Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển văn hóa (09:36 13/12/2017)


HNP - Quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 17/10/2012. Đến nay, ngành văn hóa và thể thao đã tích cực triển khai quy hoạch và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa trong các khu lao động, khu đào tạo vận động viên thể thao chuyên nghiệp và trong các trường học, công sở, đơn vị doanh nghiệp... từng bước nâng cao chất lượng phong trào và mở rộng phạm vi tác động của phong trào đến yêu cầu phát triển của Thủ đô. Đến nay, Thành phố Hà Nội đã hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Cụ thể: Gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 85%; Làng, thôn bản được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa đạt 55%; Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 70%/Kế hoạch đề ra 65%; Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 70%/Kế hoạch đề ra là 60%.

Ngành văn hóa đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện ý thức tôn trọng kỷ cương, phát luật. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính trị, đoàn thể trong thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn thành phố. Tổ chức nhân rộng các mô hình lễ cưới văn minh tiến bộ. Nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn được phát huy, có sự kết hợp với các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Trong lễ hội, các nghi lễ được tổ chức gọn nhẹ, không kéo dài. Tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố.

Trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, Hà Nội đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể trong giai đoạn 2011-2015 bằng cả nguồn kinh phí ngân sách và nguồn vốn xã hôi hóa. Thành phố đã đầu tư tu bổ và hỗ trợ tu bổ 71 di tích. Đến hết năm 2015, thành phố đã hoàn thành đầu tư 58 di tích, 13 dự án sẽ chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2015.

Công tác kiểm kê, xếp hạng di tích trên địa bàn Hà Nội đã được tiến hành có quy củ, nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích. Việc lập hồ sơ quản lý di tích được thực hiện hàng năm để làm thủ tục xếp hạng di tích, tính đến tháng 12/2015, đạt 2.396 di tích xếp hạng trên tổng số 5.922 di tích, trong đó 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố và 11 di tích, cụm di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 01 di sản thế giới.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong giai đoạn hiện nay cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung ương và thành phố. Hà Nội đã triển khai xây dựng và hoàn thiện đề án bảo tồn làng cổ Đông Ngạc, đề án không gian lễ hội Gióng. Xây dựng kế hoạch bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp như ca trù, hát tuồng... Thực hiện thành công các dự án bảo tồn chèo truyền thống cũng như phát huy công tác giáo dục, tuyên truyền về nghệ thuật Chèo qua chương trình “Sân khấu học đường” đưa một lượng khán giả trẻ lớn đến với một loại hình sân khấu truyền thống.

Trong hoạt động quảng cáo, Thành phố đã triển khai công tác xây dựng quy hoạch quảng cáo tấm lớn và Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố nhằm đưa hoạt động quảng cáo vào trật tự quản lý. Phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã từ khâu thông báo đến hậu kiểm các biển quảng cáo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiến nghị quận, huyện xử lý dứt điểm các biển quảng cáo không phép, sai phép và chấn chỉnh hoạt động biển hiệu...

Trong hoạt động nghệ thuật, hoàn thành chỉ tiêu dựng chương trình nghệ thuật mới với phương châm kết hợp nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đương đại. Nhiều chương trình, tiết mục được dàn dựng công phu được khán giả trong và ngoài nước đánh giá cao, nhiều nghệ sĩ diễn viên đã đạt được các giải thưởng cao trong hoạt động nghệ thuật. Triển khai một số chương trình nghệ thuật mới nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống như: chương trình “Giới thiệu cây Đàn bầu Việt Nam và các loại nhạc cụ dân tộc với các làn điệu dân ca truyền thống Việt Nam”, “Giới thiệu nhóm kèn đồng” tại sân khấu nhà Bát Giác (sau Tượng đài Lý Thái Tổ) đã tạo thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân trong nước và du khách quốc tế; Xây dựng và tổ chức thực hiện giới thiệu nghệ thuật chèo truyền thống trong hệ thống các trường học trên địa bàn thành phố với mục đích để các em học sinh hiểu, biết đến nghệ thuật dân tộc và biểu diễn phục vụ khách du lịch. Từ đó, góp phần vào nâng cao nhận thức và định hướng thẩm mỹ cho khán giả trẻ. Xây dựng đề án chương trình nghệ thuật cải lương có dịch sang tiếng Anh để phục vụ khách quốc tế. Đặc biệt, nhà hát múa rối Thăng Long lập kỷ lục 365 ngày đỏ đèn do Trung tâm sách kỷ lục Châu Á bình chọn.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy hoạch, căn cứ vào chỉ tiêu quy hoạch, các sở ngành và quận huyện cần tiếp tục xây dựng lộ trình thực hiện có lồng ghép vào các chương trình khác của Trung ương và Thành phố để đảm bảo tính khả thi cao. Cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành để thực thi các nhiệm vụ quy hoạch từ khâu xây dựng kế hoạch, bố trí quỹ đất, bố trí kinh phí, có cơ chế chính sách phù hợp đến khâu thẩm định, phê duyệt các hoạt động, chương trình, đề án, dự án. Vì vậy, cần tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp, các địa phương trong việc thực hiện Quy hoạch văn hóa. Cùng với đó, tăng cường đầu tư phát triển, nâng cấp, cải tạo thiết chế văn hóa thể thao. Có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút nguồn kinh phí ngoài ngân sách, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở; Thường xuyên tổ chức đào tạo, đảm bảo chế độ cho cán bộ làm văn hóa cơ sở…


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t