Bài cuối: Cần sự chung tay của cộng đồng (09:56 05/10/2017)


HNP - Dù thành phố đã tích cực quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển làng nghề, nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Nhằm từng bước giảm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các cấp chính quyền cần huy động sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng.

Hoàn thiện thể chế

Theo đánh giá, thời gian tới, các làng nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục gia tăng và có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề như hiện nay, UBND thành phố vừa phê duyệt đề án "Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Theo đó, thành phố hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm công tác bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trên thực tế, thành phố đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành quy định chi tiết việc quản lý và đánh giá ô nhiễm môi trường, tuy nhiên vẫn chưa phù hợp với đặc điểm sản xuất tại các làng nghề. Các đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề thường phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chậm triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường địa phương và nguồn lực dành cho việc triển khai thực hiện còn hạn chế, công tác xã hội hóa đầu tư hạ tầng và thực hiện bảo vệ môi trường làng nghề hầu như chưa được triển khai.

Theo đề án, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thành phố sẽ thực thi có hiệu quả các công cụ quản lý môi trường. Chẳng hạn như triển khai toàn diện việc điều tra, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm các cơ sở, hộ gia đình làng nghề nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đánh giá theo loại hình sản xuất và tiềm năng gây ô nhiễm và cập nhật hằng năm nhằm theo dõi đánh giá kịp thời các làng nghề ô nhiễm. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật, quản lý và chia sẻ thông tin ô nhiễm môi trường làng nghề quy mô toàn thành phố, triển khai hệ thống xuống cấp huyện và xã. Ưu tiên phân bổ không thấp hơn 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề, ưu tiên cho các địa phương có làng nghề truyền thống và làng nghề được công nhận.

Đáng chú ý, thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề theo hướng tập trung khuyến khích nguồn góp vốn của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ sở sản xuất hoạt động trong các làng nghề nhằm tăng tính trách nhiệm của các thành phần sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trong công tác bảo vệ làng nghề. Bố trí kinh phí từ ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống, cần được bảo tồn và cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí cho một số làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn cho các doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây dựng mới công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung tại các làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nước thải, chất thải gây ra, có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và nằm trong kế hoạch thực hiện hằng năm...

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để hoàn thành mục tiêu của đề án, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp. Đơn cử như bố trí nguồn nhân lực, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề của UBND cấp huyện. UBND cấp xã, phường, thị trấn có làng nghề phải bố trí cán bộ chuyên trách quản lý môi trường làng nghề để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và giám sát các cơ sở sản xuất tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Khuyến khích việc xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cụ thể hóa các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của thành phố, tiến tới triển khai thành quy định bắt buộc đối với các hộ, cơ sở sản xuất làng nghề.

Thành phố chỉ đạo, công bố danh sách các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền các mô hình làng nghề thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường chia sẻ, công khai, phổ biến thông tin cho cộng đồng về thực trạng ô nhiễm và bảo vệ môi trường làng nghề. Thường xuyên giáo dục và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường nói chung và đóng góp, ủng hộ việc triển khai thực hiện đề án...

Cùng với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thành phố tiếp tục rà soát các quy hoạch ngành nghề, làng nghề nông thôn, lập danh mục các loại hình và quy mô làng nghề cần được bảo tồn và phát triển. Ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ công nghệ sản xuất, đào tạo nhân lực, vốn vay ưu đãi để thay đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, công nghệ sạch, mặt bằng sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm...

Hy vọng, với việc thực hiện đồng bộ giải pháp trên, sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp và các cơ sở sản xuất làng nghề cùng với sự nỗ lực của mỗi người dân, các làng nghề trên địa bàn thành phố sẽ phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.


Anh Quý


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t