Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động tại các làng nghề (13:44 05/07/2024)


HNP - Sáng 5/7, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố năm 2024. 

Lãnh đạo UBND Thành phố chủ trì Hội nghị


Mục tiêu của Hội nghị là cung cấp thông tin về tình hình thực hiện và các giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư vào bảo tồn và phát triển làng nghề, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của Thành phố, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân đặc biệt là khu vực nông thôn và đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.
 
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã; đại diện các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, nghệ nhân, hộ sản xuất trên địa bàn Thành phố.
 
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham dự Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Công tác bảo tồn, phát triển làng nghề luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh phát triển làng nghề là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
 
Nhằm phát triển làng nghề, thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó, thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề… Đặc biệt là tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, trong quá trình chuẩn bị Hội nghị, các cơ quan chức năng của Thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc trên 70 lượt kiến nghị của 59 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, được tổng hợp theo 15 cụm câu hỏi trong 03 nhóm vấn đề: (1) Quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; (2) Cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề; (3) Khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị
 
“Các câu hỏi của đại biểu sẽ được các sở ngành chức năng của Thành phố trả lời chi tiết. Đặc biệt, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh sẽ phát biểu tổng kết và chỉ đạo các sở, ngành của Thành phố tập trung quyết liệt để giải tỏa những khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn của thực tiễn tại các làng nghề nhằm thúc đẩy làng nghề của Thủ đô hội nhập - phát triển - bền vững”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
 
Với quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở ngành nghề nông thôn, vì sự phát triển chung của thủ đô Hà Nội và cả nước, việc tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội là hướng đi đúng để thành phố Hà Nội có kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững.
 
Quang cảnh Hội nghị
 
Được biết, đến nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước. Trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống được công nhận, thuộc địa bàn 25/30 quận, huyện, thị xã. Cùng với đó, Thành phố đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật 102 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó, 70 CCN đã đi vào hoạt động, 43 CCN thành lập và mở rộng giai đoạn 2018-2020. 
 
Những năm qua, các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm, một số làng nghề có doanh thu cao, trong đó có 05 làng nghề có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng: Làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù, đạt trên 1.300 tỷ đồng; Làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá đạt 1.200 tỷ đồng; Làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng đạt 1.100 tỷ đồng; Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng và Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt trên 1.000 tỷ đồng; Làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng. 
 
Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tại một số quận, huyện, lao động làng nghề có thu nhập bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức…

Phạm Linh


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t