Đình Giảng Võ thờ Bà Chúa Kho (14:22 02/05/2018)


HNP - Đình Giảng Võ (ngõ 678 đường La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) là nơi thờ bà Lý Thị Châu Nương, một nữ tướng lập công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên ở thời Trần. Bà chính là người phụ trách kho lương của triều Trần, được nhân dân quen gọi là Bà Chúa Kho.

Tòa Phương đình - Đình Giảng Võ


Theo thần phả lưu giữ ở đình Giảng Võ, bà Lý Thị Châu Nương, sinh ngày 12/2 âm lịch, hồi nhỏ sống ở quê mẹ, xưa thuộc phường Võ Trại (nay là Giảng Võ), huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, Thăng Long. Lớn lên theo học ở phường Bích Câu gần đó, năm 16 tuổi đã võ nghệ tinh thông, trí dũng song toàn lại có nhan sắc vô cùng diễm lệ. Đến năm 22 tuổi, bà lấy ông Trần Thái Bảo làm chức Đốc bộ ở Châu Hoan (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) rồi theo chồng về sống ở Châu Hoan. Dưới đời vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308), giặc Nguyên sang xâm lược nước ta. Gặp lúc quan Thái bảo bận đi cự giặc ở bên ngoài nên Châu Hoan bị vây riết. Không hề nao núng, Châu Nương buộc tóc giả trai, đem 200 gia binh kiên cường chiến đấu, không cho giặc vào cướp phá. Khi Trần Thái Bảo trở về, hai vợ chồng hợp quân đánh cho giặc phải lui về châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay). Được tin quan Thái Bảo thắng trận, nhà vua triệu hai vợ chồng về kinh khen thưởng. Trần Thái bảo được giao chức Tiền quân Thánh Dực, chỉ huy một đạo quân hộ vệ nhà vua và kinh thành Thăng Long. Bà được phong là “Khố nương Công chúa Quản trưởng Quốc khố Đại Phu nhân”, nắm toàn quyền thu phát binh lương của Quốc khố kiêm cai quản phủ Phụng Thiên.
 
Quân Nguyên đem quân sang xâm lược nước ta lần thứ 2, thế giặc quá mạnh, quân triều đình phải rút khỏi Kinh đô để bảo toàn lực lượng. Quan Thái Bảo chỉ huy một đạo quân đi chặn giặc ở Thao Giang, không may tử trận ở đó. Nén đau thương, Châu Nương vẫn đôn đốc quân lính, một mặt đương cự giặc, một mặt bí mật di chuyển, bảo vệ các kho lương của triều đình. Từ đó cho đến lúc triều đình đại phá quân xâm lược, kho tàng lương thảo của kinh đô dưới sự bảo hộ của Châu Nương vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Sau ngày đất nước ca khúc khải hoàn, vì quá thương nhớ chồng, Châu Nương đã dùng một dải lụa hồng, tử tiết theo chồng, đó là ngày 20/7 theo âm lịch. Tương truyền, trong kho có tiếng nổ rất to. Tan khói không thấy bà đâu, chỉ còn lại chiếc khăn hồng và đôi hài phượng.
 
Vua Trần vô cùng thương tiếc người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đã truy phong cho bà là “Anh linh Hiển ứng Khố nương Công chúa Chủ Khố Đại vương Phu nhân Thánh Mẫu” và lệnh cho dân Võ trại lập đền thờ để hương khói muôn đời. Để tỏ lòng kính phục người con gái anh hùng, Bà đã được tôn thờ làm Thành hoàng làng Giảng Võ nên Đền thờ Bà được gọi là Đình thờ, nhân dân quen gọi là Đình thờ Bà Chúa Kho (ngoài Giảng Võ là nơi thờ chính theo lệnh nhà Vua, nhiều làng ở Châu Hoan cũng lập Đền thờ Bà).
 
