Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 7/9 đến ngày 14/9/2020 (20:24 17/09/2020)


HNP - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày 7/9 - 14/9/2020, như sau:

1. Hoạt động chỉ đạo, điều hành chung

Tuần qua (7/9-14/9/2020), UBND Thành phố đã tiếp nhận, xử lý công việc tại 1.629 văn bản hành chính nhà nước; giải quyết 68 hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận mới; tiếp 99 lượt công dân (156 người); tiếp nhận 272 đơn khiếu nại, tố cáo, đã xử lý: 312 đơn. Các đồng chí Lãnh đạo UBND Thành phố đã phê duyệt 812 văn bản chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực, cụ thể:

- Lĩnh vực kinh tế: chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp Thành phố và kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách Thành phố năm 2021. Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác phòng vệ thương mại. Thực hiện hỗ trợ giảm giá nước sinh hoạt cho một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2025. Phê duyệt các quyết định: bổ sung kinh phí tăng trưởng sản xuất nông nghiệp năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thừa nhận xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

- Lĩnh vực đô thị: chỉ đạo triển khai trang trí phục vụ các sự kiện lớn của Thành phố: kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 4 tháng cuối năm 2020. Khắc phục sự cố hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông có tính chất cấp bách trên địa bàn thành phố Hà Nội. Triển khai hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và điện lực trung, hạ áp trên các tuyến phố. Thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học. Tiếp tục thực hiện kế hoạch chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ban hành các quyết định: giao đất; giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại; thông báo kết luận nội dung tố cáo/thụ lý giải quyết khiếu nại tố cáo/không giải quyết lại tố cáo đối với một số công dân.

- Lĩnh vực văn hóa - xã hội: Phê duyệt danh sách người nước ngoài nhập cảnh vào làm việc tại Hà Nội. Chỉ đạo phương án cách ly các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh làm việc tại Hà Nội. Hướng dẫn y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày). Đôn đốc tiếp tục xử lý kiên quyết, triệt để sự cố an toàn thực phẩm đối với sản phẩm do Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới sản xuất. Tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội. Triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động và quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020. Phê duyệt Kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn Hà Nội. Ban hành các quyết định: phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa Trung tâm điều dưỡng người có công số II Hà Nội, cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội và Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội

- Lĩnh vực nội chính: phê duyệt các quyết định quy định số lượng và một số nội dung về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội; phê duyệt chỉ tiêu và kế hoạch thi tuyển công chức làm việc tại sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố năm 2020; công bố danh mục TTHC, TTHC bị bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

2. Một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật

1.720 TTHC đủ điều kiện triển khai DVCTT mức độ 3, 4 của Thành phố

Ngày 11/9/2020, UBND Thành phố báo cáo Bộ Nội vụ công tác cải cách hành chính (CCHC) quý 3 năm 2020 như sau:

Quý III/2020, Đoàn kiểm tra của Thành phố đã kết hợp kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất không báo trước đối với 26 cơ quan, đơn vị Thành phố, trong đó kiểm tra chuyên đề về nội dung PAPI, SIPAS đối với 12 xã, phường, thị trấn thuộc 6 quận, huyện (tiếp cận nắm thông tin thực tế tại 3 thôn, tổ dân phố); kiểm tra CCHC tại quận, huyện và các xã, phường, thị trấn trực thuộc 14 đơn vị. Thực hiện kiểm tra công vụ đột xuất đối với 04 đơn vị và kiểm tra theo chỉ đạo UBND Thành phố đối với 02 vụ việc. Kết quả kiểm tra cho thấy việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức; việc tiếp công dân được duy trì ổn định; không có phản ánh kiến nghị về thái độ ứng xử không phù hợp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra cơ bản chấp hành nghiêm chỉnh thời gian làm việc theo quy định. Công tác tiếp công dân được quan tâm thực hiện. Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đều có lịch phân công cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức và người lao động làm việc luân phiên trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhằm đảm bảo giải quyết hồ sơ cá nhân, tổ chức theo yêu cầu công việc, phù hợp với yêu cầu chống Covid-19 trong giai đoạn mới.

