Chương Mỹ cần tiếp tục duy trì các tiêu chí NTM, đầu tư có trọng điểm (16:06 01/06/2017)


HNP - Ngày 1/6, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân" tại huyện Chương Mỹ.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tại xã Hồng Phong


Hiện nay, huyện Chương Mỹ có 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã khác đã đạt từ 17-18 tiêu chí; 6 xã đạt từ 15-16 tiêu chí và 3 xã đạt từ 12-13 tiêu chí. Năm nay, huyện được TP Hà Nội giao chỉ tiêu hoàn thành 1 xã NTM nhưng huyện phấn đấu có thêm ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM. Hiện, có 5 xã của huyện đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm 2017.
 
Đến nay, diện tích dồn điền đổi thửa của huyện là 10.520,13 ha, đạt 100,73% so với kế hoạch thành phố giao. Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng chuyển biến tích cực, diện tích chuyển đổi cây trồng vật nuôi sau dồn điền đổi thửa là 443 ha, gồm chuyển đổi sang trồng rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung...
 
Sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến cả về năng suất, chất lượng. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 2.118 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Riêng lĩnh vực trồng trọt, ước tính năng suất một số cây trồng chính, cây lúa đạt 65,5 tạ/ha, ngô đạt 59 tạ/ha…tổng sản lượng lương thực ước đạt 66.630 tấn, bằng 55,5% so với kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng lúa ước đạt 59.367 tấn, bằng 54% so với kế hoạch năm.
 
Về xây dựng NTM, sau khi hoàn thành đồ án quy hoạch xây dựng NTM được duyệt huyện đã tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Năm 2017, UBND huyện được giao thực hiện kế hoạch vốn là hơn 451 tỷ đồng, bao gồm 88 dự án. Trong đó, dự án chuẩn bị đầu tư có 8 dự án, các dự án đưa vào thực hiện là 80 dự án. Các dự án mới thực hiện năm 2017 có 9 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục; 12 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, ngoài ra còn có các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, môi trường…
 
Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 675 máy làm đất các loại, 95 máy gặt liên hoàn, 330 máy tuốt lúa, 10 máy cấy, 26 máy sục khí… Riêng đối với sản xuất lúa, huyện đã hỗ trợ xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ, tại một số xã trên địa bàn huyện.
 

Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc

Trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội huyện đã thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn phí cho đối tượng nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đủ kịp thời…
 
Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố và các sở, ngành một số nội dung như thành phố hỗ trợ huyện bố trí kinh phí xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng, phục vụ công tác xây dựng NTM, hiện nay thành mới cấp được 30/60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị thành phố bố trí kinh phí xây dựng 4 trường học để giải quyết vấn đề thiếu trường lớp trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện cũng mong muốn các sở, ngành quan tâm đến vấn đề cấp bù cho huyện khoản hụt thu không có trong dự toán 9 tỷ 420 triệu đồng của Công ty sữa Quốc Tế, hỗ trợ kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ các xã… xây dựng một số tuyến đường giao thông huyết mạnh.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những thành tích mà huyện đã đạt được trong xây dựng NTM, đặc biệt là thành công của các mô hình trồng rau sạch của huyện. Để tiếp tục đạt mục tiêu đặt ra trong xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo huyện Chương Mỹ tập trung thực hiện 6 nội dung. Một là Chương Mỹ phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để vận động được toàn dân tham gia xây dựng NTM. Hai là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo đúng quy hoạch. Ngoài ra, phải tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ; đồng thời tăng cường tập huấn kỹ thuật làm nông cũng như cung cấp thông tin thị trường cho người dân. Đặc biệt là tiếp tục duy trì các tiêu chí NTM tại các xã đã đạt chuẩn; rà soát để đầu tư có trọng điểm vào các xã đang ký đạt chuẩn NTM trong năm nay; không đầu tư dàn trải, không chạy theo thành tích; Tăng cường kết nối để nhận được sự hỗ trợ của các quận nội thành. Năm là quan tâm đến môi trường nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX hoạt động theo mô hình mới…Sáu là xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở, các thôn làng; đẩy mạnh CCHC, giữ vững trật tự an toàn xã hội...
 
* Trước khi làm việc tại huyện, Đoàn đã thăm mô hình cơ giới hóa trong thu hoạch lúa Xuân, tại xã Hồng Phong. Đây là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên địa bàn huyện đặc biệt là trong công tác gieo cấy và thu hoạch bằng máy cho năng suất, hiệu quả cao, giảm chi phí và sức lao động cho nông dân. Đoàn cũng đi thăm HTX sản xuất rau sạch Ngọc Sơn, thị trấn Chúc Sơn. HTX có 27 xã viên, sản xuất trên diện tích 5ha theo quy trình sản xuất hữu cơ và quy trình sản xuất an toàn với nhà lưới và hệ thống tưới tiết kiệm hiện đại, hệ thống quan trắc thời tiết. Ước tính mỗi ngày, HTX cung ứng ra thị trường 6 tấn rau và bước đầu đã hình thành các liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t