Nghi môn đình Giảng Võ nhìn từ trong 
 
Đình Giảng Võ xưa kia, toạ lạc trên khu đất rộng khoảng 10.000m2, hiện nay bị lấn chiếm nhiều, chỉ còn 1.700m2. Hệ thống kiến trúc đình bao gồm nhiều lớp: Cổng Tam quan, Tả mạc, Hữu mạc, Phương đình, Đại đình và Hậu cung. Từ ngoài đi vào đình, du khách thấy ngoài cổng có hai ngôi miếu nhỏ thờ Cô Đệ Nhất và Cô Đệ Nhị, hai người hầu gái của Châu Nương. Tiếp đến là hai nhà bia rồi đến sân đình. Chính giữa còn dấu tích của nhà Phương đình đã bị đốt từ 1946, gần đây nhân dân đã dựng lại như cũ. Hai bên nhà Phương đình là tả, hữu mạc là nơi hội họp, sắp lễ của dân làng khi có lễ hội. Hết sân, lên toà Đại đình, bên trong có bầy cỗ kiệu và long đình để rước bài vị thần những ngày hội. Cuối cùng là Hậu cung, trong Hậu cung có khám thờ đặt một long ngai thờ bài vị Lý Châu Nương và tượng bà. Trước đình có một hồ nước nhỏ, cùng những hàng cây cổ thụ soi bóng xuống hồ nước trong xanh làm tôn lên sự linh thiêng, cổ kính của Đình.
 
Đình Giảng Võ có kiến trúc cổ độc đáo, hình chuôi vồ, Đại đình có ba gian, Hậu cung hai gian. Kết cấu vì kèo quá giang, đầu hồi bịt đốc với các cây trụ đỡ mái. Đỉnh trụ là 2 con nghê quay mặt vào nhau. Ngoài ra, trong khuôn viên Đình còn có 4 con nghê đá, 2 tấm bia đá và một số trụ đá trước đây dùng để kê cột đình. Hiện nay, ở đình còn lưu giữ được Ngọc phả, sắc phong, văn bia, hoành phi, câu đối có nội dung ca tụng công lao của Bà. Trong đó có bức hoành phi “Nữ trung anh kiệt” (anh hùng hào kiệt trong giới nữ) và đôi câu đối ca ngợi Bà:
 
Tài chính túc sung quân, môn nội mệnh văn thiên tử chiến
Âm mưu năng thoái lỗ, quốc trung danh trấn nữ thần quyền
                                                          Nghĩa là:
Của cải đủ nuôi quân, khăn yếm ra tay vâng chiếu chỉ
Hồn linh còn đuổi giặc, núi sông vang tiếng nữ anh hào.
 
Bên trong Đại đình còn lữu giữ được nhiều hoành phi, câu đối
 
Tuy bị đốt phá trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng đình đã được tu sửa đẹp với kiến trúc vẫn giữ được nét chính. Tam quan có tên là Bảo Khánh Môn đã bị phá, nay chỉ còn dấu tích gồm mấy viên đá xanh cỡ lớn ở ven hồ, cạnh ngôi miếu nhỏ. Trải qua bao cuộc binh đao, hưng phế, người dân nơi đây ý thức rất rõ về công lao của bà đã có công với đất nước nên không ngừng giữ gìn, tôn tạo, tu bổ công trình. Chính vì vậy, nơi đây vẫn giữ được một không gian văn hóa cổ kính và linh thiêng.
 
Đình Giảng Võ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia ngày 20/7/1994. Hàng năm, Đình tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày sinh (12/2 âm lịch) và ngày hoá (20/7 âm lịch) để tưởng nhớ đến công ơn của Bà. Lễ hội được tổ chức trang trọng, đậm đà bản sắc dân tộc, không có tệ nạn mê tín dị đoan, thu hút rất đông nhân dân trong vùng và khách thập phương tham dự. Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: biểu diễn văn nghệ, thi đấu cờ tướng, chọi gà...

Hà Phương


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t