Quy hoạch trường lớp: Cần có chiến lược hiệu quả (16:38 09/06/2017)


HNP - Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp; Quy hoạch mạng lưới trường ở Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội đã bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần được khắc phục để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở Thủ đô.

Tính đến hết năm 2016, Thành phố có 2.669 trường học với hơn 1,8 triệu học sinh. Tỷ lệ học sinh học trường công lập cấp Mầm non, Tiểu học, THCS đạt 85%, học sinh học khối Trung học Phổ thông ở hệ công lập đạt 65%. Như vậy, so với mục tiêu cả nước phấn đấu đến năm 2020 đạt 70% học sinh học trường công lập mầm non, tiểu học, THCS, Hà Nội đã vượt khá xa. Đặc biệt, thành phố có hệ thống trường công lập đạt chuẩn quốc gia dẫn đầu cả nước, đạt 57%... Trong giai đoạn 2011 - 2016, Thành phố đã sửa chữa, xây dựng mới gần 800 trường học. Trong đó, có 250 trường học được xây mới và hơn 500 trường được tu bổ, sửa chữa; mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Sỹ số học sinh trên lớp từng bước giảm dần, nhất là khu vực ngoại thành, hiện sỹ số trung bình của toàn thành phố là 42,29 học sinh/lớp. Chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp học có tỷ lệ trên chuẩn cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Thành phố hiện có gần 134.000 cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên các cấp học, ngành học, trong đó, có hơn 83.000 giáo viên công lập, 100% giáo viên đạt chuẩn.
 
Mặc dù hệ thống mạng lưới trường lớp được mở rộng, song trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguyên nhân một phần do dân số cơ học ngày càng tăng, nhất là ở những quận nội thành và khu đô thị. Ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, hiện, quận có dân số trên 410.000 người. Dân số cơ học tăng nhanh, các khu chung cư cao tầng mới mọc lên đồng nghĩa với thêm người ở dẫn đến thiếu trường học, sĩ số học sinh/lớp vượt quy định. Quỹ đất mở rộng trường, xây mới trường của quận rất khó khăn trong khi nhiều trường diện tích không lớn, lại nằm sát nhà dân, không mở rộng được. Ngoài ra, những năm gần đây, phát triển nhiều chung cư cao tầng với hàng nghìn hộ dân, nhưng tiến độ xây trường học lại rất chậm. Các khu đô thị tập trung xây dựng trường dân lập, dẫn đến nhu cầu, áp lực được học trong trường công lập ngày càng tăng. Tiêu biểu như Khu đô thị Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm) không có trường mầm non công lập, nhưng lại có 10 trường mầm non tư thục; Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy) có 6 trường tư thục ở 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS, nhưng không có trường công lập; Khu đô thị Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai) có 4 trường tư thục hệ mầm non, tiểu học nhưng thiếu trường công lập...
 
Trong khi quận nội thành sẵn sàng nguồn lực đầu tư xây dựng trường, nhưng lại khó khăn về địa điểm, thì các huyện ngoại thành dễ bố trí địa điểm xây dựng trường nhưng lại thiếu nguồn lực đầu tư. Nguồn thu hạn chế, dân cư phân bố không đều, mật độ dân cư thấp, một số trường học không tuyển đủ học sinh. Điều này đã gây khó khăn cho việc xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học ở các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, đặc biệt là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa như 7 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, so với các địa phương khác, huyện có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống rải rác, có nhiều điểm trường lẻ với cơ sở vật chất nghèo nàn. Đời sống nhân dân chưa đáp ứng để tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày. Năm 2016, chỉ có 12,3% trường mầm non công lập của huyện đạt chuẩn quốc gia, cách rất xa so với chỉ tiêu chung của thành phố là đạt 50% vào năm 2020. Một số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã quá 5 năm, cơ sở vật chất xuống cấp, chưa có kinh phí đầu tư tu bổ. Điều này khiến việc công nhận lại rất khó thực hiện.
 
Dựa vào những con số thực tế, tính đến năm 2020, tổng số trường Mầm non và trường phổ thông còn thiếu sẽ là khoảng 314 trường công lập (Mầm non thiếu 166 trường; Tiểu học  thiếu 76 trường; THCS thiếu 55 trường; THPT thiếu 17 trường). Về cơ bản mỗi xã, phường, thị trấn đều có ít nhất 1 trường Mầm non, Tiểu học, THCS công lập. Riêng trường THPT được phân bổ theo nguyên tắc 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT công lập. Ở cấp Mầm non, đã đáp ứng đủ chỗ học cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi theo tiêu chuẩn phổ cập. Với học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt trên 99%; Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 năm 2015. Cấp học THCS, Thành phố tiếp tục duy trì kết quả phổ cập và tiến tới phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi. Cấp THPT, năm 2017,  thực hiện Quy hoạch được 4/20 trường công lập thành lập và xây mới, hoàn thành 20% chỉ tiêu quy hoạch.
 
Quy hoạch, phát triển giáo dục lâu dài là bước đi đúng đắn không chỉ với riêng Hà Nội vì giáo dục là quốc sách hàng đầu. Sự chuyển biến trong chất lượng giáo dục và đào tạo của Thủ đô là minh chứng thuyết phục nhất cho quan điểm đó. Song, để nâng cao chất lượng giáo dục, cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn để có bước đi chiến lược hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Thành phố ưu tiên giành quỹ đất để xây dựng trường học khi chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở và đô thị trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên xây dựng trường công lập nhằm giảm sỹ số học sinh mỗi lớp và số lớp ở mỗi trường theo quy định. Với các trường đã quá tải mà phường không còn quỹ đất để xây thêm hoặc mở rộng trường, cần xem xét từng trường hợp, cho phép được nâng tầng và tăng mật độ xây dựng. 
 
Trong quá trình quy hoạch, thành phố cũng cần quy định rõ quỹ đất để xây dựng trường học: quỹ đất phục vụ công cộng của các phường và tận dụng đất trống chưa khai thác để xây dựng. Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có, các phường cần đề nghị cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao.Bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân để xây dựng trường học… Song song với đó, các địa phương trên địa bàn Thành phố cần tăng cường huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng, cải tạo trường học…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t