Công tác cải cách thể chế tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thành phố. UBND Thành phố đã ban hành một số VBQPPL liên quan phát triển kinh tế, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo sự đột phá về thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; tư vấn cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (mạng lưới tư vấn viên); phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV; DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

Thành phố đã ban hành các Quyết định thông qua phương án đơn giản hóa TTHC, công bố Danh mục TTHC, các quy trình giải quyết nội bộ TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế trên một số lĩnh vực: Ngoại vụ (thông qua 03 phương án đơn giản 03 TTHC), Văn hóa và Thể thao (công bố 112 TTHC), Giao thông Vận Tải (công bố danh mục 06 TTHC lĩnh vực đường bộ), Tài chính (công bố danh mục 12 TTHC) , Tài nguyên và Môi trường (phê duyệt 30 quy trình giải quyết nội bộ TTHC).

Tính đến 31/8/2020, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính thuộc Thành phố (không bao gồm các đơn vị hiệp quản) là: 1813 TTHC. Tổng số TTHC đủ điều kiện để triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 của Thành phố là 1.720 TTHC; tổng số DVCTT mức 3, 4 của Thành phố đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là: 1.671/1.720 TTHC (bao gồm các DVCTT của Bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai), đạt tỉ lệ 97%, trong đó, DVCTT mức độ 3 là: 1227 TTHC; DVCTT mức độ 4 là: 444 TTHC. Việc giải quyết hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên Thành phố thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế).

Thành phố tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Kết quả, đã sáp nhập Ban Quản lý dự án (quy hoạch kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp; sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giảm từ 21 trường còn 10 trường, giảm 11 trường (đạt tỷ lệ 52,4%), phương án sắp xếp các cơ sở bảo trợ xã hội (từ 12 cơ sở còn 05 cơ sở, giảm 07 cơ sở, tỷ lệ 58,3%); sắp xếp, chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đổi tên và quy định lại chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn từ Trung tâm Vận chuyển cấp cứu Hà Nội sang Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội; bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội.

Trang trí hoa, cây cảnh, tuyên truyền cổ động chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội

Thực hiện các kế hoạch của UBND Thành phố, UBND Thành phố ban hành văn bản số 4439/UBND-ĐT, ngày 14/9/2020, chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai công tác trang trí phục vụ các sự kiện lớn của Thành phố: Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội như sau:

1. Yêu cầu UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây:

- Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ tại các kế hoạch của UBND Thành phố, phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành có liên quan.

- Tổ chức trang trí hoa, cây cảnh, tuyên truyền cổ động tại các khu vực trên địa bàn (không bao gồm các khu vực, vị trí do Thành phố thực hiện) để chào mừng các sự kiện: Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10; kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội bằng nguồn ngân sách của các quận, huyện, thị xã, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả theo Kế hoạch đã lập; thực hiện phương án bảo vệ cho cây hoa, cây cảnh, khẩu hiệu tuyên truyền,... được trang trí tại các khu vực trên địa bàn, không để xảy ra các hiện tượng xâm hại, trộm cắp.

- Vận động nhân dân, trụ sở các cơ quan, đơn vị kinh doanh có mặt tiền trên các tuyến đường, tuyến phố tại địa bàn thực hiện xã hội hóa việc trang trí cây hoa, cây cảnh tăng không gian xanh làm đẹp cảnh quan đô thị, đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, phố, đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng.

- Công tác tăng cường trang trí, tuyên truyền phục vụ Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện theo hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao tại Kế hoạch số 261/KH-SVHTT ngày 02/7/2020.

2. Yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện việc trang trí cây hoa, cây cảnh phục vụ các sự kiện lớn theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 325/TB-VP ngày 31/8/2020.

3. Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì kiểm tra công tác trang trí do UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phục vụ các sự kiện, ngày lễ kỷ niệm.

