Người mở bảo tàng gốm ở Bát Tràng (05:40 15/07/2016)


HNP - Nghệ nhân Vũ Đức Thắng vốn được xem là một "phù thủy" của gốm đắp nổi, là một kỳ tài trong kết hợp hai yếu tố truyền thống và đương đại để tạo ra những tác phẩm gốm Bát Tràng được khách hàng trong và ngoài nước ngưỡng mộ. Nhưng nghệ nhân Vũ Đức Thắng luôn trăn trở khi thấy nhiều người tìm đến làng gốm mà không hiểu được lịch sử, không hiểu nét riêng gốm Bát Tràng. Chính giới trẻ Bát Tràng cũng thế. Ông đã xin phép UBND TP Hà Nội lập một bảo tàng gốm, để kể câu chuyện lịch sử của gốm theo cách của mình.

Nghệ nhân Vũ Đức Thắng


Ngôi nhà gỗ năm gian với vườn cây, tiểu cảnh và những sản phẩm gốm được sắp đặt đầy nghệ thuật của Nghệ nhân ưu tú Vũ Đức Thắng nằm ngay cạnh chợ gốm Bát Tràng. Những ngày này, nghệ nhân Vũ Đức Thắng tất bật với công việc chỉ đạo thợ thuyền cải tạo khuôn viên của ngôi nhà. Ông đang chuyển đổi không gian của ngôi nhà để có thể bảo đảm tiêu chuẩn trưng bày cho một bảo tàng gốm. Nghệ nhân Vũ Đức Thắng phấn khởi cho biết, ông vừa được UBND TP Hà Nội cấp phép thành lập bảo tàng với tên gọi Bảo tàng Gốm Hồn đất Việt. "Hội đồng khoa học đã thẩm định xong những cổ vật mà tôi đăng ký. Ngoài ra, tôi cũng sẽ trưng bày khoảng 150 tác phẩm của mình tại bảo tàng. Tôi rất hy vọng khi đi vào hoạt động, bảo tàng sẽ là một địa chỉ văn hóa dành cho khách tham quan".


Nghệ nhân Vũ Đức Thắng là hậu duệ của Tiến sỹ Vũ Văn Tuấn, người từng đi sứ nhà Thanh dưới triều vua Tự Đức. Dòng họ theo nghiệp chữ nghĩa, nên ông không thuộc "con nhà nòi" nghề gốm. Bởi khi lớn lên, ông theo học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Thật không may, khi ra trường, đất nước vừa kết thúc chiến tranh, chẳng mấy cơ quan xí nghiệp nào cần người có chuyên môn mỹ thuật. Ông bị thất nghiệp. Nhưng chính cái "không may" ấy, lại tạo ra cái "may" khác, cái may cho cả làng gốm khi có một nghệ sỹ - nghệ nhân tài hoa. Ông về làng học nghề gốm. Với kiến thức mỹ thuật có được trong trường học, ông nhanh chóng nắm vững kỹ thuật chế tác sản phẩm gốm mỹ nghệ. Không có vốn, không có nhà xưởng, thiếu thốn đủ thứ, không thể sản xuất đại trà, con đường duy nhất của nghệ nhân Vũ Đức Thắng để có thể mưu sinh là làm ít, nhưng phải là sản phẩm... độc đáo.


Nghệ nhân Vũ Đức Thắng mày mò nghiên cứu, tìm tòi. Trong khi người ta sản xuất hàng loạt, thì giữa lúc xã hội còn khó khăn về miếng cơm manh áo thì ông lại sản xuất hàng mỹ thuật cao cấp. Thi thoảng mới bán được một sản phẩm. Nhưng điều đặc biệt là những người tìm đến mua sản phẩm của Vũ Đức Thắng đều là người am hiểu nghệ thuật gốm, và rất sành chơi. Đến khi chế độ bao cấp chấm dứt, hợp tác xã gốm ở Bát Tràng giải thể, mọi người mới loay hoay tìm đường phát triển kinh tế cá thể thì nghệ nhân Vũ Đức Thắng đã có lượng khách hàng ổn định, ông đã có thương hiệu trên thị trường gốm mỹ nghệ cao cấp. Thời kỳ mở cửa chính là lúc tài năng của nghệ nhân Vũ Đức Thắng được chắp cánh. Thương hiệu gốm Hồn đất Việt nhanh chóng có mặt ở sảnh những khách sạn sang trọng, những cơ quan lớn hay trong những bộ sưu tập của người sành chơi.


