Triển khai nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018 (21:16 05/12/2017)


HNP - Chiều 5/12, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCTP năm 2017, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Quang Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.  

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong năm 2017, công tác tham gia góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, đặc biệt là việc lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định, hướng dẫn bộ luật, luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp được các cơ quan trong khối nội chính Thành phố thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có chất lượng. Cùng với đó, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các quận, huyện, thị uỷ, cấp ủy các cơ quan đơn vị tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ hệ thống các cơ quan tư pháp; tăng cường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp...
 
Năm 2017, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ có nhiều đổi mới, chất lượng các mặt công tác có những chuyển biến tích cực. Công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên rõ rệt, với tổng số 14.037 đơn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả điều tra khám phá án hình sự đạt tỷ lệ 81,6%, trong đó trọng án đạt 100%. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị, trong đó, việc phối hợp tốt trong chỉ đạo giải quyết các vụ án hình sự trọng điểm, các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa rút kinh nghiệm; xét xử tội phạm tham nhũng, tội phạm về ma túy, tệ nạn xã hội, giải quyết các vụ việc, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Trong năm qua, Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý tổng số 30.777 vụ, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, đã giải quyết 27.755 vụ, đạt 90,1%.
 
Đặc biệt, Tòa án nhân dân 2 cấp đã tập trung làm tốt công tác hòa giải, công tác đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; đã tiến hành hòa giải thành công 12.150 vụ, chiếm 63,8% số án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, hiệu quả giải quyết cao hơn cùng kỳ năm 2016 (tăng 11%, với 1.577 vụ).
 
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các cơ quan tư pháp, các sở, ban, ngành liên quan của Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ CCTP năm 2017, khẳng định kết quả công tác CCTP năm 2017 đã góp phần tích cực trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp công dân.
 
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đó là vẫn còn tình trạng để án quá hạn, nhất là án dân sự, kinh doanh thương mại và án hành chính; kết quả thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố đạt 3/4 chỉ tiêu được giao, còn 1 chỉ tiêu chưa đạt; vẫn còn trường hợp chậm giao tài sản đã bán đấu giá cho người trúng đấu giá. Việc xử lý tài sản thế chấp, đảm bảo trong các vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng gặp nhiều khó khăn...
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Năm 2018, nhiều bộ luật về tư pháp sẽ có hiêụ lực, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để ngành tư pháp triển khai các nhiệm vụ theo quy định. Bên cạnh những thuận lợi đó, Hà Nội cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức đòi hòi các cơ quan trong khối tư pháp phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ ưu tiên số 1 là đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
 
Nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các bộ luật mới có hiệu lực pháp luật, đồng chí cũng lưu ý đến việc đổi mới nội dung, hình thức, mở chuyên mục hỏi đáp trên báo đài để tuyên truyền chính sách pháp luật một cách dễ đọc, dễ hiểu, gần gũi với nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về chấp hành pháp luật.
 
Bên cạnh việc tích cực tham gia đóng góp văn bản pháp luật, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động bổ trợ tư pháp, tăng cường giáo dục về chính trị tư tưởng, trình độ tin học, ngoại ngữ cho cán bộ làm công tác bổ tợ tư pháp nói riêng và đội ngũ cán bộ ngành tư pháp nói chung, đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch vững mạnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả “Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.
 
Đặc biệt, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan để đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, công tác thi hành án đảm bảo kế hoạch công tác đã đề ra: tập trung điều tra, truy tố, xét xử án điểm, án lưu động phục vụ yêu cầu chính trị địa phương và răn đe, phòng ngừa tội phạm. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao.
 
Cho rằng nhiệm vụ 2018 vô cùng nặng nề, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý các đơn vị theo sự phân công của Ban chỉ đạo cần triển khai nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t