Hai tháng đầu năm: Xử lý 805 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (17:12 28/02/2020)


HNP - Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 261/KH-UBND về công tác An toàn thực phẩm 2 tháng đầu năm 2020, tại Hội nghị giao ban, chiều 28/02, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, các lực lượng chức năng thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 10.736 cơ sở, xử lý 805 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 2,88 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền báo cáo tại Hội nghị


Thành phố Hà Nội hiện có 69.459 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến liên quan đến thực phẩm, trong đó, có 07 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 718 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 Trung tâm thương mại, 5.044ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát... Sản xuất thực phẩm của Thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.    

Các hoạt động tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh, tập trung tuyên truyền ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội, và tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Cùng với đó, Thành phố cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Theo đó, Thành phố thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP (10 đoàn tuyến Thành phố và 644 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã, xã phường, thị trấn, 64 đoàn kiểm tra chuyên ngành của Công thương, y tế, nông nghiệp). Kết quả, đã thanh tra, kiểm tra 10.736 cơ sở, xử lý 805 cơ sở, phạt tiền trên 2,88 tỷ đồng, tiêu hủy 180 chai rượu không rõ nguồn gốc... Công an Thành phố kiểm tra 355 vụ việc vi phạm các quy định về ATTP, tạm giữ 25 tấn đùi gà hun khói (trong đó có 12 tấn hết hạn sử dụng), 6,7 tấn thực phẩm các loại (lưỡi vịt, tràng động vật, trứng non, lườn ngỗng hun khói), 3,8 tấn nấm hương, 30 tấn bánh kẹo các loại, ô mai, hoa quả sấy.

Lực lượng Thanh tra chuyên ngành thực phẩm các quận, huyện, xã, phường kiểm tra 4.391 cơ sở, xử phạt 1.093 cơ sở, số tiền phạt gần 2,2 tỷ đồng.

Điều tra khám phá 859 vụ tội phạm ma túy

Cũng tại hội nghị giao ban tháng 2 của UBND thành phố, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 30/KH-UBND, ngày 12/02/2020, về phòng, chống ma túy trên địa bàn Thành phố năm 2020. Theo đó, từ 15/12/2019 đến 15/02/2020, lực lượng CSĐT TP về ma túy CATP đã phát hiện điều tra khám phá 859 vụ, 1.161 đối tượng. Trong đó khởi tố: 819 vụ, 955 bị can, đạt 37,2 % chỉ tiêu năm (819 vụ/2.200 vụ chỉ tiêu năm); xử lý hành chính 40 vụ, 206 đối tượng. Số vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy chiếm 46,03% số vụ khởi tố (377 vụ, 436 đối tượng).

Từ cuối năm 2019, Công an Thành phố đã chủ động đưa 59 điểm phức tạp về ma túy vào diện quản lý để làm tốt công tác phòng ngừa; trong 2 tháng đã giải quyết 13 điểm.

Lực lượng Công an cũng đã lập 413 hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; các cơ sở cai nghiện đã tiếp nhận 320 trường hợp thi hành Quyết định của Tòa án và tiếp nhận 486 người nghiện đi cai nghiện tự nguyện.

Theo CATP Hà Nội, mặc dù Công an TP đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, tuy nhiên tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch 30 của UBND thành phố, Công an Thành phố đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý số đối tượng tâm thần; Hướng dẫn các cơ sở y tế (bệnh viện tâm thần, cơ sở y tế địa bàn) phối hợp cơ quan chức năng cập nhật, trao đổi thông tin, xây dựng biện pháp quản lý số đối tượng tâm thần điều trị nội trú trở về địa phương hoặc số đang điều trị ngoại trú, số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá”, phòng ngừa các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do đối tượng này gây ra.

Cùng đó, chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường xác định tình trạng nghiện ma túy và hướng dẫn phân loại đối tượng người nghiện, người sử dụng ma túy có nguy cơ “ngáo đá”.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo rà soát, xác định số người nghiện ma túy loại khỏi danh sách theo Hướng dẫn số 338/HD-LĐTBXH, ngày 07/02/2018; thống nhất liên ngành: Lao động, Y tế, Công an trong quản lý số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, phân định rõ trách nhiệm quản lý theo chức năng nhiệm vụ.

UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền với công tác phòng, chống ma túy. Đại tá Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị: "Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình hình ma túy tại địa phương nếu để xảy ra các vụ việc, vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do đối tượng tâm thần, “ngáo đá” gây ra hoặc để báo chí, dư luận phản ánh về tình trạng bơm kim tiêm tràn lan tại các khu đất trống, nhà bỏ hoang, mất an ninh trật tự tại các khu vực, điểm điều trị methadone...".


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t