Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những vấn đề lớn tạo thương hiệu cho ngành Y tế Thủ đô (13:55 29/02/2024)


HNP - Sáng 29/2, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã chủ trì Đoàn giám sát số 03 của Thành ủy, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”. Cùng tham gia Đoàn có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà.

Quang cảnh buổi làm việc


Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đã được Sở Y tế chỉ đạo triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả, tác động lan tỏa, khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình. Đến nay, đã hoàn thành, hoàn thành vượt mức 7/9 chỉ tiêu kế hoạch theo nhiệm vụ được giao.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng báo cáo tại buổi làm việc
 
Cụ thể, hiện tổng số giường bệnh của Thành phố là khoảng 30.972 giường bệnh, đạt 36,44 giường bệnh/vạn dân, vượt chỉ tiêu được giao (với quy mô dân số hiện nay khoảng 8,5 triệu người). Sở đang triển khai 40 dự án đầu tư công theo Nghị quyết 02/NQ-HĐND, ngày 08/4/2022, của HĐND thành phố Hà Nội, gồm: 26 dự án do Sở Y tế lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trong đó, có 19 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, Sở Y tế đang phối hợp với Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan triển khai các bước tiếp theo; 14 dự án UBND Thành phố giao nhiệm vụ cho UBND cấp huyện lập báo cáo đề xuất chủ trương.
 
Tỉ lệ bác sỹ/vạn dân hiện nay đạt 16,6 bác sỹ/vạn dân (với dân số Hà Nội ước tính khoảng 8,5 triệu dân), vượt chỉ tiêu được giao. Hà Nội hiện có 488/579 (đạt 84,3%) xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Bộ tiêu chí quốc gia. Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt khoảng 85%. 
 
Năm 2023, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 88,7%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 90,3%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất: 90%; Mức sinh thay thế đạt 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; Tuổi thọ bình quân đạt 76,1 tuổi. Các chỉ tiêu này hiện đã hoàn thành theo tiến độ được giao tại Kế hoạch 207/KH-UBND. Năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng, nhẹ cân trẻ dưới 5 tuổi của 30 đơn vị: 6,8% (kế hoạch là 6,9%), 30/30 quận, huyện, thị xã đạt chỉ tiêu kế hoạch.
 
Kiến nghị với Đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Đình Hưng đề nghị Thành phố xem xét, phê duyệt chủ trương và phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng các bệnh viện tuyến huyện do UBND cấp huyện thực hiện. Đối với cơ sở cũ của Bệnh viện 1.000 giường Mê Linh, đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo việc rà soát tổng thể các dự án đầu tư tại khu đất của dự án; cho phép thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện bệnh nhiệt đới Hà Nội khu vực phía Bắc.
 
Đối với các bệnh viện của Trung ương, Bộ, ngành, đề nghị UBND Thành phố sớm làm việc với các Bộ chủ quản để điều chuyển các bệnh viện này về Thành phố quản lý. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực phối hợp các sở, ngành liên quan đôn đốc hoặc xử lý các Nhà đầu tư có dự án xây dựng bệnh viện ngoài công lập khẩn trương thực hiện đảm bảo đưa vào hoạt động đúng tiến độ. Trường hợp Nhà đầu tư không đảm bảo tiến độ hoặc không triển khai thực hiện dự án cần có giải pháp xử lý vi phạm tiến độ hoặc thu hồi Giấy phép đầu tư, chủ trương đầu tư.
 
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương phát biểu 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết: Ngành Y tế và Giáo dục Đào tạo có mối quan hệ rất chặt chẽ. Hiện nay, 100% trường học đều có Ban chăm sóc sức khỏe học đường, 100% các quận, huyện, thị xã đều có Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe học đường. Theo đồng chí, hiện nay, vấn đề liên quan đến tâm lý học đường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong các nhà trường đang rất được xã hội quan tâm. 
 
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, hiện, vấn đề tâm lý học đường rất cần thiết nhưng đội ngũ người làm công tác y tế rất thiếu. Theo thống kê, toàn Thành phố chỉ có 1.636 nhân viên y tế/ gần 3.000 trường học. Do đó, đồng chí đề xuất có phương án bổ sung đội ngũ làm y tế trong các trường. Đồng thời, bổ sung về số lượng và chất lượng các tủ thuốc trong trường học cũng như cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất như sân tập thể dục thể thao, cải tạo và nâng cấp các nhà vệ sinh trong các trường học.
 
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà phát biểu 

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà khẳng định, thời gian qua, ngành y tế đã có được sự khẳng định vị trí của mình, đặc biệt, đánh giá về chỉ số cải cách hành chính, chuyển đổi số có được sự thay đổi vượt bậc so với năm 2022. Cho biết, đây là lĩnh vực khó, ảnh hưởng đến tất cả mọi người, mọi nhà, do đó, ngành cần nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với mong đợi của lãnh đạo Thành phố và người dân. Để có được sự thay đổi tổng thể, tích cực ngành sẽ có chiến lược để triển khai toàn diện các nhiệm vụ.
 
