Hà Nội: Siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật (08:24 09/11/2018)


HNP - Để tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, góp phần bảo đảm sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn.

Xử lý nghiêm vi phạm

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 110 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và 1.210 cửa hành kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật buôn bán, nhỏ lẻ, theo thời vụ. Do địa bàn rộng, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhiều, trong khi thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ các tỉnh biên giới, tỉnh giáp ranh với Hà Nội luôn có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát. Do vậy, vẫn còn thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Mặt khác, một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, trình độ dân trí thấp nên khó phân biệt thuốc thật, giả mà chỉ sử dụng theo thói quen. Thời điểm người dân dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật đó là giai đoạn chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Ý thức chấp hành các quy định của nhà nước của một số người kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa cao. Số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều. Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm, quyết liệt xử lý vi phạm trong kinh doanh và sử dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật... cũng là những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống nhân viên kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra cửa hành buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức điều tra, nắm bắt tình hình lưu thông và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Chi cục đã thanh tra, kiểm tra 809 cơ sở (32 doanh nghiệp, 777 cửa hàng), lấy 85 mẫu thuốc bảo vệ thực vật để kiểm định chất lượng. Kết quả, phát hiện 219 cơ sở vi phạm, trong đó chủ yếu vi phạm về điều kiện kinh doanh, như: Sắp xếp hàng hóa chưa đúng quy định, chưa có bảng niêm yết giá bán, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện... Cũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 2 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, 1 cơ sở buôn bán không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng...

Ngoài ra, Chi cục Bảo vệ thực vật còn hoàn thiện 8 hồ sơ vi phạm từ 2017 chuyển sang với các hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có nhãn không đúng quy định; không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, sản xuất phân bón không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng. Từ đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nâng cao vai trò trách nhiệm

Theo nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại lớn cho nông dân, nhất là doanh nghiệp chân chính. Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành chức năng TP Hà Nội tiếp tục nhận diện những phương thức, thủ đoạn của mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng để từ đó xây dựng những kế hoạch đấu tranh đạt hiệu quả trong thời gian tới.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi ngoài thị trường cũng như nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, vấn đề đặt ra là tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Theo đó, lực lượng chức năng cấp huyện thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan của thành phố tiến hành kiểm tra, kiểm soát; xây dựng kế hoạch chung và mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm. Đồng thời, lồng ghép việc tuyên truyền, nhắc nhở các hộ sản xuất, kinh doanh và nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc và đúng cách).

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra, lấy mẫu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, từ đó, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức tập huấn và ký cam kết để nâng cao nhận thức và trách nhiệm chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh rau, quả, chè và vật tư nông nghiệp. Cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, chỉ đạo nhân viên kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm rau, quả chè trên địa bàn, phát hiện và đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền.

Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội vừa kiểm tra đánh giá, xếp loại đối với 263 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (32 doanh nghiệp, 231 cửa hàng) trên địa bàn thành phố. Kết quả: 42 cửa hành xếp loại A, 142 xếp loại B, 47 xếp loại C; 5 doanh nghiệp xếp loại A, 6 xếp loại B, 1 cơ sở xếp loại C; 14 doanh nghiệp không xếp loại do không đủ chỉ tiêu đánh giá và 6 doanh nghiệp chưa xếp loại do chờ kết quả phân tích mẫu.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t