (tỷ lệ 0,4%), 21 Tổ xếp loại yếu (tỷ lệ 0,3%) đang tiếp tục được củng cố, kiện toàn.

Qua tìm hiểu, màng lưới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố ngày càng mở rộng phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Ngay từ khi có chủ trương của trung ương, UBND thành phố đã chỉ đạo thành lập 561 điểm giao dịch lưu động tại xã, phường, thị trấn trên tổng số 584 xã, phường, thị trấn của toàn thành phố. Tại điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục được niêm yết công khai; người vay giao dịch trực tiếp với ngân hàng vào ngày cố định hằng tháng để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền cấp xã. Nhờ đó, đã hạn chế được việc thất thoát, tạo lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố...


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t