Phòng cháy chữa cháy rừng: Chủ động các phương án từ cơ sở (15:12 02/12/2016)


HNP - Thời gian qua, công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được các cấp, ngành của thành phố quan tâm. Nhờ vậy, nhiều vụ cháy rừng được phát hiện sớm và chữa cháy kịp thời nên đã hạn chế được thiệt hại. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp với nắng nóng, hanh khô tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao đòi hỏi sự chủ động tích cực từ cơ sở.

Diễn tập phương án phòng chống cháy rừng


Thành phố Hà Nội có diện tích rừng tương đối lớn, tập trung ở 7 huyện, thị xã. Trong nhiều năm qua, rừng Hà Nội được bảo vệ tốt, hầu như không có tình trạng chặt phá rừng trái phép, khai thác rừng được thực hiện đúng quy định. Đến nay, toàn thành phố đã có 1 Ban chỉ đạo của thành phố, 7 ban chỉ đạo cấp huyện, thị xã, 45 ban chỉ đạo cấp xã, 8 Ban chỉ huy của chủ rừng, 130 tổ đội bảo vệ rừng, 21 đơn vị quân đội, với tổng số người tham gia là 2.380 người.
 
Chi cục Kiểm lâm thành phố đã tích cực chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với các xã, chủ rừng trên địa bàn tổ chức thực hiện các quy định về PCCC rừng, ban hành phương án bảo vệ rừng, phương án huy động lực lượng chữa cháy rừng. Các đơn vị luôn sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt là khi có diễn biến thời tiết bất thường.
 
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 1 vụ khai thác rừng trái phép nhưng đã kịp thời xử lý. Đã xảy ra 15 vụ cháy rừng ở các huyện như ở huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, thị xã Sơn Tây, gây thiệt hại 5,03ha. Các vụ cháy đều được dập tắt kịp thời, không để lan rộng, không ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng. 
 
Đánh giá công tác quản lý và bảo vệ rừng tại huyện Sóc Sơn, bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay, huyện có 11 xã, thị trấn có rừng với tổng diện tích là 4.557ha, được quy hoạch là rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường (trong đó, diện tích rừng do Trung tâm phát triển lâm nghiệp Hà Nội quản lý 2.095 ha, các xã, thị trấn quản lý 2.462ha. Toàn bộ diện tích này giao Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng Sóc Sơn chịu trách nhiệm ký hợp đồng khoán quản lý bảo vệ rừng với các hộ gia đình.
 
Trong 11 tháng từ đầu năm đến nay, huyện đã tích cực tổ chức các đợt tuyên truyền về PCCC rừng tập trung vào những khu vực có đông dân, khách du lịch và những dịp lễ hội, tổ chức một số lớp diễn tập chữa cháy rừng tại xã Minh Trí, ngoài ra còn có 10 lớp tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho 440 đồng chí là cán bộ xã, thôn, xóm, lực lượng xung kích, tổ đội bảo vệ rừng. Ngoài việc đảm bảo về nguồn nhân lực, huyện đã đầu tư kinh phí triển khai hiệu quả công tác hạ cấp thực bì, giảm vật liệu cháy, đã làm mới 10,1km và duy tu 10,5km. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố, huyện còn bố trí 1,2 tỷ đồng/năm phục vụ công tác PCCCR. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 15 vụ cháy, hầu hết các vụ cháy đều được phát hiện sớm và dập tắt ngay tại chỗ.
 
Để đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng, ngoài lực lượng bảo vệ tham gia chữa cháy rừng tương tự lực lượng kiểm lâm thì lực lượng nòng cốt, tích cực và hiệu quả nhất trong việc dập tắt các đám cháy rừng là cảnh sát PCCC. Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố cho biết, trong thời gian qua Cảnh sát PCCC đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC rừng theo quy định để kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC rừng và kiến nghị, đề xuất những giải pháp khắc phục. 
 
Trong đó thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động người dân sống và làm việc trong rừng, ven rừng có ý thức PCCC rừng. Nghiêm cấm việc đốt rừng làm rẫy; hướng dẫn người lao động, khách du lịch về nội quy PCCC khi vào rừng. Ngoài ra còn lập và thực tập phương án chữa cháy theo đúng quy định của Luật PCCC. Thành lập đội phòng cháy chữa cháy tại chỗ với phương tiện đảm bảo và thường xuyên tập luyện các phương án có sự giám sát của lực lượng Cảnh sát PCCC. Cánh sát PCCC chữa cháy Hà Nội đã điều lực lượng cùng phương tiện chữa cháy đến hiện trường, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô để khẩn trương triển khai phương án chữa cháy rừng.
 
Tuy nhiên để đảm bảo công tác bảo vệ và PCCC rừng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, trong đó yêu cầu UBND các huyện, thị xã và các xã, thị trấn có rừng phải tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương theo đúng quy định của nhà nước. Trong đó xử lý ngay ban đầu với “4 tại chỗ” khi xảy ra cháy rừng và báo các lực lượng để phối hợp. Đồng thời, chính quyền địa phương phải phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến kiến thức về nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCC tại cơ sở. Từ huyện đến các xã phải xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án bảo vệ và PCCC rừng chi tiết, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t