Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 20/6/2015 đến ngày 26/6/2015) (05:24 01/07/2015)



Những nội dung trọng tâm


1. Thời sự, chính trị


Tiến tới ĐH đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI, ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ngày 23/6, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức gặp gỡ với đại diện 4 Đảng bộ cấp trên cơ sở sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ "điểm" bắt đầu từ cuối tháng 6/2015 gồm Đảng bộ huyện Thạch Thất, Long Biên, Công an Thành phố và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Sau đại hội điểm của từng đảng bộ, sẽ tiến hành rút kinh nghiệm để tổ chức thành công đại hội cấp trên cơ sở trong toàn thành phố và tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Hà Nội lần thứ XVI. Ngày 25/6, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã chủ trì hội nghị giao ban công tác nội chính 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2015. Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm, các cơ quan nội chính Thành phố và Ban Nội chính Thành ủy đã hoạt động hiệu quả, chủ động tham mưu, đề xuất với Thành ủy những biện pháp, giải pháp tích cực, hiệu quả nhằm duy trì và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các sự kiện chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn Thành phố. Từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ tổ chức nhiều sự kiện chính trị quan trọng, do đó, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cơ quan nội chính phải nắm chắc tình hình, chủ động biện pháp ngăn chặn và bảo vệ an toàn tuyệt đối đại hội đảng các cấp. Tập trung bảo vệ an toàn tuyệt đối đại hội đảng các cấp (Kinh tế đô thị, 26/6). Hà Nội: Bốn đơn vị cấp trên cơ sở hoàn tất chuẩn bị tổ chức đại hội "điểm” (Infonet, 24/6).
Ngày 24.6, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Chương trình 02- CTr/TU Thành ủy Hà Nội đã tổ chức giao ban quý II năm 2015 nhằm đánh giá kết quả về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 – 2015”. Dự kiến đến hết năm nay, Hà Nội sẽ có thêm 2 huyện nông thôn mới gồm Đông Anh, Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới. Hà Nội sẽ có thêm 2 huyện nông thôn mới (Nông thôn Ngày nay, 26/6).
Ngày 23/6, tại buổi họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh Mers-CoV trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, nguồn kinh phí TP.Hà Nội đã chỉ đạo cấp bổ sung để đối phó với dịch bệnh Mers-CoV là 25 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao và chế độ phụ cấp phục vụ công tác phòng chống dịch theo đúng qui định. Cũng tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đã phối hợp Công an Thành phố chỉ đạo công an các quận, huyện, cùng ngành y tế phối hợp để ngăn chặn những hoang tin không đáng có trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh Mers-CoV. Hiện nay, Sở Y tế đã tập huấn cho 65 đội phòng chống dịch cơ động và các bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận nếu có bệnh nhân; tiến hành in tờ rơi, poster tuyên truyền phát tại các cửa khẩu đồng thời tổ chức giám sát tình trạng sức khỏe của gần 2.200 hành khách đến từ các quốc gia có dịch… Hà Nội lập 65 đội "phản ứng nhanh" với dịch Mers (VnMedia, 24/6); 25 tỷ đồng mua trang thiết bị để phòng chống Mers-CoV (Người đưa tin, 23/6).
UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin thành lập khu công nghệ thông tin tập trung có tên là "Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội" tại Long Biên. Chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH một thành viên Hanel, quy mô sử dụng đất là hơn 43 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 10,5 nghìn tỷ đồng. Thời gian triển khai xây dựng là từ năm 2015 đến năm 2019. Hiện trên địa bàn Hà Nội mới chỉ có khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy. Theo UBND thành phố Hà Nội, về cơ bản khu công nghệ này đã sử dụng hết cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của hơn 300 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Hà Nội "xin" đầu tư công viên phần mềm hơn 10,5 nghìn tỷ đồng (HQ Online, 22/6).