Hỗ trợ giảm giá 100% cho một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Báo cáo Bộ Tài chính tình hình và kết quả thực hiện giảm giá nước sạch sinh hoạt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại văn bản số 4437/UBND-KT ngày 14/9/2020, UBND Thành phố báo cáo: trên cơ sở đề xuất của 11 công ty cấp nước (chiếm 95% sản lượng nước sạch cung ứng cho Thành phố) và Sở Tài chính, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 4305/UBND-KT ngày 07/9/2020 gửi các đơn vị cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai thực hiện việc hỗ trợ giảm giá nước sinh hoạt cho một số đối tựợng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể như sau: Thống nhất đề xuất của các đơn vị cấp nước về việc hỗ trợ để giảm giá cho một số đối tượng là các công ty cấp nước sạch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19:

- Hỗ trợ để giảm giá 100% cho một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm: các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn Thành phố; các hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo quy định của thành phố Hà Nội) ở mức sinh hoạt 1 (tối đa 10 m3/hộ gia đình). Thời gian thực hiện: 3 tháng (tháng 4 ,5 ,6 ) và sẽ được hỗ trợ để giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiếp theo.

- Nguồn kinh phí hỗ trợ: các doanh nghiệp cấp nước tự đảm bảo, ngân sách không cấp bù.

- Phương thức hỗ trợ: các đơn vị cấp nước hỗ trợ để giảm giá trực tiếp cho đối tượng hỗ trợ thuộc phạm vi cấp nước của từng đơn vị. Đối với các đơn vị lưu thông mua nước từ đơn vị cấp nguồn (Công ty cổ phần nước mặt Sông Đà, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống,...) thì chi phí sản xuất, lưu thông nước sạch cho sản lượng nước hỗ trợ được phân bổ cho cả đơn vị sản xuất và lưu thông theo nguyên tắc mỗi đơn vị tự cân đối phần chi phí thuộc đơn vị mình.

UBND Thành phố đề nghị:

- Các đơn vị cấp nước: tổ chức triển khai thực hiện việc hỗ trợ để giảm giá 100% cho một số đối tượng được hỗ trợ, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch.

- UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây cung cấp danh sách các hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các đơn vị cấp nước; tuyên truyền, khuyến khích các đơn vị cấp nước trên địa bàn triển khai thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Thành phố về việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội.

- Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì, thống nhất với Sở Y tế cung cấp danh sách các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế khám chữa bệnh tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn Thành phố cho các đơn vị cấp nước.

11 đơn vị cấp nước thống nhất hỗ trợ giảm giá nước sinh hoạt cho một số đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, Công ty Cổ phần cấp nước Sơn Tây, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước sạch số 3 Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đà, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống, Công ty Cổ phần Đồng Tiến Thành Hà Nam, Công ty Cổ phần cấp nước Tây Hà Nội, Công ty Cổ phần Ngọc Hải.

Bãi bỏ 06 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở NN&PTNT và UBND cấp huyện

Xét đề nghị của Giám đốc Sở NN&PTNT, tại Quyết định số 4044/QĐ-UBND ngày 10/9/2020, UBND Thành phố công bố Danh mục 07 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở NN&PTNT (gồm: 05 thủ tục cấp Thành phố; 02 thủ tục dùng chung cho cấp Thành phố, cấp Huyện); bãi bỏ 06 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện, cụ thể:

Bãi bỏ các TTHC:

- Tiếp nhận bản công bố hợp quy giống cây trồng;

- Cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản (trường hợp Giấy chứng nhận vẫn còn hiệu lực nhưng bị mất, hỏng, thất lạc hoặc có sự thay đổi, bổ sung thông tin trên Giấy chứng nhận (TTHC chung cho cấp sở, cấp huyện);

- Cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản (TTHC chung cho cấp sở, cấp huyện).

- Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối khu rừng thuộc UBND cấp tỉnh quản lý.

- Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh.

- Phê duyệt phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên.

Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị rà soát, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định này, trình Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt theo quy định.

