Góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (21:45 27/07/2017)


HNP - Sáng 27/7, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Tham dự hội nghị có đại diện cán bộ phòng tư pháp 30 quận huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội phát biểu tại hội nghị


Sau 17 năm thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư đã đạt nhiều kết quả. Bên cạnh những mặt tích cực, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong những năm vừa qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Với nhiều quy định cụ thể, rõ ràng sẽ tạo thuận lợi cho việc phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống.
 
Tuy nhiên, một trong những vướng mắc, bất cập trong thực hiện hương ước, quy ước là các quy định hiện hành công nhận có các hình thức chế tài trong hương ước, quy ước và chủ yếu là các biện pháp mang tính giáo dục, thuyết phục. Đồng thời, quy định nguyên tắc không được đặt ra các biện pháp xử phạt nặng nề đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng hương ước, quy ước. 
 
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng nhiều hương ước, quy ước còn sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách khô khan. Việc xây dựng, thực hiện hương ước nhiều nơi còn hình thức, mang tính phong trào… Đặc biệt, có tình trạng hương ước, quy ước có nội dung vi phạm pháp luật, quy định việc xử phạt trái pháp luật, vi phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân…
 
Theo đại diện Phòng Tư pháp Thị xã Sơn Tây: Bộ Tư pháp, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quyết định và có văn bản hướng dẫn thực hiện hương ước, quy ước. Đại diện phòng tư pháp thị xã cũng góp ý cần thống nhất hình thức của hương ước, quy ước ở điều 5 và trình tự thủ tục công nhận hương ước, quy ước ở điều 12 đảm bảo thống nhất. Trong đó, cần quy định rõ hơn về trình tự, trách nhiệm từ thôn, xã đến các phòng ban ở cấp huyện để đảm bảo vừa tránh chồng chéo vừa thể hiện trách nhiệm của mỗi đơn vị.
 
Đóng góp cho dự thảo quyết định đại diện Phòng Tư pháp huyện Gia Lâm cho biết: dự thảo cần làm nổi bật và phát huy được bản sắc văn hóa ở mỗi địa phương, ngoài ra ở điều 5 về hình thức của hương ước, quy ước nên quy định có thể là viết tay không nhất thiết phải là văn bản đánh máy, hay văn bản pháp quy, phải đúng trình tự… quan trọng hơn phải mang tính chất thống nhất của cộng đồng dân cư.
 
Đại diện cho một đơn vị cấp quận, theo Phòng Tư pháp quận Long Biên: khác với ở các vùng nông thôn, hiện nay, quận đang triển khai 2 loại quy ước về trật tự độ thị và an toàn thực phẩm, tuy nhiên, quận đã ký quyết định ban hành 604 quy ước cho 300 tổ dân phố trên địa bàn quận…điều này gây nên áp lực công việc cho cấp quận, vì vậy, đại diện Phòng tư pháp quận kiến nghị dự thảo cần phân cấp cho cấp phường ban hành các quy ước, hương ước cho tổ dân phố hay khu dân cư…
 
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, đồng thời, cho rằng hiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư đang được Bộ Tư pháp xây dựng và lấy ý kiến các địa phương vào tháng 8 tới. Sau khi thống nhất được các ý kiến đóng góp, Chính phủ sẽ ban hành quy định về hương ước chung để tránh hình thức và kém hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t