Người làng Bát Tràng không chỉ làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Song, trong khi mọi người chủ yếu xuất đồ gia dụng thì nghệ nhân Vũ Đức Thắng là một trong số ít những người tiên phong xuất khẩu nhiều lô hàng sang Mỹ, Tây Âu những sản phẩm mỹ thuật giá trị. Đây cũng là cả một quá trình tìm tòi. Gốm Bát Tràng truyền thống nhiều nét đẹp. Nhưng khách hàng phương Tây không thích những kiểu đắp, vẽ rồng, phượng cầu kỳ. Nghệ nhân Vũ Đức Thắng đã thử nghiệm bằng cách lược đi những phần họa tiết mà khách hàng Âu - Mỹ cho là rườm rà, nhưng giữ lại dáng của những bình, những lọ với những tỉ lệ "vàng" mà cha ông đúc rút. Ông tạo những màu men mới trên nền màu men truyền thống. Và điều cốt yếu là ông đưa hoa lá, chim muông, phong cảnh của đất Việt vào sản phẩm dành cho Tây phương. Ngắm những sản phẩm của Vũ Đức Thắng, người ta thấy có hơi thở hiện đại, mà vẫn không sao lẫn được nét riêng của Bát Tràng, nét riêng của văn hóa Việt.


Trong những tác phẩm, có hai chiếc bình mà ông "giá nào cũng không bán". Một tác phẩm đó là câu chuyện kể về lịch sử đất nước 4000 năm, từ ngày Vua Hùng dựng nước, Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long cho đến những chiến thắng lịch sử trước đế quốc trong thế kỷ 20. Tác phẩm còn lại là là câu chuyện về sự ra đời, phát triển của Thăng Long - Hà Nội, với những hình ảnh về các danh lam thắng cảnh của Thủ đô như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột... Tất cả những ai có kiến thức về gốm đều thừa nhận đây là một bảo vật, được tạo ra bởi một kỳ tài đắp nổi gốm, những đường nét dù trải qua quá trình nung hàng nghìn độ vẫn giữ nguyên nét tinh xảo.


Hơn 60 tuổi đời, 40 năm tuổi nghề, nhìn lại, ông vẫn thấy mang nợ quê hương. Nghệ nhân Vũ Đức Thắng dành nhiều thời gian suy tư về dòng chảy của gốm Bát Tràng từ quá khứ đến đương đại. Ông nhận ra một điều rằng, Bát Tràng xưa làm ra nhiều sản phẩm đỉnh cao, nhưng các sản phẩm đó đều phục vụ xã hội, chứ hiếm sản phẩm đẹp nào còn được chính người Bát Tràng lưu giữ. Đây là lý do mà có không ít thợ gốm trẻ không hiểu được cái tinh túy, cái tài hoa của người Bát Tràng xưa. Khi không biết, thì khó có thể nối tiếp mạch chảy ấy. Ông mày mò sưu tầm những sản phẩm gốm Việt nói chung, gốm Bát Tràng nói riêng. Khi bộ sưu tập đã đủ lớn, ông xin phép thành lập bảo tàng, với mong muốn, qua bảo tàng của mình, người Bát Tràng cũng như khách du lịch trong và ngoài nước có thể hiểu được lịch sử gốm Việt, sự ra đời và phát triển của nghề gốm Bát Tràng. Bảo tàng Gốm Hồn đất Việt sẽ hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. Đó là cách mà nghệ nhân Vũ Đức Thắng "trả nợ" cho quê hương.


Diệp Liên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t