Xây dựng thành công ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Để chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND, ngày 10/9/2020, chỉ đạo triển khai Kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 với một số nội dung chính như sau:

- Chăn nuôi lợn an toàn sinh học: Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt: cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt để diệt được mầm bệnh trong thức ăn; đồng thời, vệ sinh, sát trùng dụng cụ chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.

- Tổ chức nuôi tái đàn lợn: thực hiện theo Quyết định số 972/QĐ-TTg, ngày 07/7/2020, của Thủ tướng Chính phủ: Nuôi chỉ báo với số lượng hợp lý, phù hợp với công suất nuôi của cơ sở để bảo đảm không có dịch bệnh tái phát trong khoảng thời gian ít nhất 21 ngày. Trường hợp nghi lợn bị bệnh, phải khai báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Sau khi nuôi chỉ báo ít nhất 21 ngày, nếu lợn không có biểu hiện bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh DTLCP (áp dụng đối với trường hợp lấy mẫu xét nghiệm), thực hiện nuôi tái đàn thận trọng và có thể nuôi đạt 100% quy mô chăn nuôi của cơ sở.

- Giám sát dịch bệnh.

- Tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh DTLCP theo quy định.

- Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn

- Quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn

- Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng

- Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh: UBND các cấp chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở sản xuất các sản phẩm chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Các doanh nghiệp chăn nuôi có tiềm năng xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh DTLCP: tổ chức nghiên cứu xác định đặc điểm dịch tễ và các yếu tố nguy cơ và quy luật phát sinh, lây lan dịch bệnh; bao gồm cả nghiên cứu kinh tế dịch tễ nhằm đánh giá những tổn thất về kinh tế, chi phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh và lợi ích kinh tế đạt được; đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu bệnh DTLCP ở một số nơi nguy cơ cao.

- Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

- Triển khai các chính sách hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch DTLCP theo đúng quy định của Trung ương và Thành phố.

Các cấp, ngành, đơn vị tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung trên, phấn đấu trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 02 năm đầu thực hiện Kế hoạch; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 02 năm tiếp theo và trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 02 năm cuối thực hiện Kế hoạch. Xây dựng thành công ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn bệnh DTLCP, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn. Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ (theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ) áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Kết quả 01 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn Thành phố

Thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg, ngày 26/11/2018, của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 huyện, quận, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau 01 năm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn Thành phố đạt được một số kết quả sau:

Tổng số lượt cơ sở được thanh kiểm tra: 64.130 cơ sở, số cơ sở vi phạm: 10.318 cơ sở (16,1%), số cơ sở bị phạt tiền: 5.351 (8,3%), số tiền phạt: 10.884.815.000 đồng, nhắc nhở không xử phạt 4.963 cơ sở. Cụ thể:

- Kết quả thanh tra chuyên ngành từ 10/7/2019 đến 10/7/2020: Tổng số cơ sở được thanh tra: 8.119 cơ sở, số cơ sở vi phạm 2.050 cơ sở (25,2%), xử phạt 2.050 cơ sở (25,2%), số tiền phạt 3.768.199.000 đồng.

- Kết quả kiểm tra ATTP từ 10/7/2019 đến 10/7/2020: Tổng số lượt cơ sở được kiểm tra: 56.011 cơ sở, số cơ sở vi phạm 8.268 (14,8%), số cơ sở xử phạt 3.301 cơ sở (5,9%), số tiền phạt 7.116.616.000 đồng.

- Kết quả thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã: Tổng số cơ sở được thanh tra: 1.516 cơ sở, xử phạt 465 (30,7%) cơ sở, số tiền phạt 1.720.000.000 đồng. Kết quả thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến xã, phường, thị trấn: Tổng số cơ sở được thanh tra: 6.603 cơ sở, xử phạt 1.585 cơ sở (24,0%), số tiền phạt 2.047.869.000 đồng.

- Lỗi vi phạm chủ yếu: Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm; Cống rãnh thoát nước khu vực chế biến ứ đọng; không được che kín. Không thực hiện lưu mẫu thực phẩm, kiểm thực 3 bước, khu vực sơ chế, chế biến có côn trùng, động vật gây hại. Nhãn mác chưa đầy đủ nội dung theo quy định.

