Làng nghề chưa thoát khó khăn (14:33 31/01/2018)


HNP - Trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã chú trọng phát triển làng nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy vậy, nhiều làng nghề vẫn gặp khó khăn, đòi hỏi có những giải pháp tháo gỡ kịp thời để tồn tại, phát triển trong giai đoạn mới.

Có nghề, có thu nhập

Hiện, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ nức tiếng như Vạn Phúc, mây tre giang đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, mỹ nghệ Sơn Đồng... thu hút hàng nghìn người tham gia. Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, có thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đơn cử như các sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt, thêu ren truyền thống, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, sản phẩm cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm. Theo tính toán, tổng doanh thu của 297 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng/năm, làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù 1.301 tỷ đồng/năm, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai 1.061 tỷ đồng/năm, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu 1.600 tỷ đồng/năm, làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá 1.209 tỷ đồng/năm.

Dù không phát triển mạnh như những làng nghề nêu trên, nhưng làng nghề đan cỏ tế ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động từ 20 năm nay. Bà Đặng Thị Lan, thôn Lưu Xá cho biết, trung bình mỗi ngày, người dân địa phương thu từ 100 đến 150 nghìn đồng từ nghề phụ, đủ trang trải cho cuộc sống. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc Nguyễn Văn Đảm cho biết, nghề đan có tế ở Phú Túc không chỉ thu hút lao động trong độ tuổi mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động kể cả người già và em nhỏ. Nhờ ngành nghề phát triển kết hợp với sản xuất nông nghiệp, 90% lao động trong xã có việc làm với thu nhập bình quân 55 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Lê Hồng Thăng, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề truyền thống nhìn chung là thấp. Tuy nhiên vẫn cao hơn so với lao động thuần nông, phổ biến ở mức 4 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng. Tuy nhiên, thu nhập hình quân lao động từng làng nghề truyền thống ở các huyện không của đều. Các quận, huyện có lao động thu nhập hình quân cao như: Hoài Đức, Thạch Thất... đạt từ 50 triệu đồng/người/năm. Các huyện có đạt dưới 50 triệu đồng/người/năm như Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức. Ngay tại các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau như: làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức) thu nhập của người lao động bình quân đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng; làng nghề mây tre đan thông Thái Hòa, xã Bình Phú (Thạch Thất) thu nhập bình quân đạt 112 triệu đồng/người/tháng.

Dù thu nhập có phần chênh lệch, nhưng tựu lại các làng nghề đã giải được "bài toán" lao động, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tích cực vào thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Nội.

Khắc phục tình trạng tự phát

Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội, làng nghề Hà Nội vẫn chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh, nhất là phát triển làng nghề gắn với du lịch. Điều này thể hiện ở chỗ, mối liên kết giữa các làng nghề và ngành Du lịch vẫn còn lỏng lẻo, tính tự phá khá rõ. Những kết quả đạt được chủ yếu do tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tập trung vào một số ít làng nghề đã được biến đến rộng rãi. Nhiều sản phẩm của làng nghề chưa có thương hiệu hàng hóa, mẫu mã, kiểu dáng thay đổi chậm nên sức cạnh tranh yếu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, việc giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các hội chợ, trung tâm thương mại chi phí nhiều, nói chung là mô hình làng nghề kết hợp với du lịch phát triển chậm.

Huyện Phú Xuyên là địa phương nổi tiếng là đất trăm nghề. Nhiều năm qua là điểm đến lý tưởng của khách du lịch. Tuy vậy, các làng nghề ở đây cũng gặp vô vàn khó khăn, nhất là về mặt bằng sản xuất. Bà Đặng Thị Lan cho biết: "Chúng tôi phải trả giá đắt cho các vấn đề về môi trường trong quá trình sản xuất". Thực tế cho thấy, ở đây, nhiều cơ sở sản xuất mặt bằng chật hẹp nằm trong khu dân cư, nơi sản xuất cũng là nơi sinh sống của cả gia đình. Các hộ sản xuất đều dùng diêm sinh để sấy các sản phẩm. Mỗi khi sấy sản phẩm, mùi diêm sinh tỏa khắp bầu không khí gây nên mùi rất khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân làng nghề.

Trao đổi về những khó khăn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc Nguyễn Văn Đảm cho biết, hiện quá trình xây dựng cụm điểm công nghiệp gặp nhiều khó khăn nên chưa biết bao giờ sản xuất mới tách ra được khỏi khu dân cư. Chính vì vậy, nên việc phát triển làng nghề vẫn là trăn trở và trở ngại lớn đối với cả cán bộ và nhân dân trong xã.

Khảo sát một số địa phương cho thấy, các làng nghề đều trong tình cảnh thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, nguyên liệu không ổn định, ô nhiễm môi trường, nhất là khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm... Theo đánh giá tình hình phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn thành phố năm 2017 của Sở Công Thương, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp, mẫu mã đơn điệu, chậm thay đổi, sức cạnh tranh hạn chế. Do thị trường chậm được mở rộng nên hiện nay làng nghề bị bó hẹp trong khuôn khổ sản xuất, tiêu thụ những sản phẩm vốn có, chưa nghiên cứu sâu nhu cầu của người tiêu dùng, chưa vươn tới cung cấp cho các vùng, miền khác và đẩy mạnh xuất khẩu.

Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật của các làng nghề trên địa bàn thành phố cũng chưa được đầu tư hoàn thiện xứng đáng với vị thế mà nó mang lại trong phát triển kinh tế xã hội của vùng nông thôn. Do đó, để làng nghề phát triển ổn định, đi đôi với áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ; hỗ trợ đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới; bảo vệ môi trường làng nghề; hỗ trợ làng nghề phát triển gắn với du lịch, xúc tiến thương mại..., nhất định phải phải khắc phục hạn chế nêu trên và có sự thay đổi, bước đột phá về phương thức sản xuất. Có như vậy, làng nghề Hà Nội mới phát triển bền vững.


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t