Tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” (09:37 04/02/2022)


HNP - Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục là rào cản khiến cho cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng gặp vô vàn khó khăn thách thức. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố Hà Nội đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.  

Lãnh đạo TP Hà Nội tặng quà Tết cho các công nhân lao động trên địa bàn


Vượt qua rào cản, thực hiện tốt các chính sách an sinh
 
Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương, đối tượng quản lý của ngành LĐTB&XH tương đối rộng, đa dạng về thành phần và địa bàn trải rộng. Hiện nay, lực lượng lao động trên địa bàn TP có khoảng 4,1 triệu người, chưa tính số lao động ngoại tỉnh và hàng nghìn lao động người nước ngoài; hơn 317 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó, có 6.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 9 khu công nghiệp, khu chế xuất với 661 doanh nghiệp hoạt động. 
 
Thành phố có gần 800.000 người hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công, trong đó, quản lý và chi trả chế độ chính sách hàng tháng cho khoảng 84.000 người; trên 196.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó, có trên 2.700 đối tượng là người cao tuổi, cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; trên 2.600 người cai nghiện ma túy đang được chữa trị, cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện Thành phố.... Để bảo đảm chăm lo cho các nhóm đối tượng chính sách, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong gần 2 năm qua, là một khó khăn, thách thức không nhỏ. 
 
“Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan thường trực, ngành LĐTB&XH Hà Nội đã nỗ lực, quyết tâm cao; chủ động tham mưu Thành phố ban hành 09 Nghị quyết của HĐND Thành phố và nhiều kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn 2021-2025; đồng thời, tham mưu Thành ủy - HĐHD - UBND Thành phố thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả trong công tác chăm lo đời sống người có công, người lao động, người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo vừa phòng, chống dịch tốt vừa hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, từng bước thích ứng với các điều kiện trong tình hình mới” - Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho hay.
 
Đến ngày 25/1/2022, toàn Thành phố đã quyết định hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,55 triệu lượt đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí 6.921,7 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách Nhà nước đảm bảo chi theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 2.388,4 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 4.094,8 tỷ đồng; còn lại là nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định.
 
Bên cạnh các chính sách kể trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã trích 82,98 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 để hỗ trợ cho 162.529 người khó khăn trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả một số người nước ngoài khó khăn đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội). 
 
Ngoài ra, với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, từ khi thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND, ngày 23/7/2021 đến nay, các tổ chức chính trị, xã hội Thành phố và một số quận, huyện, thị xã cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức hỗ trợ cho trên 1,2 triệu lượt người, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 355,4 tỷ đồng.
 
Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Oai giải ngân vốn vay hỗ trợ người lao động khó khăn
 
Nhìn lại việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho rằng 02 chủ trương, chính sách trên đã thể hiện rõ nét sự quan tâm kịp thời của Đảng, Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố đến người dân, nhất là đảm bảo an sinh xã hội cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách, các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Sở LĐTB&XH, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, kết quả công tác an sinh xã hội của Thành phố đầu tiên phải kể đến là ngành LĐTB&XH đã tham mưu Thành phố xây dựng Chương trình số 08 của Thành ủy khóa XVII "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025". Đặc biệt, trong bối cảnh giãn cách xã hội, ngành LĐTB&XH cũng đã kịp thời tham mưu Thành phố triển khai và chủ trì thực hiện tốt công tác chi trả hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và các nghị quyết của Thường trực HĐND Thành phố, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. 
 
Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà đánh giá: “Điều đáng mừng là về phương pháp, cách làm của thành phố Hà Nội có rất nhiều điểm đổi mới và sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn dịch bệnh trong từng giai đoạn, nhất là công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Đặc biệt, công tác tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội rất bài bản, khoa học, toàn diện, có sự khác biệt, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội và người dân”. 
 
Tiếp tục mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”
 
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, bước sang năm 2022, năm được dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 có thể kéo dài...tiếp tục là những khó khăn và thách thức lớn, đòi hỏi ngành Lao động TB&XH Thủ đô phải nỗ lực, cố gắng, đổi mới, sáng tạo nhiều hơn nữa. 
 
Chính vì vậy, triển khai nhiệm vụ được Thành phố giao, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2022, ngành LĐTB&XH Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ LĐTB&XH và Thành phố để chủ động tham mưu Thành phố xây dựng, hoàn thiện thể chế, đưa chính sách, pháp luật lĩnh vực lao động, người có công và xã hội ngày càng đi vào cuộc sống; góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi đối tượng tầng lớp nhân dân trong thời đại mới. 
 
Trước mắt, thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, minh bạch các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Tập trung thực hiện tốt Kế hoạch 281/KH-UBND, ngày 13/12/2021, của UBND Thành phố về tặng quà cho người có công và các đối tượng xã hội nhân nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; chăm lo đời sống các đối tượng phục vụ của Ngành đảm bảo đón Tết cổ truyền đầm ấm, an toàn, đầy đủ vật chất và tinh thần. Thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng Tết của người lao động trong doanh nghiệp.
 
Chi trả tiền cho các đối tượng chính sách tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông
 
Cũng theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương, trong năm 2022, Sở sẽ triển khai các nhiệm vụ nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021, của Chính phủ đi đôi với việc thực hiện tốt giải pháp đảm bảo an sinh. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chế độ, chính sách đối với người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19; tiếp tục chủ động phối hợp thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và chính sách đặc thù của Thành phố đến đúng đối tượng, hiệu quả, minh bạch; chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. 
 
Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công với cách mạng; tham mưu xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng, đa dạng, thống nhất, huy động sự chung tay của toàn xã hội, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 hiệu quả và đúng thực chất. 
 
Từ năm 2022, một số trường hợp đặc biệt còn được hỗ trợ theo chính sách đặc thù để có mức sống trên mức chuẩn nghèo theo tiêu chí mới đã được HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua tại kỳ họp thứ ba, diễn ra đầu tháng 12/2021. Theo đó, đối với trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có mức hỗ trợ hằng tháng là 2 triệu đồng/người đối với khu vực nông thôn; 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Đối với trường hợp người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân sẽ nhận mức hỗ trợ hằng tháng là 440.000 đồng/người. Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình cho thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo, thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ tháng được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo...

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t