- Hiệu quả trong quá trình triển khai thanh tra: đã tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP của UBND quận, huyện, xã, phường. Có thêm công cụ mạnh và lực lượng chuyên ngành để quản lý ATTP. Lãnh đạo chính quyền thực sự quan tâm và thấy được trách nhiệm của mình cũng như nắm được tình hình thực trạng ATTP trên địa bàn. So sánh với trước khi tiến hành thí điểm thanh tra (từ tháng 7/2018 đến tháng 7/2019): Số lượng lượt cơ sở được thanh kiểm tra khi triển khai thí điểm ít hơn. Tỷ lệ trung bình các cơ sở vi phạm là tương đương (16%) nhưng tỷ lệ số cơ sở vi phạm bị xử phạt tiền tăng lên (3,3% lên 8,3%), số tiền phạt tăng lên, đặc biệt với tuyến xã, phường. Huy động tại chỗ lực lượng có chức năng nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra ATTP theo kế hoạch và đột xuất để giải quyết vấn đề nóng về ATTP. Kiến thức về ATTP, ý thực thực hiện theo đúng quy trình của cuộc thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng làm công tác quản lý, thanh tra được nâng cao. Kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành ATTP cao hơn, mạnh hơn so với kiểm tra ATTP thể hiện tính răn đe, sự nghiêm khắc trong quá trình thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm. Qua kết quả thanh tra cho thấy thanh tra chuyên ngành ATTP đạt hiệu quả tại tuyến quận, huyện tuyến phường đặc biệt là tuyến quận, tuy nhiên với tuyến xã, thị trấn, đặc biệt là các xã phát triển nông nghiệp là chính còn hạn chế. Do thời gian thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP xuất hiện dịch bệnh COVID-19 các lực lượng tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cần tập trung phòng chống dịch bệnh nên kết quả thanh tra chuyên ngành chưa phản ánh được hết hiệu quả của việc thí điếm thanh tra chuyên ngành ATTP.

Về cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh, đã thực hiện nghiêm túc hơn các quy định của nhà nước về ATTP, chủ động đăng ký xin xác nhận kiến thức, đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP,... tự giác khắc phục các tồn tại sau khi thanh kiểm tra. Các điều kiện ATTP của các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm đã có chuyển biến rõ nét hơn, cơ sở nhận thức phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ và thường xuyên các quy định về ATTP.

Về nhận thức của người dân: hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP nhận được sự ủng hộ cao của người dân. Người dân đã có phản ánh các cơ sở có dấu hiệu vi phạm tới lãnh đạo phường, xã.

Đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Tuy nhiên, hiện nay, số học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đạt 96,07%, trong đó, số sinh viên tham gia BHYT chỉ đạt 91,12%. Để thực hiện tốt chính sách BHYT và đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, góp phần hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95%, UBND Thành phố ban hành văn bản 4445/UBND-KGVX, ngày 14/9/2020, yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các trường Đại học, Cao đẳng và các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT: Tuyên truyền tính nhân văn, ý nghĩa nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHYT, nhất là việc được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng trong quy định, đặc biệt là các bệnh nặng, chi phí cao và trong tình hình dịch bệnh khó lường,... nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, các cơ sở giáo dục trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện BHYT HSSV, đồng thời, để cha mẹ học sinh và HSSV thấy rõ trách nhiệm tham gia BHYT là bắt buộc theo quy định của Luật BHYT.

