Thường Tín chú trọng phát triển làng nghề truyền thống (15:37 08/12/2017)


HNP - Trong những năm qua, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ được huyện Thường Tín xác định là hướng trọng tâm và chiến lược trong phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, một nhiệm vụ chính được huyện chú trọng thực hiện trong những năm trở lại đây là khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống.


Thường Tín được biết đến là “Đất trăm nghề”, toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 47 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Hàng năm các làng nghề đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, góp phần phát triển xã hội ở địa phương. Trong số 47 làng nghề được công nhận, có khoảng 12.700 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân sản xuất trong lĩnh vực nghề truyền thống, với 31.000 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 04 cụm công nghiệp làng nghề đang hoạt động chuyên sản xuất các sản phẩm làng nghề (Duyên Thái, Vạn Điểm, Ninh Sở và Tiền Phong) đáp ứng nhu cầu phát triển nghề truyền thống, cũng như từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Huyện đã triển khai xây dựng được 02 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái và nhãn hiệu Tập thể thêu Thường Tín.

Một số làng nghề điển hình, hiện nay đang phát triển mạnh như bông len Trát Cầu Sơn Mài Hạ Thái; xương sừng Thụy Ứng; cơ khí, mộc Nguyên Hanh, mộc cao cấp Vạn Điểm… nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nghề truyền thống, xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, đem lại thu nhập cao và góp phần duy trì và phát triển các làng nghề. Ước tính năm 2017, giá trị thu nhập từ công nghiệp – thủ công nghiệp đạt  9.976 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2016. Tuy nhiên, hiện nay, các làng nghề đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là về mặt bằng sản xuất như làng nghề cơ khí Nguyên Hanh, làng nghề Thụy Ứng, làng nghề tiện Nhị Khê, làng nghề điêu khắc Nhân Hiền, hầu hết hoạt động sản xuất các làng nghề đều chung với khu dân cư sinh sống, nên vẫn còn tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn, không khí, nước thải ở các làng nghề. Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu bằng phương pháp thủ công, một số sản phẩm chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, việc tạo dựng thương hiệu làng nghề và sản phẩm làng nghề chưa thực sự được chú trọng, vay vốn tín dụng và nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Nhu cầu đào tạo nghề và nhân cấy nghề trên địa bàn chưa đáp ứng, nhất là nhu cầu lao động có tay nghề cao. Bên cạnh đó, mở rộng diện tích tại 04 Cụm công nghiệp làng nghề còn gặp khó khăn do quĩ đất hạn hẹp, nguồn kinh phí đầu tư lớn…

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 18/10/2016 của Huyện ủy, về việc tập trung phát triển nghề thủ công truyền thống, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016-2020, UBND huyện đã phê duyệt, triển khai hỗ trợ 124 lớp khuyến công cho khoảng trên 5.000 lao động với kinh phí gần 3,2 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, huyện đã mở 17 lớp khuyến công đào tạo ngắn hạn trong thời gian 3 tháng cho 750 lao động, cung cấp nguồn lao động tại chỗ cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp sản xuất nghề truyền thống. Triển khai chương trình hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 mô hình mây tre giang đan xã Ninh Sở và nghề thêu ren, thêu tay xã Văn Tự, với khoảng 220 hộ gia đình tham gia chương trình. Trung tâm khuyến công - Sở Công thương Hà Nội mở 03 lớp khuyến công cho lao động làng nghề tại xã Lê Lợi, Tự Nhiên và Dũng Tiến, với 105 học viên tham gia.

Huyện đã hoàn thành việc xây dựng thương hiệu làng nghề điêu khắc đá, gỗ thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang. Hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm làng nghề, bình chọn các sản phẩm làng nghề tiêu biểu… Bên cạnh đó, UBND huyện thực hiện chính sách hỗ trợ như xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm làng nghề, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch làng nghề tại địa bàn. Củng cố, phát triển các Hiệp hội, Hội làng nghề tạo điều kiện cho người lao đông sản xuất nghề truyền thống có nơi trao đổi kinh nghiệm về nghề nghiệp, củng cố thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Với chính sách khuyến khích, ưu tiên phát triển nghề truyền thống mà huyện Thường Tín triển khai thực hiện trong những năm qua, đã và đang góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy nghề và làng nghề truyền thống tại địa phương, tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, vươn lên làm giàu bằng chính nghề truyền thống tại địa phương.

Để các làng nghề truyền thống trên địa bàn phát triển bền vững, trong thời gian tới, huyện Thường Tín sẽ có định hướng đầu tư, hỗ trợ cho làng nghề. Tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa của làng nghề ra thị trường. Hỗ trợ vốn cho vay theo cơ chế ưu đãi lãi suất cho hoạt động ngành nghề nông thôn thông qua các tổ chức tín dụng, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các làng nghề phát triển. Hỗ trợ tham quan để các làng nghề học hỏi kinh nghiệm, đào tạo để nâng cao tay nghề cho lao động.


Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t