Hà Nội: Thiếu nguồn lực nâng cấp đê điều (14:07 25/12/2017)


HNP - Hệ thống đê điều của Hà Nội có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng bảo vệ Thủ đô trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu toàn cầu... đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội. Song, việc nguồn lực đầu tư nâng cấp đê điều, nhất là các dự án xử lý sự cố sạt lở cấp bách còn nhiều khó khăn.

Nhiều dự án thiếu vốn

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong mùa lũ năm 2016 và 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra các sự cố công trình đê điều và thủy lợi có tính chất sự cố nguy hiểm. Theo đó, UBND thành phố đã chấp thuận triển khai triển khai thực hiện lập dự án xử lý cấp bách cho 28 dự án, trong đó, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư 19 dự án, các quận, huyện 9 dự án. 19 dự án do Sở làm chủ đầu tư với nhu cầu kinh phí khoảng 246,45 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 11 dự án.

Đáng chú ý, Dự án xử lý cấp bách chống sạt lở bờ sông tương ứng từ K68+787 đến K69+650 đê hữu Hồng, quận Hai Bà Trưng có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Dự án đã được bố trí vốn 38 tỷ đồng, Ban Duy tu các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã làm hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành và giải ngân đạt 85% khối lượng công trình. Các dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư có 8 dự án.

Các dự án do quận, huyện được giao chủ đầu tư có 9 dự án xử lý cấp bách, trong đó, có dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thi công ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức với tổng mức đầu tư 94,4 tỷ đồng; 4 dự án đã được chấp thuận xử lý cấp bách nhưng chưa triển khai thi công ở các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Phú Xuyên.

Đến nay, các dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, trong số 11 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư có 1 dự án thi công hoàn thành đưa vào sử dụng; 2 dự án đạt từ 40 đến 50% khối lượng; còn lại các dự án khác đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư và khởi công xây dựng. Còn 8 dự án đã được chấp thuận chủ trương thực hiện xử lý cấp bách hiện nay đang triển khai thủ tục đầu tư theo quy định.

Các dự án do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư: 5 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư đã được khởi công xây dựng công trình. Trong đó: Dự án kè Thái Hòa, huyện Ba Vì đã thi công hoàn thành 70% khối lượng; 2 dự án kè ở xã Cam Thượng và Đông Quang, huyện Ba Vì đã triển khai thi công hộ chân kè; 2 dự án kè sông Bùi ở xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) và Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) đã hoàn thành xong phần chân kè, phần mái kè. 4 dự án đã được chấp thuận xử lý cấp bách, các địa phương đang triển khai thủ tục đầu tư theo định.

Nhìn chung, các dự án trên đều trong cảnh thiếu vốn đầu tư. Trong số các dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư mới được bố trí vốn cho 1 dự án 38 tỷ đồng, còn lại 18 dự án chưa được bố trí vốn. 5 dự án cấp huyện làm chủ đầu tư đã được phê duyệt chủ trương đầu tư đã xác định được nhu cầu vốn là 94,4 tỷ đồng, các dự án này hiện nay chưa được bố trí vốn. Còn lại 4 dự án được chấp thuận xử lý, chủ đầu tư chưa xây dựng hoàn thiện phương án nên chưa xác định được nhu cầu vốn.

Cần giải pháp căn cơ

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề xuất UBND thành phố và sở, ngành liên quan cân đối bố trí vốn cho các dự án án xử lý cấp bách năm 2016-2017 để hoàn thành công tác xử lý cấp bách công trình đê điều, thủy lợi. Đồng thời, thành phố chỉ đạo UBND các huyện phối hợp với các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nêu trên.

Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 11611/VP-KT giao sở, ngành liên quan tham mưu, báo cáo thành phố xem xét bố trí vốn đầu tư. Đồng thời, giao các huyện phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai thi công các dự án xử lý cấp bách bảo đảm tiến độ.

Thực tế, để bảo vệ các tuyến đê, thời gian qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành và thành phố, từ nhiều nguồn vốn, các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, củng cố, hoàn thiện. Trong đó, có các dự án xử lý khẩn cấp, khắc phục kịp thời các sự cố sạt lở đặc biệt nguy hiểm, bảo đảm an toàn đê điều, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Các dự án đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, kịp thời khắc phục tình trạng sạt lở, ổn định thế sông, bảo đảm an toàn chống lũ cho các tuyến đê, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Song do nhiều nguyên nhân, tình trạng sạt lở đê điều, bờ bãi sông vẫn tiếp tục xảy ra và mức độ ngày càng phức tạp.

Dự báo thời gian tới, diễn biến bất thường, khó lường của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt, trên sông Hồng, sông Đà, sông Đuống thường xuyên có sự chênh lệch lớn giữa hai mùa (mùa lũ và mùa kiệt); cùng với đó, do tác động của việc điều tiết liên hồ Hòa Bình - Sơn La - Thác Bà - Tuyên Quang và tình trạng khai thác cát trái phép trên sông đã gây ra tình trạng sạt lở bờ sông phía hạ du ngày càng mạnh, phức tạp, đe doạ nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều. Nhiều ý kiến cho rằng, đi đôi với quyết liệt xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, tình trạng khai thác cát trái phép..., thành phố nên tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi. Trước mắt, bố trí kinh phí cho các dự án xử lý cấp bách sự cố hư hỏng công trình đê điều.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t