Đề xuất bố trí 250 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn (19:59 07/10/2017)


HNP - Liên ngành Lao động, Thương binh và Xã hội - Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ngân hành Chính sách xã hội thành phố vừa ban hành Tờ trình số 2987/TTrLN:LĐTB&XH-NN&PTNT-NHCSXH tham mưu UBND TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn cho vay ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân năm 2017.

Theo đó, nhu cầu vay vốn vay giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân của 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố là 16.850 hộ gia đình với tổng số tiền là 674 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu vay vốn, liên ngành đề xuất, đối tượng được vay vốn gồm hộ gia đình, trang trại vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nguyên tắc phân bổ nguồn vốn đảm bảo đúng mục tiêu của UBND thành phố về việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020".

Nguồn vốn được phân bổ theo thứ tự ưu tiên: Nhóm 1, các huyện gặp khó khăn về phát triển kinh tế, có nhiều xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa), tỷ lệ phân bổ vốn trên nhu cầu đề xuất khoảng 85%. Riêng huyện Ba Vì do nhu cầu vay vốn tăng đột biến so với các huyện khác nên cân đối số vốn phân bổ hợp lý.

Tương tự, nhóm 2, các huyện có điều kiện kinh tế ít khó khăn hơn nhóm 1 và có số xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 cao gồm các huyện Thường Tín, Thạch Thất, Thanh Oai, Quốc Oai, Sóc Sơn, tỷ lệ phân bổ vốn trên nhu cầu đề xuất khoảng 65%. Riêng huyện Thạch Thất và Thanh Oai do nhu cầu vay vốn tăng so với các huyện khác nên cân đối số vốn phân bổ hợp lý.

Nhóm 3, huyện Mê Linh có số xã gần đạt chuẩn nông thôn mới cao so với các huyện còn lại và hai huyện Phúc Thọ, Gia Lâm đăng ký đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2017, tỷ lệ phân bổ vốn trên nhu cầu đề xuất khoảng 50%.

Nhóm 4, các huyện, thị xã còn lại gồm Sơn Tây, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, tỷ lệ phân bổ vốn trên nhu cầu đề xuất khoảng 20%.

Theo đề xuất của liên ngành, số vốn dự kiến cho vay là 40 triệu đồng/hộ; thời gian cho vay tối đa 60 tháng, tùy thuộc vào nhu cầu, mục đích, phương án sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của người vay.

Căn cứ nhu cầu đề xuất của các huyện, thị xã và nguyên tắc phân bổ nguồn vốn vay nêu trên, liên ngành tham mưu UBND thành phố phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn vay ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân năm 2017 cho 18 huyện, thị xã với số tiền 250 tỷ đồng.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t