Giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh (21:10 07/03/2017)


HNP - Sáng 7/3, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh TP đã chủ trì hội nghị giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị


Dịch bệnh diễn biến phức tạp
 
Dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3/2013, có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Từ tháng 10/2016 tới nay, dịch có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan tạo thành đợt dịch thứ 5 với hơn 460 trường hợp mắc tại 18 tỉnh, thành phố. Riêng 2 tháng đầu năm 2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận thêm 449 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó, 96 trường hợp tử vong. 
 
Tại Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, ngành Y tế đã chủ động triển khai tích cực việc giám sát thông qua giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm cúm quốc gia và đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như trên người. Về cúm A(H5N1), trong thời gian đầu năm 2017, dịch cúm vẫn tiếp tục ghi nhận trên đàn gia cầm rải rác ở các địa phương. Hiện nay, cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 7 tỉnh là Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày. Cũng trong tháng 2/2017 xuất hiện ổ dịch cúm A(H5N6) trên đàn gia cầm tại tỉnh Quảng Ngãi.
 
Đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như trên người. Các loại dịch bệnh khác, từ đầu năm 2017 đến nay toàn Thành phố ghi nhận 366 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 trường hợp mắc tay chân miệng, 20 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, 12 trường hợp ho gà, 3 trường hợp liên cầu lợn, chưa có trường hợp nào tử vong do dịch bệnh. Ngành cũng đã giám sát được 3 trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút gồm 2 trường hợp tại phường Mai Động và phường Đại Kim quận Hoàng Mai, 1 trường hợp tại phường Phúc Xá quận Ba Đình. Kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút cúm  A và B.
 
Cần hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch
 
Huyện Thường Tín là một trong những địa phương có chợ đầu mối gia cầm lớn của Thành phố là chợ Hà Vỹ. Đây cũng là địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh từ gia cầm. Do đó, Thành phố đã có quyết định chọn chợ Hà Vỹ để diễn tập phòng, chống dịch trong tháng 3/2017. Lãnh đạo huyện Thường Tín cho biết, do là địa bàn có chợ đầu mối lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh còn nhiều khó khăn. Trung bình, mỗi năm, huyện tổ chức 2 đợt khử trùng, tiêu độc cùng nhiều đợt phun thuốc phòng dịch bệnh trên địa bàn, song, kinh phí dành cho công tác trên còn khá hạn chế. Trong khi đó, nguồn nhân lực chưa đồng bộ về chuyên môn nên huyện đã kiến nghị Thành phố mở lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng cho cán bộ làm nhiệm vụ.
 
Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, huyện luôn bám sát chỉ đạo của Thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch cúm A(H7N9) và các dịch bệnh khác nói chung. Nhiều phương án phòng, chống dịch trên người và gia súc đã được triển khai hiệu quả cũng như phối hợp với các đơn vị giám sát, kiểm tra việc giết mổ tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối. Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thông nhằm truyên truyền đến người dân…Tuy nhiên, huyện Đông Anh cho biết, hiện, huyện chưa có địa điểm giết mổ tập trung ở xa khu dân cư nên gây khó khăn trong công tác quản lý. Mặt khác, phương tiện, công cụ kiểm định gia súc, gia cầm còn thiếu nên chủ yếu công tác này vẫn dựa vào kinh nghiệm của các cán bộ kiểm dịch.
 
Hạn chế và khống chế dịch bệnh
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, thời tiết giao mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các bệnh hô hấp và dịch cúm gia cầm lây lan và bùng phát. Với dịch cúm A(H7N9) bắt nguồn từ Trung Quốc từ năm 2013 nhưng đến nay có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ tử vong cao. Đồng chí nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng không chỉ để đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của Thủ đô Hà Nội… Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Thành phố đã ban hành kế hoạch, công điện chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh và dịch cúm A(H7N9) trên địa bàn Thủ đô.
 
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh của Thành phố, hạn chế dịch, bệnh xảy ra cũng như khống chế tối đa dịch, bệnh trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã đề nghị ngành Y tế thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch bệnh mà Thành phố đã ban hành tại Chỉ thị số 03 với 11 nhiệm vụ cụ thể. Liên quan đến thời điểm hiện nay, phòng, chống dịch bệnh mùa Hè, Phó Chủ tịch yêu cầu ngành tiếp tục triển khai 8 nhiệm vụ đã xây dựng.
 
Đối với dịch cúm A(H7N9), Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cũng đề nghị Sở Y tế tích cực triển khai kế hoạch chung của Thành phố. Giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài. Giám sát các bệnh nhân viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh nhân nghi nhiễm do tiếp xúc với gia cầm. Giao các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Thông tin và Truyền thông… tiếp tục thực hiện tốt công điện của Thành phố cũng như nhiệm vụ ngành, lĩnh vực của đơn vị một cách hiệu quả… Các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch; kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ tại các chợ dân sinh và chợ đầu mối… 

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t