Thành phố chưa quyết định việc di dời hơn 1,3 nghìn cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng (05:56 07/06/2017)


HNP - Đó là khẳng định được Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục đưa ra, tại hội nghị giao ban báo chí, do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, chiều 6/6.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thông tin tại hội nghị


Mới chỉ là phương án do đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đưa ra
 
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, tuyến đường Phạm Văn Đồng đoạn từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long, là một phần của đường vành đai 3 - trục giao thông huyết mạch của thành phố Hà Nội, là tuyến đường hết sức quan trọng của giao thông liên tỉnh qua Hà Nội cũng như là trục chính đô thị phục vụ đi lại nội đô Thành phố. Đường vành đai 3, đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Mai Dịch, hiện đã được đầu tư hoàn chỉnh, bao gồm cả cầu cạn trên cao, trong khi đường Phạm Văn Đồng từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long hiện nay vẫn là đường cũ, mặt cắt ngang từ 23-25m, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, các nút giao thông đồng mức, mật độ xe lưu thông dày đặc với lưu lượng xe thuộc loại cao nhất của Hà Nội nên không đáp ứng yêu cầu giao thông cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
 
Trước yêu cầu cấp bách như vậy, TP Hà Nội đã quyết tâm triển khai xây dựng tuyến Phạm Văn Đồng, đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long cho đồng bộ với toàn tuyến vành đai 3. Dự án đã được các cơ quan chức năng phê duyệt với 2 dự án thành phần, thứ nhất là mở rộng đường Phạm Văn Đồng từ 23-25m như hiện nay lên 56m - 93m bao gồm 04 làn xe cơ giới đường chính; 06 làn xe hỗn hợp và thô sơ, dự án đã được khởi công tháng 10/2016, dự kiến hoàn thành phần đường xong trước Tết nguyên đán 2018.
 
Dự án thành phần thứ 2 là đầu tư cầu cạn cao tốc đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, với mặt cắt ngang cầu thông thường là 24m, (kết nối đồng bộ, tương tự với đoạn Thanh Trì - Mai Dịch) các đoạn bố trí nhánh lên xuống cầu có mặt cắt ngang 38m (3 nhánh lên xuống là Hoàng Quốc Việt; Trục Tây Thăng Long theo Quy hoạch; trước cổng Ciputra), giữa hai nhánh lên xuống Hoàng Quốc Việt và Trục Tây Thăng Long mặt cắt ngang cầu là 27m. Dự kiến khởi công vào năm 2017 và hoàn thành quý IV/2019 (tiến độ hiện nay đã chậm so với yêu cầu, mục tiêu đưa vào khai thác phục vụ nhân dân).
 
Để triển khai dự án, chủ đầu tư đã tiến hành giải phóng mặt bằng giải tỏa 884 hộ dân, 57 cơ quan đơn vị. Đặc biệt, ngoài việc giải tỏa công trình nhà, công trình hạ tầng dọc tuyến thì trên tuyến đường này có một số lượng cây xanh đáng kể cần phải tính toán, xử lý phục vụ công tác triển khai làm đường.
 
Theo phương án do đơn vị tư vấn lập, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội thống nhất thì toàn tuyến có tổng số 1.315 cây xanh, trong đó: Giữ nguyên vị trí 142 cây (các chủng loại Xà Cừ, Sấu, Phượng, Hoa Sữa, Bằng Lăng); dịch chuyển 158 cây (gồm các chủng loại: Xà Cừ, Sấu, Hoa Sữa, Bằng lăng, Phượng, Muồng, Đa, Lộc vừng, Chẹo, Si, Lát, Sưa, Xoài, Móng bò); Cây xanh phải giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây (Xà Cừ, Bàng, Cau vua, Keo, Trứng cá, Xoan, Bạch đàn, Vông gai, Cau ta, Nhãn, Sung, Dướng, Muỗm).
 
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, đây mới chỉ là phương án do đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra, trong khi việc cấp giấy phép dịch chuyển, giải tỏa cây xanh là một thủ tục hành chính và do UBND TP phê duyệt.
 
Ưu tiên dịch chuyển, giữ nguyên, bất đắc dĩ mới phải chặt hạ
 
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, quan điểm nhất quán của lãnh đạo Thành phố trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ.
 
Đối với dự án này, Thành phố yêu cầu đơn vị tư vấn trình bày, trả lời về tính pháp lý, quy hoạch, yêu cầu thiết kế kỹ thuật, chứng minh phương pháp tối ưu hóa của hạng mục xử lý, giải tỏa cây phục vụ triển khai dự án, các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường… Bên cạnh đó, Sở Xây dựng sẽ đi rà soát, lập hồ sơ từng cây một, để xem cây nào giữ nguyên, cây nào dịch chuyển trồng ở vị trí khác, những cây bất khả kháng như bên dưới là các công trình hạ tầng ngầm, không thể dịch chuyển mới tính đến phương án chặt hạ và phải xem xét hết sức kỹ lưỡng từng trường hợp, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định.
 
Thành phố cũng yêu cầu số cây trồng mới phải lớn hơn số cây dịch chuyển, thay thế. Cụ thể, đối với dự án đường Phạm Văn Đồng, sắp tới sẽ trồng 1.547 cây cao tán, gồm các chủng loại: Giáng Hương, Bàng Đài Loan, Cọ dầu, Ban Hoàng Hậu. Tầng cây bụi với 4.600 cây gồm chủng loại: Đại sứ, Tường vi, Ngọc bút, Dâm bụt, Hoa Giấy... Tầng thảm cỏ trên 60 nghìn m2, gồm: Dương xỉ, Ngọc trai, Muống Nhật, Lan dẻ quạt... tạo thành 3-4 tầng cây, góp phần cải thiện không khí, giảm tiếng ồn, giảm chi phí duy trì, giữ ẩm, tạo màu xanh.
 
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cũng cho biết thêm, vừa qua, Thành phố đã tiến hành đánh chuyển một số cây Xà cừ phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và đưa về vườn ươm, qua kiểm tra cho thấy tỷ lệ sống của các cây đạt 90%, chỉ có 10% các cây chết sau khi di chuyển. Số cây này sẽ được dùng để trồng ở các vị trí phù hợp hoặc thay thế cho những cây Xà cừ bị chết trên các tuyến phố để đảm bảo đồng bộ. 
 
Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định một lần nữa, TP Hà Nội không có chủ trương về giải toả, thay thế 4 nghìn cây xà cừ mà một số báo chí đã nêu trong thời gian gần đây.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t