2. Phân công nhiệm vụ

a) Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động Thương binh và Xã hội: chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện tốt công tác BHYT HSSV theo quy định của Luật BHYT; giao chỉ tiêu tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cho từng trường và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Chỉ đạo Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện BHYT HSSV theo Luật BHYT phải đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia. Đưa chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một tiêu chí đánh giá chất lượng, bình xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể và người đứng đầu các phòng Giáo dục & Đào tạo, các trường học trực thuộc. Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội Thành phố và các cơ quan đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV trên địa bàn, nhất là những HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

b) Sở Y tế: Tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình chuyên môn, kỹ thuật, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-BYT, ngày 09/9/2019, của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh; xử lý nghiêm những trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà cho người bệnh và các trường hợp tiêu cực, vụ lợi cá nhân. Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác y tế trường học; triển khai và duy trì các mô hình điểm góp phần nâng cao sức khỏe học sinh và phòng chống bệnh tật trong trường học.

c) Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội: Hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT; trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu, thù lao đại lý và thực hiện cấp thẻ BHYT cho HSSV kịp thời, đúng quy định. Phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT theo quy định. Xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền phù hợp với đối tượng HSSV, phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về BHYT học sinh, sinh viên. Hàng quý, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố các cơ sở giáo dục chưa đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV trên địa bàn, nhất là những HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

d) Sở Tài chính: Hàng năm xây dựng dự toán để đảm bảo mua thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mua BHYT theo quy định và các đối tượng khó khăn khác được Thành phố hỗ trợ mua thẻ BHYT. Thực hiện chuyển kinh phí ngân sách hỗ trợ mức đóng BHYT của các đối tượng kịp thời theo quy định.

e) Đoàn Thanh niên CSHCM thành phố Hà Nội: Chỉ đạo Bí thư Đoàn các cấp, Chủ tịch Hội sinh viên các trường phát động các phong trào thi đua và tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề giáo dục, phổ biến pháp luật về BHYT đến 100% học sinh, sinh viên. Đưa chỉ tiêu tham gia BHYT là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên các trường. Chỉ đạo các cấp bộ đoàn phát huy tinh thần xung kích, tăng cường vận động nguồn lực xã hội hoặc vận động những HSSV có điều kiện hơn để mua, tặng thẻ BHYT cho HSSV mồ côi, hộ cận nghèo, hoàn cảnh còn khó khăn...

j) UBND các quận, huyện, thị xã: Chịu trách nhiệm chỉ đạo đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT hàng năm. Kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí đánh giá nhiệm vụ chính trị của địa phương và hoàn thành các chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH được HĐND, UBND Thành phố giao.

g) Các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội: Thực hiện nghiêm túc Công văn số 4122/BGDĐT-GDTC ngày 08/9/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chỉ tiêu BHYT học sinh, sinh viên, đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT.

Kiểm tra công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu, từ ngày 15/9 -7/10/2020

Căn cứ Kế hoạch số 174/KH-UBND, ngày 01/9/2020, của UBND thành phố Hà Nội về việc “đảm bảo an toàn thực phẩm Tết trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020”, ngày 14/9/2020, UBND Thành phố đã phê duyệt Quyết định số 4076/QĐ-UBND về việc thành lập 4 Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020; tiến hành kiểm tra từ ngày 15/9-7/10/2020, tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ: Kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động đảm bảo An toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2020 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về An toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát; Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh trung thu, nhân bánh trung thu; Bao bì chứa đựng trực tiếp bánh trung thu..; Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tổng hợp kết quả kiểm tra, các đề xuất, kiến nghị báo cáo về thường trực Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố để tập hợp báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố và sơ, tổng kết thực hiện Kế hoạch.

Cải tạo, sửa chữa Trung tâm điều dưỡng người có công số II Hà Nội

Nhằm đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất để Trung tâm điều dưỡng người có công số II Hà Nội thực hiện công tác nuôi dưỡng thương binh nặng và điều dưỡng luân phiên đối với người có công của thành phố Hà Nội, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4050/QĐ-UBND ngày 10/9/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án: cải tạo, sửa chữa Trung tâm điều dưỡng người có công số II Hà Nội tại quận Hà Đông với các nội dung chính sau:

- Quy mô cải tạo dự kiến: Cải tạo các khối nhà điều dưỡng C1, C2, C3, C4, C5, DI, D2: lát lại nền nhà; trát lại các vị trí tường, trần bị bong tróc ẩm mốc; thay thế cửa hư hỏng; sửa chữa hệ thống điện, nước; xây nhà vệ sinh cho từng phòng; sơn lại toàn bộ nhà. Cải tạo nhà giặt là hấp sấy: lát lại nền nhà; trát lại các vị trí tường, trần bị bong tróc ẩm mốc; thay thế cửa hư hỏng; sửa chữa hệ thống điện, nước; chống thấm mái; sơn lại toàn bộ nhà. Cải tạo hệ thống tường rào.

