Ngành GD&ĐT Thủ đô xứng đáng đơn vị đầu tàu (10:21 20/11/2017)


HNP - Kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã có những dấu ấn đáng ghi nhận, luôn giữ vững vị thế hàng đầu về chất lượng giáo dục trong nhiều năm qua.

Chất lượng GD&ĐT ngày càng được nâng cao


Năm học 2017 - 2018, hoạt động của hệ thống giáo dục mầm non có nhiều tiến bộ, duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ về mọi mặt, xứng đáng với vai trò bậc học nền tảng. Đồng thời, giáo dục tiểu học tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; ưu tiên các điều kiện tốt nhất cho học sinh lớp 1. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2017 đạt 99,36%; Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp tiếp tục thể hiện sự bền bỉ trong việc khắc phục khó khăn, đa dạng hóa nội dung và hình thức học tập, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia học tập thường xuyên, góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội học tập.
 
Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước. Với phương châm “Kỷ cương nghiêm - Chất lượng thực - Hiệu quả cao”, nhiều biện pháp quản lý đã được áp dụng và tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong các nhà trường. Toàn ngành hiện có gần 140 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ tại các nhà trường. Trong đó, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn của Hà Nội cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Cụ thể, cấp tiểu học có tới 95% giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn; tỷ lệ này ở cấp THCS là 76% và ở cấp mầm non là 55%...
 
Hà Nội cũng là nơi khơi nguồn nhiều phong trào, cuộc vận động có ý nghĩa tạo động lực, thôi thúc đội ngũ nhà giáo hoàn thiện mình về mọi mặt. Cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn” trở thành điểm tựa cho nhiều học sinh trong thời gian qua, giúp các em yên tâm tới trường. Thông qua các cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Cô giáo - người mẹ hiền”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”…, mỗi nhà giáo có thêm cơ hội hoàn thiện về chuyên môn, về phẩm chất đạo đức, phong cách, làm đẹp thêm hình ảnh người giáo viên nhân dân.
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao khen thưởng cho các tập thể nhà giáo
 
Có thể thấy, các cuộc vận động, phong trào đã thực sự có sức lan tỏa trong đội ngũ nhà giáo, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong các nhà trường, làm nên những điểm sáng của ngành. 100 thầy cô giáo được trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ Nhất; 22 thầy cô giáo, cán bộ quản lý được vinh danh trong thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007 - 2017… Cùng với đó, nhiều cá nhân tiêu biểu trong toàn ngành cũng đã được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; được Bộ GD&ĐT và UBND Thành phố tặng bằng khen và các danh hiệu trong năm học vừa qua… Đặc biệt, những tấm gương tâm huyết với nghề, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, đã được Hội đồng các cấp đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 14, năm 2017.
 
Việc bảo đảm các điều kiện để đội ngũ nhà giáo phát triển luôn được Thành phố quan tâm. Công tác quy hoạch mạng lưới, xây dựng mới và cải tạo trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị dạy học, xóa phòng học cấp 4 tiếp tục được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu học tập. Nhất là, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trở thành nhiệm vụ chung, mục tiêu không phải để đạt danh hiệu thi đua mà là tạo điều kiện tốt về mọi mặt cho các thầy, cô giáo phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong việc dạy học. Những hạng mục trong nhà trường như nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng, nước sạch, cây xanh, tường rào… cũng được quan tâm cải tạo đồng bộ. Mức kinh phí đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo của Thủ đô ngày càng tăng, riêng trong năm 2017 là 56 tỷ đồng…
 
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, ngành GD&ĐT Hà Nội luôn xác định mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo ra những thế hệ học sinh có đầy đủ đức, trí, thể, mỹ. Từ đó, tạo nền tảng để GD&ĐT Thủ đô tiếp tục vững bước trên lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t