Cô Lê Thị Hòa - Người thầy tâm huyết với trẻ em đặc biệt (14:07 31/10/2019)


HNP - Cô giáo Lê Thị Hòa, giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - người giáo viên đầy tâm huyết và có tình thương bao la với trẻ khuyết tật. Cô là 1 trong 10 công dân Thủ đô được tôn vinh tại lễ vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019.

Cô Lê Thị Hòa hướng dẫn học sinh khuyết tật làm bài


Cô Lê Thị Hòa hiện là giáo viên dạy lớp 2 Trường Tiểu học Đông Sơn (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), đồng thời, là Tổng phụ trách đội của nhà trường. Ở vai trò nào, cô Hòa cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ năm 2002 đến năm 2007, cô Hòa mở lớp dạy cho các trẻ khuyết tật không có khả năng đến trường tại nhà mình, ở thôn Quyết Hạ, xã Đông Sơn. Khi đó, lớp học có 14 trẻ theo học. Dần dần, bà con trong vùng có con bị khuyết tật tìm đến học ngày càng đông.
 
Cô Hòa chia sẻ: Một lần đi lễ chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ), cô ngỏ ý xin mượn nhà khách của chùa để dạy cho các con đỡ chật chội. May mắn thay, sư thầy trụ trì Thích Đàm Tiền hiểu được tấm lòng từ bi và nhiệt huyết của cô đã nhất trí, đồng thuận. Và thế là, vào tháng 9/2007, 16 trẻ khuyết tật và 28 học sinh học kém của Trường Tiểu học Đông Sơn đã có một lớp học rộng hơn, yên tĩnh hơn. Qua một năm học, 28 cháu học kém đã đọc thông viết thạo, các cháu học sinh khuyết tật cũng tiến bộ cả về học thức lẫn hiểu biết các kỹ năng mềm. Tiếng lành đồn xa, số học sinh trong lớp cứ dần nâng lên đến 32 học sinh của 9 xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
 
"Có những lúc tưởng chừng như không thể duy trì được lớp học vì nhiều phụ huynh không giữ được sự bền bỉ, sinh ra nản. Các con lại hay đau ốm, thường xuyên phải đi bệnh viện. Sách vở cũng thiếu, đồ dùng học tập không có, cô trò nhìn nhau rớt nước mắt. Nhưng chính sự giúp đỡ của các phật tử, sinh viên tình nguyện, đặc biệt là sự động viên hàng ngày, thường xuyên của sư thầy Thích Đàm Tiền đã là nguồn động lực mạnh mẽ, thôi thúc tôi giữ lớp", cô Hòa tâm sự. 
 
Đến nay, lớp học của cô Hòa đã có 63 học sinh ở cả các huyện lân cận, theo học vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Một số giáo viên nghỉ hưu cũng đến tham gia giúp cô Hòa trong các buổi học. Nhiều học sinh nhà xa cũng đăng ký theo học như em Nguyễn Thùy Dung ở huyện Đan Phượng, nhà cách lớp 23km, được bố mẹ đưa đến lớp và hiện nay đã đọc thông viết thạo; em Đỗ Văn Tuấn ở huyện Mỹ Đức, cách lớp 20km cũng không nghỉ buổi nào, luôn đến lớp với tâm trạng vui vẻ. Ngoài ra, còn nhiều em không thể tự đi lại được, bố mẹ đưa đến lớp bằng xe lăn như em Hoàng Thị Hà, 26 tuổi cách lớp học 7km; em Đỗ Thị Tư, 24 tuổi, cách lớp 5km… Nhiều em ở nhà, bố mẹ rất khó bảo, nhưng với sự tận tình, nhiệt huyết của cô, các con tin tưởng ở cô nên việc học tập của các con tiến bộ rõ rệt. Có 2 em đã đi làm được với mức lương gần 3 triệu đồng là cháu Nguyễn Thị Miền, sinh năm 1986; cháu Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1983.
 
Cô Lê Thị Hòa cũng chia sẻ thêm: "Có nhiều người hỏi tôi lấy đâu ra sức lực và thời gian để vừa hoàn thành công việc ở trường, vừa dạy các con vào 2 ngày cuối tuần, lại còn chăm sóc gia đình của mình. Nhiều người còn cho rằng tôi không bình thường. Rồi ngay cả trong gia đình tôi cũng lời ra tiếng vào. Những lúc ấy, tôi chỉ nghĩ rằng mình cần giữ cho mình một chữ "Nhẫn". Còn ai đó nghi ngại, thời gian sẽ cho họ câu trả lời".
 
12 năm, cô Lê Thị Hòa gắn bó với các con. Có những con bệnh rất nặng về trí tuệ, cũng có con bị khuyết tật vận động, không thể hòa nhập ở trường. Với mỗi con, cô đều có cách tiếp cận riêng. Từ nơi này, bao nhiêu đứa trẻ đã biết đọc, biết viết, biết ca hát, biết vâng lời. Cũng từ nơi này, bao nhiêu gia đình đã rơi nước mắt khi chứng kiến sự tiến bộ của con mình mà tưởng như đã là những đứa trẻ bỏ đi.
 
Không chỉ tham gia giảng dạy lớp học tình thương, cô Lê Thị Hòa còn tham gia tổ chức các hoạt động từ thiện như: Xây nhà tình nghĩa, tổ chức quyên góp động viên giúp đỡ các bạn học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tập và tổ chức các phong trào với trị giá hàng trăm triệu đồng. Quá trình công tác và những việc làm của cô đã được địa phương, các đoàn thể và thành phố Hà Nội ghi nhận, vinh danh qua nhiều năm.
 
"Những việc tôi làm thật sự nhỏ bé, không mong chờ sự đền đáp của bất kỳ ai. Chỉ cần nhìn thấy sự tiến bộ của các con hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, như vậy là đủ. Những tiến bộ ở trẻ khuyết tật thật sự rất đáng quý, đó là sự mong chờ, khao khát của những gia đình thiếu may mắn. Tôi tin, đó cũng là sự mong chờ của toàn xã hội trước những mảnh đời éo le, thiệt thòi", cô Lê Thị Hòa chia sẻ.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t