2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị


Theo Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2015 trên địa bàn thành phố tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung sản xuất công nghiệp sau một thời gian dài với nhiều khó khăn và giữ nhịp độ tăng trưởng chậm đã có những tín hiệu tốt, tuy chưa thực sự đột phá nhưng đã cho thấy sự phục hồi khả quan của sản xuất công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới. Cũng theo Cục Thống kê, ước tính 6 tháng năm 2015, lượng khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội là 1.129 ngàn lượt người tăng 8,8% so cùng kỳ. Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội đến từ một số thị trường so cùng kỳ tăng cao là: Hàn Quốc (tăng 61,1%), Thái Lan (tăng 25,8% ), Mỹ (tăng 21,2% ). (Kinh tế đô thị, 22/6)
Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2015, tại Hà Nội có khoảng 1.650 giao dịch thành công, tăng khoảng 5% so với tháng trước và ước tính trong tháng 6 sẽ có khoảng 1.750 giao dịch thành công. Như vậy trong 6 tháng đầu năm tại Hà Nội đã có khoảng 7.500 giao dịch thành công, tăng gấp 2,5 lần lượng giao dịch cùng kỳ năm 2014. Giao dịch bất động sản 6 tháng đầu năm tăng mạnh (Công an nhân dân, 26/6).
Sau 4 năm, 6.937m2 đất tại Lô E2/D21, KĐT mới quận Cầu Giấy từ dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ nay thành khu biệt thự liền kề. Sau 7 năm khu đất “vàng” tại lô HH1 phường Mễ Trì vẫn đang bỏ hoang mà không bị xử lý. Trao đổi với báo chí ngày 25/6 về tình trạng cao ốc trên “đất vàng” bị bỏ hoang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dù chưa có thống kê đầy đủ về các dự án cao ốc văn phòng, nhà ở bỏ hoang tại Hà Nội, nhưng số lượng này không nhiều. Với dự án cao ốc văn phòng, chủ đầu tư thuê đất thời gian 50 năm. Việc chậm hoàn thiện dự án đưa vào sử dụng, đồng nghĩa việc rút ngắn thời gian kinh doanh của chủ đầu tư tại dự án đó. Bản thân chủ đầu tư thiệt hại nhất khi xây dựng dự án dở dang. Đối với dự án nào cố tình găm đất vàng sẽ bị thu hồi Sở Xây dựng cũng đã yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện bề ngoài để giữ cảnh quan chung. Sẽ thu hồi dự án găm đất vàng (Tiền phong, 26/6).
UBND Thành phố Hà Nội vừa có quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên Hồ Điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500. Dự án thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Hòa quận Cầu giấy. Dự án gồm Khu Hồ điều hòa với diện tích khoảng 80.000m2; khu công viên cây xanh vui chơi giải trí khoảng 52.156m2; còn lại là diện tích đất làm hạ tầng kỹ thuật. UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở ban ngành liên quan rà soát quỹ đất, đề xuất phương án thực hiện. Hà Nội: Điều chỉnh Quy hoạch công viên Nhân Chính (VnMedia, 22/6)
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo của Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo về công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị trong các quận nội thành của thành phố tại 12 quận nội thành, đặc biệt là bốn quận trung tâm (gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) trong tháng 7/2015. Hà Nội: Các cơ sở gây ô nhiễm ở 12 quận bị di dời trong tháng Bảy (VietnamPlus, 24/6)
Ngày 25/6, thông tin với báo chí về việc đường sắt Cát Linh- Hà Đông (Hà Nội) xuất hiện những đoạn “nhấp nhô”, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, đó là giải pháp thiết kế, hoàn toàn không phải lỗi thi công. Cụ thể, các điểm “nhấp nhô” nằm ở vị trí ra - vào ga. Khi vào ga, tàu phải giảm tốc độ, nên thiết kế lên dốc để giảm tốc độ của đoàn tàu, hạn chế phanh hãm và tiêu thụ năng lượng. Ngược lại, khi ra khỏi ga, đường được thiết kế xuống dốc, tạo gia tốc tự nhiên, giúp tàu tăng tốc độ theo thiết kế. Theo Ban Quản lý dự án này, độ dốc của đường nằm trong quy định cho phép. Đường sắt Cát Linh- Hà Đông 'nhấp nhô' có chủ ý (Tiền phong, 26/6).
Trạm biến áp Mai Động 15 có công suất lên tới 1.000KVA - 22/04KV do Công ty Điện lực Hoàng Mai quản lý, khai thác, được lắp đặt trên trụ điện dựng ngay trước cửa nhà số 16, ngõ 281 Đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai với khoảng cách từ nhà đến điểm hở của trạm biến áp chưa đầy 60cm. Từ nhiều năm nay, các hộ dân sinh sống trong ngõ 281 Đường Tam Trinh đã phải sống chung với trạm biến áp không an toàn, vi phạm hành lang lưới điện cao áp, nằm ngay sát nhà dân, có nguy cơ phóng điện, cháy nổ bất cứ lúc nào. Hà Nội: Người dân hoang mang sống chung với trạm biến áp “tử thần” (Xây dựng, 24/6)
Trên địa bàn phường Thanh Nhàn có hai hồ sinh thái là hồ Võ Thị Sáu và Hồ Quỳnh, đã được cải tạo kè lát sạch đẹp, xây đường bao quanh hồ để nhân dân đi bộ tập thể dục. Tuy nhiên, gần đây các đường dạo này đang bị biến thành nơi sinh lợi cho một số hộ dân sống xung quanh hồ.  Tại phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng): Hồ sinh thái thành hồ… sinh lợi?(Hà Nội mới, 26/6).
Ngày 23-6, trước thông tin đoạn bãi giữa sông Hồng thuộc địa phận phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội) đang bị san lấp chui, quận Long Biên đã yêu cầu lãnh đạo phường Long Biên báo cáo và chỉ đạo dừng toàn bộ việc san lấp đất để cải tạo tại khu vực nói trên. Chủ tịch UBND phường Long Biên cho biết việc cải tạo mặt bằng là có nhưng phủ nhận việc lấy đất san lấp diện tích mặt nước của sông Hồng. Diện tích đất nói trên là khu vực đã giải tỏa các lò gạch thủ công trước đây (9,5ha). Để tăng cường quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, UBND phường đã tiến hành san gạt mặt bằng để trồng cây, sản xuất nông nghiệp. Dừng việc san lấp đất tại bãi giữa sông Hồng (Tuổi trẻ, 24/6).
Mùa mưa bão đang tới gần, việc xử lý các vi phạm liên quan tới an toàn đê điều, trong đó có tình trạng xe quá tải, được người dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo khảo sát, tình trạng xe chở quá tải băm nát mặt đê xảy ra phổ biến tại các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông. Ngoài Đông Anh, Mê Linh, dọc tuyến đê ven sông Hồng, sông Đuống qua địa bàn các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ba Vì, quận Bắc Từ Liêm… tình trạng này cũng diễn biến hết sức phức tạp. Thiếu sự phối hợp đồng bộ khi xử lý xe quá tải chạy trên đê (Kinh tế đô thị, 22/6).