- UBND Thành phố giao Chủ đầu tư (Trung tâm điều dưỡng người có công số II Hà Nội): Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về phương án, giải pháp cải tạo, sửa chữa đề xuất, tính chuẩn xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu trình bày trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định, phê duyệt. Lập dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trong quá trình lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật liên hệ với các sở, ngành có liên quan để được hướng dẫn, thỏa thuận chuyên ngành theo quy định; đánh giá cụ thể hiện trạng, lựa chọn quy mô, giải pháp kỹ thuật và dự kiến tổng mức đầu tư đảm bảo quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công. Tổ chức quản lý, triển khai dự án phù hợp điều kiện năng lực theo quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Các sở, ngành có liên quan, UBND quận Hà Đông căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hướng dẫn Chủ đầu tư giải quyết các thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành.

Cải tạo, sửa chữa cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội

Ngày 10/9/2020, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4048/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án: cải tạo, sửa chữa cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội tại huyện Ba Vì, với mục tiêu đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất để Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội thực hiện công tác chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, quản lý và tư vấn cho đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS theo quy định.

- Quy mô cải tạo dự kiến: Cải tạo, sửa chữa nhà ở học viên đội 1,2,3: Nhà học viên đội 1 (nhà Cl, C2, C3): lát lại nền nhà; trát lại các vị trí tường bị bong tróc ẩm mốc; chống thấm seno, thay mới ống thoát nước mái; sửa chữa hệ thống điện; thay thế cửa đi, cửa sổ hư hỏng; sơn lại toàn bộ nhà. Nhà ở học viên đội 2, 3: lát lại nền những vị trí bong tróc; trát lại các vị trí tường bị bong tróc ẩm mốc; sửa chữa nhà vệ sinh, hệ thống điện; thay thế cửa đi, cửa số hư hỏng; thay thế các ống thoát nước mái bị vỡ, thấm dột; sơn lại toàn bộ nhà. Cải tạo, sửa chữa 3 nhà tắm cho học viên: xây tường 220, mái đổ bê tông cốt thép, tường trong ốp gạch men, bố trí sen tắm và vòi tắm theo quy định. Cải tạo nhà tiếp nhận học viên: thay mới mái tôn, hệ thống trần nhựa; lát lại nền; trát lại các vị trí tường bị bong tróc ẩm mốc; cải tạo hệ thống điện, nhà vệ sinh; thay thế cửa đi, cửa sổ bằng sắt hư hỏng; sơn lại toàn bộ nhà; lắp đặt hệ cột, vì kèo, xà gồ mái tôn trước nhà tiếp nhận học viên; cải tạo lại khu vực tường rào bị đổ; nâng cấp cống vào khu tiếp nhận học viên. Cải tạo bể chứa nước tắm giặt cho học viên Đội 2; tường rào khu hành chính; nhà để xe cán bộ; khu chăn nuôi.

- UBND Thành phố giao Chủ đầu tư (Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội): Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về phương án, giải pháp cải tạo, sửa chữa đề xuất, tính chuẩn xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu trình bày trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định, phê duyệt. Lập dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trong quá trình lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật liên hệ với các sở, ngành có liên quan để được hướng dẫn, thỏa thuận chuyên ngành theo quy định; đánh giá cụ thể hiện trạng, lựa chọn quy mô, giải pháp kỹ thuật và dự kiến tổng mức đầu tư đảm bảo quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công. Tổ chức quản lý, triển khai dự án phù hợp điều kiện năng lực theo quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Các sở, ngành có liên quan, UBND huyện Ba Vì phối hợp, hướng dẫn Chủ đầu tư giải quyết các thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành.


Văn phòng UBND TP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t