Giám sát việc thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy tại huyện Thạch Thất (15:44 01/03/2024)


HNP - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 1/3, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, giai đoạn 2021-2025” tại huyện Thạch Thất.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc


Tham gia Đoàn giám sát có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; đại diện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố và các sở, ngành của Thành phố.
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng cho biết, triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thạch Thất đã tích cực, chủ động, tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện; huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong Huyện thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
 
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng báo cáo tại buổi làm việc
 
Đến nay, toàn huyện đã đạt 16/27 chỉ tiêu, còn lại các chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức năm 2025. 
 
Cụ thể, từ khi thực hiện Chương trình đến nay, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 17.187 lao động; 93,74% dân số tham gia BHYT (vượt 0,24% kế hoạch của huyện); 26.686 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt tỷ lệ 43,2% số người trên lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 0,2% kế hoạch của huyện); 3.890 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt tỷ lệ 2,3% số người trên lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 0,3% kế hoạch của huyện); tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội đạt 54%.
 
Công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các giải pháp, các chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được thực hiện đúng đủ, kịp thời. Huyện đã xây 41 nhà, sửa 20 nhà ở xuống cấp hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 4,6 tỷ đồng. Hiện nay, huyện còn 22 hộ nghèo (tỷ lệ 0,04%), 1.680 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,95%); phấn đấu đến cuối năm 2025, huyện không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo mỗi năm giảm 10%. 
 
Các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội đã được thực hiện cho vay theo đúng đối tượng, đảm bảo duy trì, quản lý nguồn vốn hiệu quả. Giai đoạn 2021-2023, nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội đã giải quyết cho vay vốn được 443 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật; 91 gia đình vay vốn chi phí học tập; hỗ trợ vốn tạo việc làm cho 10.351 người lao động; góp phần xây, sửa 4.377 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
 
Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Việt trao đổi tại buổi làm việc
 
Đối với việc nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân, từ khi thực hiện Chương trình đến nay có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 100 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2025 đạt 120 triệu/người/năm.
 
Các chế độ chính sách với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đối tượng bảo trợ xã hội hiện đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trên địa bàn là 7.992 đối tượng, 100% đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội được miễn học phí.
 
Trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống y tế, giáo dục đào tạo và an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phấn đấu hoàn thành 27 chỉ tiêu thuộc Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đảm bảo triển khai hiệu quả, thực chất trên địa bàn. 
 
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cơ bản đồng tình với báo cáo của huyện; đồng thời tiếp tục trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác y tế, đóng BHXH, giải pháp đối với các doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động; xử lý môi trường, nước thải làng nghề, nước sạch sinh hoạt...
 
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại buổi làm việc
 
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu của Chương trình, thời gian tới huyện cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, có giải pháp cụ thể để thực hiện. Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, phát triển làng nghề, quy hoạch hệ thống hạ tầng, huyện cần quan tâm hơn nữa tới công tác vệ sinh môi trường; đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp...
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận, triển khai thực hiện Chương trình 08, huyện Thạch Thất đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; phân công phân rõ người, rõ việc; đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, huyện cũng đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời khen thưởng, động viên, nhân rộng các mô hình, cách làm hay. 
 
Trưởng Đoàn giám sát cũng hoan nghênh những kết quả huyện đạt được trong phát triển kinh tế xã hội cũng như trong thực hiện Chương trình 08, qua đó đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý huyện không được chủ quan, bằng lòng với những kết quả đạt được, phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, với quan điểm “An sinh xã hội cho người dân là một quá trình không có điểm dừng”.
 
Trên cơ sở đó, Chủ tịch HĐND Thành phố yêu cầu, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, quán triệt, vận động tới các cấp ủy, chính quyền cơ sở, doanh nghiệp và người dân để nâng cao nhận thức; huy động sự tham gia, vào cuộc của toàn xã hội, huyện cần rà soát lại các chương trình, nghị quyết của Thành phố và các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn, miền núi để có sự liên thông trong thực hiện Chương trình 08. 
 
Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch, phân công phân nhiệm cụ thể từ nay đến cuối nhiệm kỳ, trong đó đặc biệt lưu ý đối với các chỉ tiêu đạt thấp như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hỏa táng, xây dựng trạm y tế, trường chuẩn quốc gia... từ đó có giải pháp căn cơ thực hiện.
 
Nhận định thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn tạo cơ sở để phát triển hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, huyện Thạch Thất có thế mạnh với hệ thống làng nghề, cụm công nghiệp, nhưng chưa đồng bộ trong bảo bảo vệ môi trường. Vì thế, huyện cần rà soát, có giải pháp căn cơ để thực hiện vấn đề vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt; không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế...

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t