Đồng chí kiến nghị ngành sẽ chú trọng hơn nữa đến vấn đề y tế học đường, vì đây chính là “thời gian vàng” trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể chất, tầm vóc cho người dân Thủ đô. Lưu ý vấn đề ô nhiễm môi trường gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, nguy cơ gây các bệnh mãn tính, ung thư về lâu dài, đồng chí Trần Thị Nhị Hà kiến nghị phải có chiến lược truyền thông, cách làm đảm bảo người dân phải được bảo vệ tối đa, trong đó, cần đánh giá được tình trạng ô nhiễm qua các bộ chỉ số để cảnh báo, khuyến cáo cho người dân. Đặc biệt, cần chú trọng đến công tác y tế dự phòng để chủ động phòng tránh nhiều loại bệnh, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế trong điều trị cho người bệnh.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đánh giá cao những kết quả của ngành Y tế Thủ đô đã đạt được trong triển khai thực hiện Chương trình 08-CTr/TU. Theo đồng chí, cơ bản 9 chỉ tiêu đều khả quan nhưng vẫn cần phân tích, đánh giá để khắc phục những khó khăn, có giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Đồng chí Vũ Thu Hà cũng yêu cầu ngành Y tế cần đưa ra những số liệu, đánh giá cụ thể đối với các chỉ tiêu; cần có lộ trình và chia thứ tự các vấn đề ưu tiên để triển khai thực hiện.
 
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của ngành Y tế Thủ đô, nhất là thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình 08-CTr/TU. Đồng tình với một số hạn chế trong báo cáo, theo đồng chí, hạn chế lớn nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự quyết liệt trong tham mưu, đề xuất các chính sách, cơ chế cho ngành còn ở mức độ nhất định.
 
Thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu Sở Y tế hoàn thiện lại báo cáo, trong đó, ngoài 9 nhiệm vụ, cần bổ sung thêm các nhiệm vụ, chỉ tiêu; các số liệu cần có sự so sánh với trước khi có Chương trình và so sánh trên phạm vi cả nước, khu vực, từ đó, phân tích làm rõ nguyên nhân của tồn tại hạn chế, cần mạnh dạn đề xuất hệ thống cơ chế, chính sách. Cùng với đó, Sở Y tế, chính quyền cần kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở trực thuộc.
 
Về lâu dài, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới y tế, ngành y tế, cập nhật với quy hoạch sắp được thông qua để đảm bảo sự bao phủ, bao trùm, sự đồng đều, mang tính dự báo, tạo sự hấp dẫn để cải thiện môi trường đầu tư với lĩnh vực y tế.
 
Đối với những vấn đề mang tính phổ quát của các đô thị lớn, đề nghị phải nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu cho Thành phố “có thể tập trung đề xuất những đề tài, được tiếp cận dưới những nghiên cứu sâu theo phương thức đặt hàng” đồng chí Nguyễn Văn Phong gợi ý.
 
Đáng chú ý, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý ngành cần quan tâm đến các nhóm nội dung về: Y tế học đường, sức khỏe học đường, tầm vóc học đường; Người cao tuổi; Y tế cơ sở; Bác sỹ gia đình. Ngoài ra, cần quan tâm tập trung triển khai Đề án về nguồn nhân lực; mạnh dạn tham mưu về chính sách, nhất là sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, nhất là vấn đề tự chủ, cơ chế huy động nguồn lực cơ sở y tế Trung ương để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân Hà Nội, tạo nên thương hiệu của Y tế Thủ đô.
 
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong mong muốn, với trách nhiệm của ngành y tế Thủ đô, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất những vấn đề lớn mang tính chất trước mắt cũng như lâu dài; tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Thủ đô.
 
Một số chỉ tiêu lĩnh vực y tế được giao theo Chương trình 08-CTr/TU:
 
Chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân: 30-35 giường bệnh/vạn dân: Hiện, đạt 36,4 giường bệnh/vạn dân;
Chỉ tiêu bác sỹ/vạn dân: 15 bác sỹ/vạn dân: Hiện, đạt 16,6 bác sỹ/vạn dân;
Chỉ tiêu duy trì 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã: Hiện, đạt 84,3%;
100% người dân được quản lý sức khỏe: Hiện đạt khoảng 85%;
85% phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất: Hiện, đạt 88,7%;
90% trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất: Hiện đạt 90%;
Tuổi thọ bình quân: 76,5 tuổi: Hiện, đạt 76,1 tuổi;
Mức sinh thay thế: 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: Hiện đã đạt 2,1 con/phụ nữ;
Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng so với năm trước đạt 0,1%/năm: Hiện, đạt 6,8%.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t