Ưu tiên nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em (10:14 21/11/2017)


HNP - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, thành phố Hà Nội đã triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục đào tạo của thành phố không ngừng được nâng cao, học sinh Hà Nội đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu về chỉ số phát triển con người…

Hà Nội tập trung nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em


Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chỉ thị 19-CT/TU, UBND TP ban hành Kế hoạch số 154-KH/UBND để cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ; các quận, huyện, thị xã cũng đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức quán triệt tới 92% đảng viên và 100% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đồng thời, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với tổ chức các hoạt động như tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, diễn đàn trẻ em… để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
 
Thành phố xác định việc rà soát, thu thập và quản lý tình hình trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện các chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hàng năm thành phố hỗ trợ kinh phí cho 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn thực hiện công tác này, đặc biệt hướng đến nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để triển khai các chính sách hỗ trợ như trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí… Đối với những trẻ em không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng đã được các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các thủ tục hành chính, đưa trẻ vào sống, nuôi dưỡng và chăm sóc tại các Trung tâm bảo trợ xã hội của Thành phố, hiện nay, các Trung tâm của Thành phố đang quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc 768 trẻ.
 
Hằng năm, UBND TP đều ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Tính từ năm 2012-2016, toàn thành phố đã tổ chức trên 150 lớp tập huấn cho gần 20 nghìn lượt cán bộ, cộng tác viên làm công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; tổ chức trên 75 cuộc truyền thông tại cộng đồng, triển khai đầu tư 25 mô hình phòng, chống tai nạn thương tích tại các địa phương có nguy cơ cao. Do vậy, số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích hoặc tử vong giảm theo từng năm, năm 2012 là 3.486 trẻ thì đến năm 2016 còn 67 trẻ.
 
Công tác đầu tư phát triển giáo dục được thành phố chú trọng. Hà Nội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch. Tháng 7/2015, Thành phố cũng đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi đạt cao, đối với mẫu giáo là 99,7%; tiểu học 100% và Trung học cơ sở là 99,97%. Thành phố phát triển toàn diện cả giáo dục phổ thông và giáo dục mũi nhọn, học sinh Thủ đô đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.
 
Trong 5 năm qua, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi của Hà Nội giảm dần theo từng năm, hiện còn 13,6% (chỉ tiêu đặt ra đến hết năm 2015 là 16,5%); Thành phố duy trì tiêm 8 loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ dưới 1 tuổi, đạt trên 99%. Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, trung bình mỗi năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố huy động và tặng quà cho trẻ em với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng, trong đó có một số đơn vị đạt cao như quận Hoàn Kiếm trên 5,5 tỷ đồng, quận Hai Bà Trưng trên 4,6 tỷ đồng… số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em là 540/584, đạt 92,5%. Trẻ em Hà Nội được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh hơn, có cơ hội và điều kiện để phát triển toàn diện.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp xã đối với công tác này còn hạn chế; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chưa đầy đủ, chưa hiểu rõ vai trò của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung; việc xử lý, can thiệp và hỗ trợ trẻ em trong các vụ xâm hại, lạm dụng có lúc, cơ nơi chưa kịp thời; một số chỉ tiêu phấn đấu, nhất là xây dựng các khu vui chơi, nhà hát thiếu nhi trong khu vực nội thành đến năm 2015 chưa đạt…
 
Trong thời gian tới, Hà Nội xác định tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW và Chỉ thị 19-CT/TU; bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; chăm lo các điều kiện, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em để trẻ em phát triển toàn diện… Phấn đấu tỷ lệ trẻ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 99%; tỷ lệ trẻ tiểu học nhập học đúng độ tuổi đạt 100%; tỷ lệ trẻ em trung học cơ sở nhập học đúng độ tuổi đạt 99%; đảm bảo ít nhất 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn dưới 13,6% và phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 1 nhà hát thiếu nhi trong khu vực nội thành.
 
Để thực hiện các mục tiêu trên, Hà Nội đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nhiệm vụ này; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em gắn với tăng cường kiểm tra việc thực hiện quyền của trẻ em theo pháp luật.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t