10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:


Bài 12: Tiếp tục phát triển Thủ đô theo hướng toàn diện và bền vững (10:58 27/07/2018)


HNP - Năm 2008, Thủ đô Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII. Sau mở rộng, Thủ đô Hà Nội có quy mô rất lớn với diện tích tự nhiên 3.358,92km2, dân số khoảng 7,7 triệu người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 đơn vị xã, phường, thị trấn, có đủ không gian đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện, bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.


Về hướng phát triển của Hà Nội theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2050, không gian Thủ đô phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh; các thị trấn được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp với các trục hướng tâm, liên kết mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Hệ thống đô thị khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên; là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước. Dân số đến năm 2020, đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300ha; đất dân dụng khoảng 26.000ha. Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200ha; khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng khoảng 90-95m2/người, khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng khoảng 75-90m2/người.

5 đô thị vệ tinh gồm: Đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, có chức năng hỗn hợp, đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập. Dân số mỗi đô thị đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 24.300ha, đất dân dụng khoảng 6.300ha, khoảng 90m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 18.000ha. Năm 2030, dân số khoảng 1,2-1,4 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 35.200ha. Đô thị Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo. Đô thị Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng. Đô thị Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp, hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, hệ thống làng nghề, các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng…Đô thị Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa. Đô thị Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái.

Phát triển nông thôn mới, giao thông nông thôn, các ngành nghề truyền thống, di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo…; hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển không gian xanh và mặt nước, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, hành lang xanh khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp và hệ thống công viên đô thị; khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái. Trong khu vực nội đô ưu tiên xây dựng mới và hoàn thiện các công viên, vườn hoa như: Công viên lịch sử Cổ Loa, Công viên văn hóa giải trí Hồ Tây, vườn thú, công viên Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì…

Về phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5-10%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 16.000-17.000 USD/năm; đưa Thủ đô trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực; khuyến khích phát triển các dịch vụ: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bưu chính - viễn thông, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo, tư vấn, vận tải công cộng; xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng và là một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Bắc.

Dự kiến, xây dựng mới và mở rộng 15 khu công nghiệp; tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch…Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư hạ tầng các tuyến vận tải công cộng lớn như: Đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, các công trình ngầm; xây dựng các quốc lộ, cao tốc hướng tâm, vành đai giai thông…

Về phát triển giao thông đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển giao thông với khu vực và cả nước. Về định hướng phát triển giao thông đô thị, trong đó: Đô thị hạt nhân: Chỉ tiêu mật độ mạng lưới đường chính cấp thành phố: 3-5km/km2; tỷ lệ đất giao thông 20%-26%; vận tải hành khách công cộng đáp ứng 45%-55%; mạng lưới giao thông công cộng: 2,0-3,0km/km2. Đối với trung tâm hiện hữu: hoàn thiện tuyến vành đai 2, vành đai 3; xây dựng các tuyến đường 2 tần tại các khu vực khó có điều kiện mở rộng hoặc nâng cấp; phát triển hệ thống đường sắt vận tải hành khách khối lượng lớn (UMRT) kết hợp với mạng lưới xe buýt nhanh…

Về phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội; xây dựng những giá trị mới làm nền tảng tinh thần cho xã hội, tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại, phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc. Khai thác năng lực, tiềm năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, tính sáng tạo của tri thức, văn nghệ sỹ, tài năng văn hóa nghệ thuật. Nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của nhân dân; xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa tại các khu đô thị mới, khu công nghiệp; đa dạng hóa công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, gắn kết phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ với phát triển văn hóa, tạo điều kiện để phát triển các ngành dịch vụ văn hóa. Xây dựng Thành phố Xanh - Sạch - Đẹp với không gian văn hóa và các công trình văn hóa hiện đại, mang tính truyền thống, tiêu biểu cho văn hóa cả nước trong quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước…


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t