Chuyện của “nhà khoa học” chân đất (14:17 25/12/2009)


HNP - Anh nói: “Chỉ vì cần một nghề để nuôi sống vợ con trong lúc cảnh nhà quá khó khăn mà tôi nghĩ ra nó. Nguồn nguyên liệu đã có sẵn, mình chỉ cần động não là có thu nhập cho gia đình. Lại còn giúp cải tạo môi trường”. “Nó” là cách nói nôm na khi anh nhắc về cái nghề đã khiến gia đình anh lao đao suốt một thời gian dài trước khi chính thức trở thành chiếc “cần câu cơm” hiệu quả. Đây là câu chuyện nhỏ của anh Nguyễn Phi Sinh, người mới chỉ “kinh qua” chương trình giáo dục lớp 7, nhờ ham sáng tạo, học hỏi, có lòng tin, mà anh được mệnh danh là “nhà khoa học” của xã nghề Dương Liễu (Hoài Đức).

Thuận vợ, thuận chồng
Không sinh ra ở một làng quê nghèo khó, nhưng cũng phải chật vật lắm, anh Sinh và vợ mới “gánh” nổi một gia đình bằng nghề nấu mạch nha cha ông truyền lại. Về sau, số người làm nghề này tăng lên, nguồn hàng cạn dần, khiến đời sống gia đình anh càng trở nên khó khăn. Bao ngày trằn trọc, băn khoăn tìm nghề mới để cải thiện kinh tế gia đình, từ những phát hiện tưởng chừng rất “vớ vẩn”, anh Sinh đã nảy ra ý định chế biến phân vi sinh từ chất thải dong riềng, những thứ vốn đầy rẫy ở Dương Liễu từ khi xã có nghề chế biến nông sản. Nghĩ là làm, anh bắt đầu thức đêm nghiên cứu cách pha chế, tinh lọc bùn thải thành chất phân bón có ích bằng những phương pháp rất nông dân - không có đề án, đồ nghề cũng không. “Tôi lấy bùn về phơi, ép nước bằng kích rồi đem trộn với các chất để có thể tách được lượng hữu cơ trong bùn ra khỏi các chất có hại cho cây trồng, rồi thử đem bón cho cây, bước đầu chỉ có thế”. Sau vài lần tự mày mò, làm thử, thấy có hiệu quả, anh “đánh bạo” nói với vợ về ý tưởng kinh doanh “mặt hàng” mới của mình.
Vợ anh Sinh, như lời anh mô tả, là một phụ nữ chất phác, rất sợ kinh tế thị trường, sợ làm cái nghề chưa ai làm ở xã này, đã giãy nảy lên, nước mắt giàn giụa khi lần đầu nghe chồng rủ rỉ trình bày “kế sách” làm giàu từ đống bã bùn, chất thải. Chị nói: “Làm sao mà không lo khi ai cũng nghĩ có dở hơi mới mong kiếm tiền từ cái đồ bỏ đi ấy. Thế mà rồi thấy anh ấy quyết tâm quá tôi cũng đành liều nghe theo. Các cụ đã nói thuận vợ, thuận chồng mà”.
Mặc cho hàng xóm chê cười là gàn dở, là “chả giống ai”, vợ chồng anh thế chấp ngôi nhà đang ở cho ngân hàng được 60 triệu đồng, bỏ 40 triệu mua máy móc, thiết bị, còn 20 triệu giắt lưng làm vốn, chính thức khởi nghiệp chế biến bùn thành phân bón cho cây trồng. Hàng ngày, mấy bố con anh Sinh xoay trần ra mương, múc bùn lên, xe về, phơi khô rồi đem trộn với các chất phụ gia như lân, vôi bột, kali, sau khi đem xay nhuyễn, trộn với các chất vi sinh khác, hỗn hợp trên được đưa vào máy vo viên rồi cho đóng bao. Trung bình mỗi ngày làm cật lực, gia đình anh sản xuất được 3-4 tấn. Sản phẩm được hoàn thiện, được Chi cục Đo lường chất lượng công nhận, cho phép sản xuất với tên gọi cơ sở sản xuất “phân bón hữu cơ tổng hợp Trường Sinh”. Song gia đình anh vẫn chưa hết gian nan, để đưa được sản phẩm ra tiêu thụ ngoài thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận là cả một khó khăn dài phía trước.
Liệu cái khó có bó cái khôn?
“Một bao phân tốt sẽ tốt cho cây trồng. Nhưng nếu không tốt thì không những không cho hiệu quả mà thậm chí còn gây hại cho cả vụ mùa”. Hiểu được quy luật ấy nên từ những ngày đầu mới chân ướt chân ráo đem sản phẩm phân vi sinh xâm nhập vào thị trường, anh Sinh đã chấp nhận giải pháp giới thiệu hàng bằng cách vừa bán, vừa cho, dùng trước trả tiền sau. Cách làm không phải người kinh doanh nào cũng dám thực hiện. Hàng ngày trên chiếc xe đạp cọc cạch, anh và tải phân vi sinh len lỏi đến các vùng quê của huyện Hoài Đức, trao sản phẩm đến tận tay người dân, với cam kết không hiệu quả không lấy tiền. Khi được hỏi “Sao anh “chịu chơi” thế?”. Anh Sinh liền bật cười, thật thà giải thích: “Lúc đó chẳng còn cách nào. Họ dùng cho mình là may đấy. Nhiều người lần đầu tiên thấy sản phẩm mới còn e ngại. Có người còn cho là hàng rởm, hàng nhái, cương quyết không dùng”.
Lúc sản phẩm của gia đình anh bắt đầu có những phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng thì cũng đến thời hạn anh phải trả nợ cho ngân hàng mà trong nhà không còn một xu. Đến lúc này, hàng xóm nhà anh chẳng còn hiểu ra làm sao nữa khi thấy ngân hàng đến niêm phong nhà mà mấy bố con anh vẫn lì lợm ngồi làm. “Lúc ấy nghe loa đài đọc thông báo ầm ầm, mình cũng hoảng lắm chứ, nhưng thấy được kết quả rồi mà còn buông xuôi thì tiếc lắm”. Cả nhà anh dọn xuống gian bếp với quyết tâm sống, chết với nghề, còn cao hơn trước. Cứ thế, sản phẩm phân vi sinh của gia đình anh đều đặn ra đời và ngày càng được nhiều người sử dụng. Đến nay, trung bình mỗi năm gia đình anh cho xuất xưởng từ 800-1000 tấn phân vi sinh. Nhà đã lấy lại, kinh tế gia đình anh cũng khá dần lên. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục nghiên cứu cho ra đời sản phẩm nước tưới cây cho các loại cây trồng lấy lá như chè, rau, quả… cho năng suất cao. Sản phẩm được chiết xuất từ nước thải lấy trực tiếp ở các xưởng miến.
Thay cho lời kết
Nghề mới của gia đình anh Sinh không chỉ giúp tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phương, mà còn góp phần không nhỏ vào việc làm trong sạch môi trường làng nghề. Có công việc ổn định, anh Sinh không quên những ngày đầu khởi nghiệp, bên cạnh sự hậu thuẫn của gia đình, người thân, anh còn nhận được sự động viên, giúp đỡ kinh nghiệm từ những kỹ sư của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp I, những người đã góp phần không nhỏ vào những thành công ngày hôm nay của anh.
 


Thanh Thủy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t