Kêu gọi doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa (15:01 22/11/2019)


HNP - Sáng 22-11, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Hội thảo "Triển khai mô hình kinh doanh xanh hướng tới phát triển bền vững lĩnh vực phân phối dịch vụ".

Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Lê Bá Việt Bách chia sẻ tại Hội thảo


Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vương Đăng Hoa nhận định: Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải gây ra. Mục tiêu đến năm 2020, sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy đang dùng tại các siêu thị và trung tâm thương mại lớn. Do đó, việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay hôm nay là hết sức cần thiết. Cùng với việc nâng cao nhận thức từ người tiêu dùng, rất cần thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững; xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; thay đổi hành vi tiêu dùng, giảm thiểu tái chế, tái sử dụng chất thải... 
 
Để giảm thải rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đồng chí Vương Đăng Hoa kêu gọi sự tham gia của toàn thể doanh nghiệp, người tiêu dùng nhân rộng các mô hình kinh doanh xanh, hướng tới phát triển bền vững. Mong muốn qua Hội thảo, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ quan tâm, ý thức hơn trong từng hành động, việc làm của mình để góp phần, chung tay vì một nền kinh tế xanh, bền vững.
 
Cũng tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Lê Bá Việt Bách đánh giá: Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc sản xuất và tiêu thụ bền vững. Người dân vẫn có thói quen sử dụng túi nylon, túi nhựa dùng một lần... Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển, khoảng 280 nghìn tới 730 nghìn tấn mỗi năm. Một phần nguyên nhân của thực trạng trên là do người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, phần vì các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang sử dụng nhựa, nilon rất phổ biến trong sản phẩm cũng như bao bì, đóng gói. Rác thải nhựa có tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500-1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.
 
Đồng chí Lê Bá Việt Bách cũng đã chia sẻ về Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng triển và nhân rộng các hệ thống phân phối xanh đến năm 2025. Đồng thời, nhấn mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững là quá trình thúc đẩy sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, hạ tầng bền vững và bảo đảm tất cả mọi người được tiếp cận tới các dịch vụ cần thiết, thân thiện môi trường.
 
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ về tầm quan trọng của việc sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng tới tiết kiệm nguồn nguyên liệu, năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường; các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội; tổng quan về mô hình kinh doanh xanh trong lĩnh vực phân phối - dịch vụ, chuỗi cung ứng bền vững và cách thức triển khai; giải pháp "3 xanh" trong hoạt động của chuỗi các siêu thị Vinmart tại Hà Nội. Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đã chia sẻ về cách làm, phương pháp công ty đang áp dụng để giảm rác thải nhựa, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời kiến nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện để các doanh nghiệp áp dụng các kỹ thuật cao, tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường phát triển.
 
* Trước đó, tối 21-11, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức lễ khai mạc “Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2019”. Triển lãm có sự tham gia của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu, các làng nghề truyền thống của Hà Nội, giới thiệu hơn 500 mẫu sản phẩm thiết kế mới do các chuyên gia trong nước, nước ngoài hỗ trợ thực hiện và sản phẩm đạt giải cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019". Đặc biệt, Hội làng nghề gốm sứ Bát Tràng, các nghệ nhân Bát Tràng cũng trưng bày giới thiệu các sản phẩm, mẫu mã truyền thống của các thế hệ nghệ nhân tại khu vực Trung tâm.

Không gian trưng bày được thiết kế trang trí theo không gian mở, nhằm tăng tính thẩm mỹ và cảm giác thoải mái, thân thiện với khách thăm quan.

Triển lãm nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành Thủ công mỹ nghệ Hà Nội học tập, tìm hiểu và đưa các thiết kế này vào sản xuất thực tế, cũng như từ các thiết kế này, phát triển các sản phẩm mới của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Qua đó, tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế - thợ thủ công - nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng.

Triển lãm diễn ra, từ ngày 21 - 23/11, tại khu triển lãm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, thôn 1, làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Minh Đăng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t