Hai Bà Trưng: Hiệu quả từ công tác tuyên truyền và trang bị các phương tiện PCCC tại các chung cư cũ (14:08 28/11/2019)


HNP - Để nâng cao tính chủ động, kịp thời và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố do công trình không đảm bảo an toàn và sự cố cháy nổ, Chuyên đề về tuyên truyền và trang bị một số phương tiện cảnh báo PCCC đã được UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện thí điểm năm 2018 tại 02 chung cư cũ Nhà A tập thể Dệt kim Đông Xuân, phường Đồng Nhân và nhà K11B tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, đến nay, đã cho thấy hiệu quả bước đầu.

Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có trên 300 chung cư cũ, được xây dựng từ lâu với kết cấu cũ, lạc hậu, phần lớn đã hết niên hạn sử dụng nhưng chưa được cải tạo, xây dựng lại. Qua nhiều thời kỳ, nhiều hộ dân sống tại các chung cư cũ đã tự ý cơi nới, mở rộng diện tích thành các “chuồng cọp”, “lồng sắt” làm gia tăng tải trọng và số lượng người sinh sống so với thiết kế ban đầu. Tại một số chung cư cũ đã xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm do công trình xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong sử dụng. Quá trình xây dựng kế hoạch và cải tạo lại các chung cư cũ theo kế hoạch chung của thành phố Hà Nội kéo dài, chưa được triển khai thực hiện làm gia tăng các nguy cơ về sự cố công trình mất an toàn do phần lớn chung cư cũ trên địa bàn quận đã xuống cấp, hư hỏng.

Thêm vào đó, các chung cũ trên địa bàn quận đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ lâu, trước khi Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực với thiết kế lạc hậu, không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC: Không có hệ thống trang thiết bị, phương tiện PCCC, các lối thoát nạn bị cản trở bởi các diện tích do người dân tự cơi nới... Ngoài ra, một số đường dây điện đến các công tơ chưa được đi gọn; hầu hết đường dây điện do các hộ dân đang sử dụng đã cũ, hỏng, chưa được nối đúng quy cách đảm bảo an toàn điện trong khi số lượng thiết bị điện tăng đáng kể so với thiết kế ban đầu có khả năng gây chập cháy. Bên cạnh đó, các hộ dân chủ yếu sử dụng bếp ga, bếp than trong sinh hoạt tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Hiện nay, có hơn 46.000 người dân đang sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân có mức sống và thu nhập còn thấp, không có kinh phí và điều kiện để đóng góp cải tạo nơi ở đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như trang bị các phương tiện PCCC. Hơn nữa, kiến thức và ý thức về việc tự đảm bảo an toàn PCCC&CHCN của người dân còn chưa hạn chế. Do số lượng người dân sinh sống tại các chung cư cũ rất lớn, nếu sự cố cháy nổ hoặc sự cố do công trình mất an toàn xảy ra sẽ ảnh hưởng đến không chỉ một mà toàn bộ các hộ dân còn lại trong chung cư cũ và có thể là các chung cư liền kề.

Để nâng cao tính chủ động, kịp thời và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có cháy nổ xảy ra, chuyên đề tuyên truyền và trang bị một số phương tiện cảnh báo PCCC-CHCN được UBND quận Hai Bà Trưng triển khai thí điểm tại 02 chung cư cũ, gồm: Nhà A tập thể Dệt kim Đông Xuân, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng và  Nhà K11B tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng. Theo đó, UBND phường Đồng Nhân và Bách Khoa phối hợp cùng Phòng Văn hóa và Thông tin, Công an quận và Công ty Điện lực Hai Bà Trưng tổ chức các buổi tuyên truyền về đảm bảo an toàn PCCC-CHCN và an toàn điện dành cho đối tượng là những người dân đang sinh sống tại các chung cư cũ. Đồng thời, UBND phường tăng cường vận động người dân tự cải tạo, sửa chữa hệ thống điện không đảm bảo an toàn trong sử dụng và chủ động khai thông các lối thoát nạn: Tháo dỡ phần diện tích cơi nới trái phép, mở lối thoát hiểm tại chuồng cọp cũng như tuyên truyền vận động người dân tự trang bị các phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy, mặt nạ, thang dây, dụng cụ phá dỡ thông thường khi cần thiết.