3. Văn hóa, y tế và giáo dục


Theo thống kê của Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ) Hà Nội, số trẻ sinh ra ở 30 quận, huyện, thị xã trong 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Con số 39.233 trẻ sinh ra cho thấy con số giảm đã ở hàng ngàn: 2.254 trẻ. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 cũng giảm 181 trẻ so với năm ngoái. Tuy nhiên, những người làm công tác dân số cũng thừa nhận, tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao và chưa có xu hướng giảm. Đặc biệt tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ba Vì, Thường Tín, tỷ số giới tính vẫn trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Chất lượng dân số Hà Nội: Không “dậm chân tại chỗ” (Hà Nội mới, 22/6).
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016 của Hà Nội đã diễn ra vào ngày 11/6/2015 với sự tham gia của gần 80 nghìn thí sinh. Ngoài ra còn có hơn 8.000 nghìn thí sinh tham gia dự tuyển vào 4 trường THPT chuyên của thành phố, gồm THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Sơn Tây, THPT chuyên Nguyễn Huệ và THPT Chu Văn An. Ngày 23/6, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố điểm thi vào lớp 10 THPT để phụ huynh, thí sinh có thể tra cứu. Công tác chấm thi và công bố điểm thi cho thí sinh tại Hà Nội đã được hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch 1 ngày. Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 (Kinh tế đô thị, 24/6).
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Hà Nội có 164 điểm thi, trong đó có 27 điểm do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì với hơn 11.000 thí sinh. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH không có nhiệm vụ chủ trì cụm thi sẽ có trách nhiệm cử cán bộ, giảng viên giám sát tất cả các điểm thi của cụm địa phương. Liên quan đến việc đảm bảo nơi ăn, nghỉ cho các thí sinh trong những ngày diễn ra kỳ thi, ngày 25/6, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, thanh niên tình nguyện của thành phố Hà Nội đã tìm kiếm được trên 42.000 chỗ ở miễn phí cho thí sinh và người nhà phục vụ kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. 42.000 chỗ ở miễn phí cho thí sinh (Tiền phong, 26/6). Mỗi điểm thi cụm địa phương có 3 cán bộ trường ĐH giám sát (Thanh niên, 26/6).



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t