Huyện Ứng Hòa: "Tam nông" đã có nhiều khởi sắc (18:26 14/08/2018)


HNP - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn "tam nông", bằng nhiều nỗ lực, cộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nông dân, huyện Ứng Hòa đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc theo hướng đi lên. Từ đó, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn huyện Ứng Hòa nói riêng và TP Hà Nội nói chung.

Mô hình trồng cây ăn quả ở huyện Ứng Hòa cho thu nhập cao


Diện mạo nông thôn đổi thay

Hạ tầng kỹ thuật nông thôn được đầu tư nâng cấp, đời sống người dân ngày càng được nâng lên..., có được như ngày hôm nay, tất cả do huyện Ứng Hòa luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết của đảng vào cuộc sống, tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện, nổi bật về "tam nông". Đối với Ứng Hòa, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) như một luồng sinh khí mới, tạo thành cuộc cách mạng sâu rộng ở nông thôn, một động lực có sức sống mãnh liệt, được nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia và đã thực sự làm đổi thay diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Đau đáu với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân, qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Ứng Hòa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết tập trung phát triển toàn diện "tam nông". Trong đó, không thể không nhắc đến việc huyện Ứng Hòa thực hiện rất hiệu quả Chương trình 02-CTr/TU, ngày 29/8/2011 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015", tiếp đến là Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bức tranh "tam nông" ở Ứng Hòa có sự thay đổi cản bản, toàn diện, nổi bật, mới mẻ trên tất cả các lĩnh vực.

Đến nay, huyện có 15/28 xã (chiếm 53,6%) đạt chuẩn nông thôn mới với diện mạo hạ tầng kỹ thuật khang trang, sạch đẹp. Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có nhiều tiến bộ, nhân dân đã áp dụng nhiều những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, hiệu quả kinh tế cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi xa khu dân cư..., đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 10 năm qua là 7,1%/năm. Kinh tế phát triển, huyện Ứng Hòa có thêm những điều kiện để chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hiện, Ứng Hòa có 29/29 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 80% rác thải được thu gom xử lý trong ngày; 100% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư. An ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định. Đáng nói, nhận thức của nhân dân huyện Ứng Hòa về xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến, người đã tích cực tham gia đóng góp công sức, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng NTM.

Không ngừng nâng cao đời sống người dân

Tuy vậy, kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về "tam nông" trên địa bàn huyện Ứng Hòa chỉ mới bước đầu. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tập trung quy mô lớn chưa nhiều, chủ yếu vẫn là hộ gia đình phát triển tự phát, thiếu chiều sâu, chưa vững chắc. Hàng hóa nông sản sản xuất ra chưa qua các khâu chế biến, bảo quản, giá trị sản phẩm còn thấp, giá bán cũng bấp bênh, chưa có tính cạnh tranh. Huyện Ứng Hòa cũng gặp không ít khó khăn thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện cũng đang là thách thức, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học chậm được nhân ra diện rộng.

Việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM của huyện vẫn là bài toán nan giải. Nhiều xã vẫn chưa huy động được kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất xen kẹt trong khu dân cư. Kinh phí chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đóng góp của nhân dân chủ yếu là hiến đất và ngày công lao động để xây dựng đường giao thông thôn, xóm. Về đời sống vật chất tinh thần của người dân cũng chưa có sự đột phá do công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động còn gặp khó khăn. Vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa đảm bảo, nhất là mức độ ô nhiễm ở một số làng nghề truyền thống; thu nhập của lao động nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của thành phố.

Từ thực tiễn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về "tam nông", huyện Ứng Hòa tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với mục tiêu đến năm năm 2020, nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.506 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,8%/năm. Để đạt được con số này, chủ trương của huyện là tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều sâu và chiều rộng. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi, hình thành vùng sản xuất tập trung tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ có nhãn hiệu sản phẩm; xây dựng mở rộng vùng trồng cây ăn quả, rau, cây vụ đông, chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích...

Huyện Ứng Hòa tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Các xã còn lại, tập trung triển khai thực hiện các dự án thành phần để sớm đạt được các tiêu chí xây dựng NTM. Phấn đấu đến năm 2020 huyện đạt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội giao cơ bản các xã đạt chuẩn NTM. Về nâng cao đời sống nông dân, huyện phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 96%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,58% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 55 đến 60%; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt trên 95%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 90% trở lên.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t