Để tất cả người dân đang sinh sống tại nhà A tập thể Dệt kim Đông Xuân và nhà K11B tập thể Bách Khoa hằng ngày được tiếp cận với những kiến thức cần thiết nhất về an toàn PCCC-CHCN, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, các chung cư được lắp đặt các biển tuyên truyền, cảnh báo một số nội dung cơ bản, thiết thực về an toàn PCCC và an toàn điện như: Cảnh báo các nguy cơ gây cháy; các kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm và xử lý khi có sự cố cháy nổ. Các biển cảnh báo được đặt tại khu vực giao thông chính của các chung cư cũ như cầu thang, hành lang chung, đảm bảo tiếp cận với tất cả người dân lại công trình.

Đáng chú ý, tại Nhà A tập thể Dệt kim Đông Xuân, phường Đồng Nhân, đã thành lập Tổ tự quản PCCC tại chỗ, vận hành, bảo trì trang thiết bị, phương tiện PCCC được quận đầu tư. Đồng thời, tiến hành thông báo, tuyên truyền đến từng hộ gia đình việc thay thế đường điện sau công tơ không đảm bảo an toàn; tuyên truyền, đôn đốc các hộ di chuyển máy bơm nước ra khỏi vị trí hành lang chung, mở lối thoát hiểm trên tum, lồng thép; tự tháo dỡ và di chuyển các vật dụng lấn chiếm hành lang chung tạo sự thông thoáng cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn. Đến thời điểm hiện tại, đã có 14/71 hộ mở cửa thoát hiểm tại các chuồng cọp.

Còn tại mô hình thí điểm tại Nhà K11B tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, sau khi tuyên truyền, đã có 04/40 hộ mở cửa thoát hiểm tại chuồng cọp. Đồng thời, tại nhà K11B tập thể Bách Khoa đã được trang bị 12 hệ thống chuông đèn nút ấn, 12 đèn chỉ dẫn thoát hiểm, 28 đèn chiếu sáng sự cố; thành lập Tổ tự quản PCCC tại chỗ có 21 thành viên do đồng chí Bí thư chi bộ địa bàn dân cư làm tổ trưởng; phân công mỗi tầng 02 tổ viên có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của các phương tiện PCCC được quận đầu tư và báo cáo với đồng chí tổ trưởng phụ trách, dự kiến định kỳ 01 năm bảo trì các phương tiện PCCC 01 lần. Tổ tự quản chịu trách nhiệm trước UBND phường trong công tác bảo vệ, giữ gìn, bảo trì các phương tiện PCCC.

Qua thời gian triển khai thí điểm cho thấy, mô hình thí điểm tuyên truyền và trang bị phương tiện PCCC cơ bản được người dân đang sinh sống tại 02 chung cư cũ rất đồng tình, ủng hộ. Việc triển khai đưa mô hình vào thực tế đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và trang bị kiến thức, kỹ năng thoát nạn, xử lý sự cố cho người dân trong đảm bảo an toàn PCCC và an toàn điện. Bên cạnh đó, người dân đã thực sự tham gia vào quá trình triển khai từ bước lấy ý kiến, lập phương án triển khai, đóng góp kinh phí để duy trì các phương tiện cảnh báo PCCC-CHCN được trang bị. Chuyên đề đã cơ bản thực hiện được 2 mục tiêu chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn PCCC và trang bị phương tiện PCCC cơ bản để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ và cần được nhân rộng trong thời gian tới.


Hoàng Ngân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t