Nghi lễ rước vua độc đáo tại Lễ hội Đền Sái, huyện Đông Anh (19:49 01/02/2023)


HNP - Ngày 1/2 (tức ngày 11 tháng Giêng Âm lịch), tại làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, UBND huyện Đông Anh đã tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Sái - Xuân Quý Mão 2023 với nghi lễ rước vua, chúa là người thật, độc đáo "có một không hai" trong các lễ hội truyền thống của người Việt.  

Nghi lễ vua, chúa và 4 vị đại thần làm lễ bái tại đình làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh


Tham dự buổi lễ có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Đặng Thị Phương Hoa; Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh cùng đông đảo người dân và du khách thập phương.
 
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội Đền Sái có nguồn gốc gắn liền với điển tích vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Tương truyền rằng trong suốt quá trình nhà vua xây thành, cứ đều đặn ngày đắp đêm lại bị đổ nên mãi mà thành vẫn chưa thể xây xong. Việc này là do yêu ma Bạch Kê Tinh (tinh gà trắng) phá hoại. Vốn dĩ tinh gà trắng ban ngày trú ẩn nơi núi Thất Diệu và chỉ xuất hiện, phá hoại việc xây thành khi trời chập tối mà thôi. Nhà vua vốn không biết làm thế nào để tiêu diệt yêu tinh, bèn lập đài cầu khẩn thần linh, lúc này liền được Huyền Thiên Chấn Vũ sai thần Kim Quy hiện ra mách kế chém giết tinh gà trắng để việc xây thành có thể được hoàn thành. Để tưởng nhớ công đức của Huyền Thiên Chấn Vũ năm nào, nhà vua đã xây đền thờ ở đỉnh núi Thất Diệu. Ngôi đền thờ trên đỉnh Thất Diệu ngày ấy chính là Đền Sái ngày nay. Tương truyền răng, đền cũng chính là nơi Huyền Thiên tu luyện năm nào nên còn được gọi với cái tên khác là Vũ Đương Sơn.
 
Người dân náo nức tham gia Nghi lễ rước vua tại Lễ hội Đền Sái
 
Sau này, nhiều đời vua chúa đời sau cũng thường về Đền Sái bái yết vào mỗi độ Xuân về. Thế nhưng, bởi vì nhận thấy việc đi lại quãng đường tương đối xa khá hao phí tiền bạc và cả công sức của người dân nên vua đã ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả. Từ đó trở đi, lễ hội Đền Sái đã được tổ chức đều đặn mỗi năm một cách trang trọng với đầy đủ những nghi lễ như rước vua, rước chúa và cả hoạt động chém tinh gà trắng cực thú vị và độc đáo.
 
Phát biểu buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, Lễ hội Đền Sái với nghi thức rước vua chính là dịp để mỗi người dân, mỗi du khách được giao lưu, cộng cảm và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc để mỗi người gửi vào đó tình cảm và khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, giá trị hơn. Đó không chỉ là nét đẹp, mà còn là tài sản vô giá cần được bảo lưu, trao truyền, gìn giữ, phát huy.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám phát biểu khai mạc Lễ hội Đền Sái
 
“Lễ hội Đền Sái - Xuân Quý Mão 2023, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giáo dục về truyền thống văn hoá tốt đẹp của quê hương. Đây chính là nền tảng vững chắc để mỗi người dân xã Thụy Lâm nói riêng, huyện Đông Anh nói chung cùng chung tay, góp sức, đồng lòng đoàn kết xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp văn minh” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh nhấn mạnh.
 
Di tích lịch sử Đền Sái, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1986, là nơi thờ đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ có công giúp vua Thục - An Dương Vương xây thành Cổ Loa, với nghi lễ rước vua giả độc đáo, từ đó, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường của các thế hệ người Việt Nam. Theo kế hoạch của Ban Tổ chức, lễ hội Đền Sái - Xuân Quý Mão 2023 sẽ được tổ chức đến hết ngày 15 tháng Giêng Âm lịch.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t