Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn huyện Thường Tín (21:37 19/06/2023)


HNP - Chiều 19/6, Đoàn giám sát của Ban Văn hoá-Xã hội, HĐND Thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Thường Tín về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn. 

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Đình Vân La, xã Hồng Vân


Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND huyện Thường Tín cho biết, huyện có một quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ. Toàn huyện có 462 công trình tôn giáo và tín ngưỡng, trong đó, có 126 di tích được xếp hạng (61 xếp hạng cấp Quốc gia, 65 xếp hạng cấp Thành phố, nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như Chùa Đậu; Đền, bến Chương Dương; Nhà thờ Nguyễn Trãi... Gắn với di tích là Lễ hội; có những lễ hội tiêu biểu đặc sắc như: Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), lễ hội làng Từ Vân (xã Lê Lợi), lễ hội chùa Mui (Tô Hiệu), lễ hội Chùa Đậu (Nguyễn Trãi), lễ hội Đền Bộ Đầu (Thống Nhất)...
 
Thường Tín không chỉ nức tiếng là "đất Danh hương", huyện anh hùng, nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, nhiều vị khoa bảng, nhiều tấm gương anh hùng qua các giai đoạn lịch sử cách mạng, mà còn là mảnh đất trăm nghề. Toàn huyện có 126 làng cổ có nghề, trong đó, có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống, 1 làng nghề được công nhận là làng nghề Hà Nội. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: Lược sừng Thụy Ứng, bánh dày Quán Gánh, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, Thắng Lợi, tiện Nhị Khê, chạm đá Nhân Hiền...Hiện tại trên địa bàn huyện được UBND thành phố Hà Nội công nhận 4 điểm du lịch: Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề Lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm.
 
Xác định thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch của huyện là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh gắn liền với làng nghề truyền thống, trong những năm qua, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh phát triển du lịch. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thường xuyên đăng tải các nội dung văn bản phổ biến Luật Du lịch, các chính sách pháp luật liên quan đến du lịch và giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch của huyện.
 
Thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển du lịch, hằng năm UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các di tích xuống cấp trên địa bàn làm căn cứ thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo và bảo tồn phát huy giá trị di tích, lưu giữ truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc. Chỉ tính riêng năm 2022, huyện đã có chủ trương hỗ trợ tu sửa cấp thiết chống xuống cấp đối với 12 di tích với tổng số tiền trên 7,6 tỷ đồng.
 
Bên cạnh nguồn đầu tư, hỗ trợ chống xuống cấp từ ngân sách huyện và Thành phố, các địa phương, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã huy động các nguồn xã hội hóa, phát tâm công đức và nhân dân đóng góp hàng vạn ngày công lao động cho công tác tu bổ, tôn tạo tại các di tích. Nhiều di tích được bảo tồn, tu bổ đảm bảo các yêu cầu về khoa học, tính nguyên gốc và phát huy tốt giá trị, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời, khai thác có hiệu quả cho phát triển du lịch. Điển hình như nhà bia Nguyễn Ý, chùa Vân La (xã Hồng Vân), khu lăng đá Quận Vân (xã Vân Tảo), nhà thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê)…
 
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Thường Tín
 
Huyện đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Đoàn FAM đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng thêu Quất Động, Thắng Lợi, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, làng nghề lược sừng Thụy Ứng, làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điển…và khu vực phụ cận để phát triển du lịch. Xây dựng các tuyến du lịch làng nghề gắn với tham quan các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, các khu sinh thái để thu hút khách du lịch.
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tiếp tục được huyện quan tâm. Cụ thể, huyện đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ xã, thị trấn tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện khi tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch đến tham quan. Xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Du lịch để mở lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại điểm cho các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Đến nay, đã có 14 hướng dẫn viên tại điểm được cấp thẻ…
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, UBND huyện Thường Tín cho rằng, việc khai thác tài nguyên du lịch chưa mang lại hiệu quả tương xứng. Việc triển khai các đề án phát triển du lịch, đầu tư tôn tạo các di tích còn chậm; nguồn nhân lực của cơ sở tham gia dịch vụ du lịch phát triển tự phát, chưa có cơ sở kinh doanh lữ hành chuyên nghiệp, hạ tầng cho du lịch nhất là tại các làng nghề chưa được đầu tư do thiếu nguồn vốn, cơ sở lưu trú còn thiếu và chưa đồng bộ… Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề. Hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế.
 
Từ những tồn tại nêu trên, UBND huyện Thường Tín đề nghị Sở Du lịch hỗ trợ công tác xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các tour du lịch để khai thác tối đa tiềm năng du lịch huyện. Tổ chức các diễn đàn về kinh nghiệm quản lý, và phát triển du lịch và tham quan các mô hình làm du lịch giỏi trên địa bàn Thành phố. Tập huấn thường xuyên theo các chuyên đề công tác quản lý nhà nước về du lịch cho cán bộ làm công tác du lịch.
 
Huyện cũng đề nghị UBND Thành phố hỗ trợ, đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện Thường Tín.
 
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá huyện Thường Tín đã quan tâm đến lĩnh vực du lịch, từ đó, đã có chuyển biến tích cực. Thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị huyện tập trung rà soát quy hoạch, xác định rõ những nội dung quy hoạch lớn, những khu đất lớn phát triển du lịch như khu vui chơi giải trí, làng nghề. Bên cạnh đó, cần quan tâm quy hoạch tại từng địa điểm hiện nay, trên cơ sở đó định hướng về hạ tầng, bãi đỗ xe... phục vụ phát triển du lịch. Cần định vị lại sản phẩm du lịch của huyện trong thời gian tới để tập trung nguồn lực và có cơ chế chính sách phát triển. 
 
Đoàn giám sát cũng đề nghị huyện quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án Thành phố đã hỗ trợ đầu tư; Khắc phục ô nhiễm môi trường để phát triển kinh tế xanh. Tập trung quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch, hướng dẫn hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, chuyển đổi số... với cách thức mới, trên nền tảng mới của công nghệ.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t