Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016: Nơi ươm mầm và tỏa sáng (15:27 14/11/2016)


HNP - Liên hoan ca trù không còn là hoạt động xa lạ đối với những người yêu môn nghệ thuật ca trù. Song, điểm khác biệt là năm nay, Liên hoan lại dành cơ hội cho các tài năng trẻ tỏa sáng. Đây cũng được xem là điểm mới làm tăng sức hấp dẫn của Liên hoan cũng như góp phần gìn giữ di sản văn hóa, đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

Tiết mục múa hát CLB Lỗ Khê tại Liên hoan


Sân chơi cho các tài năng trẻ
 
CLB Ca trù Lỗ Khê là một trong những CLB mang đến Liên hoan nhiều tiết mục dự thi. CLB thuộc huyện Đông Anh có 32 hội viên, trong đó có 3 nghệ nhân dân gian. Với nỗ lực gìn giữ di sản quý báu, CLB đã tham gia nhiều kỳ Liên hoan và liên tục đạt các giải cao. Theo ca nương Đinh Thị Vân, 26 tuổi, sinh hoạt tại CLB Lỗ Khê tâm sự: Tham gia hoạt động nghệ thuật âm nhạc khá lâu, song đến với ca trù thì chỉ mới vài năm trở lại đây. Ca nương này đến với ca trù khá tình cờ, khi tham gia học lớp tập huấn hát ca trù do huyện tổ chức. Ban đầu đối với một người mới như Đinh Thị Vân, luyện tập ca trù có rất nhiều khó khăn. Ca trù có tiết tấu chậm, lời cổ chứ không sôi nổi hay có âm điệu dễ nghe như các dòng nhạc hiện nay. Song, nhờ sự dìu dắt tận tình và tâm huyết của các nghệ nhân trong CLB là ca nương Phạm Thị Mận, ca nương Nguyễn Thị Thảo mà giờ đây, Đinh Thị Vân lại rất say mê môn nghệ thuật ca trù này và tự tin tham dự Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016.
 
Nếu như Liên hoan Ca trù 2 năm trước là để cho các nhóm, CLB ca trù chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau thì Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 lại là dịp để khuyến khích các tài năng trẻ cũng như động viên các thế hệ đi trước truyền nghề cho các thế hệ trẻ yêu ca trù. Đến với Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016, còn có những ca nương “nhí” đầy triển vọng, Nguyễn Thục Trinh, 7 tuổi, sinh hoạt CLB Lỗ Khê là một ví dụ điển hình. Khác với “đàn chị” ca nương Đinh Thị Vân, Nguyễn Thục Trinh mới theo học ca trù được 1 năm trở lại đây nhưng niềm yêu thích với dòng nhạc này đã chảy trong em từ khi mới sinh và được phát triển hơn nữa nhờ bà và bố của em. Ca nương “nhí” này chia sẻ, bà là người đã dạy em những câu hát đầu tiên, làm quen với ca trù. Sau này, tham gia CLB, em được học hỏi nhiều hơn qua các nghệ nhân dân gian. Nguyễn Thục Trinh đăng ký biểu diễn 1 tiết mục tại Liên hoan.
 
Đến từ CLB Ca trù thuộc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, Tạ Thị Minh Anh, 27 tuổi, tham dự trong tiết mục múa hát tập thể chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em tham dự một cuộc Liên hoan có quy mô lớn về ca trù. Mặc dù mới chỉ theo học ca trù được 2 tháng, nhưng Tạ Thị Minh Anh cảm thấy ca trù ngoài những giá trị văn hóa thì còn là một hoạt động giúp làm mới bản thân và làm phong phú tâm hồn. CLB Ca trù thuộc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, được thành lập 3 năm trở lại đây và sinh hoạt thường xuyên 1 lần/ tháng. Với sự hướng dẫn của các nghệ nhân ưu tú như: Phùng Thị Hồng, Nguyễn Thị Yên và Nguyễn Đức Hồng Thái, nhiều tài năng trẻ đã được ươm mầm và sẵn sàng thử sức ở những Liên hoan như Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016.
 
Nỗ lực gìn giữ và đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp
 
Theo lộ trình năm 2017, Việt Nam sẽ phải báo cáo với UNESCO về tình trạng bảo tồn ca trù, cũng như việc có thể đưa di sản này ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp hay không. Trước thực tế này, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm gìn giữ và đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH&TT khẳng định: Ngành đã tổ chức liên tiếp 3 cuộc Liên hoan Ca trù để tôn vinh nghệ thuật ca trù cũng như động viên các tài năng trẻ đến với môn nghệ thuật này. Cùng với hoạt động biểu diễn, Sở VH&TT còn tổ chức những cuộc hội thảo có sự tham gia của giới chuyên môn, nghệ nhân nhằm phát huy giá trị văn hóa của ca trù. Đặc biệt, tạo điều kiện cho hoạt động ca trù tại cơ sở và qua đó, bước đầu đã tăng thêm các CLB Ca trù trên địa bàn Thành phố. 
 
Phó Giám đốc Sở VH&TT Trương Minh Tiến cho biết: Ngành cũng đã tham mưu cho Thành phố để các địa phương hỗ trợ về địa điểm tổ chức biểu diễn ca trù phục vụ  người dân và du khách thưởng thức. Riêng về tôn vinh các nghệ nhân, đã làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực ca trù. Tại đó, trong số 39 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu cao quý này thì ca trù chiếm hơn một nửa. Chế độ chính sách cho các nghệ nhân ca trù cũng được Sở VH&TT thực hiện theo đúng quy định. Với Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016, ông Trương Minh Tiến hy vọng các CLB tiếp tục động viên tài năng trẻ đến với nghệ thuật ca trù tại cơ sở. Bởi đây mới là điều căn bản nhất góp phần truyền dạy cũng như bảo tồn và đưa ca trù thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.
 
Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù không chỉ là trách nhiệm của các cấp quản lý, mà còn là của thế hệ trẻ. Thiết nghĩ, ca trù đã xuất hiện từ lâu nhưng đối với giới trẻ thì ca trù lại khá xa lạ và khó tiếp cận. Ca nương Vũ Thị Thùy Linh, 29 tuổi, CLB Phú Thị mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những hoạt động tương tự Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 để quảng bá đến nhân dân trong nước cũng như quốc tế. Đồng thời, để những tài năng trẻ như Thùy Linh có cơ hội cọ sát, nâng cao chuyên môn và bảo tồn nghệ thuật ca trù.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t