Mặt trận Thành phố lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (14:23 18/02/2022)


HNP - Sáng 18/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của MTTQ quận, huyện, thị xã và các tổ chức thành viên đối với dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và đồng chí Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP chủ trì hội nghị.  

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận hội nghị


Dự thảo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở gồm 7 Chương, 59 Điều, phạm vi điều chỉnh các nội dung, cụ thể: Quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bao gồm: đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức CT-XH; doanh nghiệp, tổ chức HTX có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện DCỞCS và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.
 
Quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH và Ủy ban Thường vụ QH (trừ Văn phòng QH); HĐND và các Ban của HĐND các cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của QH và HĐND các cấp; Quy định việc thực hiện dân chủ trong hệ thống Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Quy định việc thực hiện dân chủ trong lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an.
 
Về nguyên tắc thực hiện, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
 
Góp ý tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho rằng, Luật vừa mang tính pháp lý vừa mang tính chính trị sâu sắc. Nội dung các quy định trong luật tương đối đầy đủ, phản ánh rõ các logic pháp lý về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các đối tượng thụ hưởng và thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn một số nội dung bất cập. Đó là Luật chưa số hóa đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã ghi nhận. Dự thảo còn chưa thống nhất, đồng bộ với các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.
 
Từ phân tích đó, đồng chí đề xuất cần quy định người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp được thụ hưởng những gì và những đảm bảo để các đối tượng này được thụ hưởng. Đồng thời, cần bổ sung Chương Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng nhằm thu hút quy định về thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cộng đồng trong Luật thanh tra và Luật đầu tư công ở mục này.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Tín Lê Đức Anh đóng góp ý kiến
 
Đồng chí Lê Đức Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Tín bày tỏ đồng tình với nội dung, kết cấu dự thảo. Đồng chí đề nghị rà soát, trình bày thống nhất cách viết một số khái niệm; bổ sung làm rõ cách tổ chức thực hiện các văn bản thực hiện và bổ sung mốc thời gian, số lượng hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư mỗi năm. Ngoài ra, bổ sung việc thực hiện dân chủ ở các loại hình bổ sung như trường học, chợ, trật tự xây dựng…cũng như nêu rõ hơn vai trò của MTTQ trong thực hiện luật thực hiện dân chủ ở cộng đồng dân cư. Ngoài ra, đồng chí cũng kiến nghị chỉnh sửa quy định hiệu lực về thực hiện hương ước, quy ước; xem xét, chỉnh sửa quy định về tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân cho thống nhất về số lần.
 
Đồng chí Nghiêm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thị xã Sơn Tây đề nghị bổ sung chế tài xử lý đối với những cá nhân, tổ chức không tuân thủ các quy định; bổ sung quy định về thời gian công khai cũng như quy định rõ số lượng đại diện cử tri ký vào các nghị quyết của cộng đồng dân cư…
 
Đồng chí Phan Văn Dưỡng, đại diện Liên đoàn Lao động Thành phố đóng góp ý kiến tại hội nghị
 
Đồng chí Phan Văn Dưỡng, đại diện Liên đoàn Lao động Thành phố nhấn mạnh việc cần thiết phải tạo cơ chế để thực thi quyền làm chủ của người dân. Đề nghị cần dành cho MTTQ và các tổ chức đoàn thể 1 chương để quy định cụ thể hóa quyền, trách nhiệm của các tổ chức cũng như làm rõ hơn vai trò của tổ chức công đoàn. Theo đồng chí, cần cụ thể hóa việc thực hiện đối với từng khu vực, khối, quy mô từng doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi của Luật. Đồng chí cho rằng Luật nên tối đa hóa việc quy định để hạn chế ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn; bổ sung thêm Ban TTND ở khối cơ quan nhà nước; cần làm rõ hơn về việc tổ chức Hội nghị người lao động và đối thoại với người lao động để tránh những mâu thuẫn do hạn chế thông tin.
 
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cảm ơn 12 ý kiến đóng góp trách nhiệm, chi tiết của các đại biểu, cũng như, thống nhất một số quan điểm về tên gọi, bố cục và liên quan đến nội dung của Dự thảo Luật. Cho biết, hiện nay, nhiều đơn vị MTTQ các quận, huyện, thị xã đang lấy ý kiến từ cơ sở, đồng chí mong muốn các đơn vị sẽ tiếp tục quan tâm để đóng góp vào việc xây dựng pháp luật có chất lượng, hiệu quả nhất. Theo kế hoạch, dự kiến, Luật sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 4, với 6 điểm mới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam nhấn mạnh sẽ chắt lọc các ý kiến, tổng hợp đầy đủ để gửi về cơ quan soạn thảo pháp luật, để sớm đưa Luật vào cuộc sống.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t