Tập trung giải ngân vốn đầu tư cho công trình sửa chữa, chống xuống cấp, xử lý cấp bách (21:35 27/02/2021)


HNP - Ngày 25/02, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 566/UBND-KT yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiến nghị của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố về tình hình thực hiện, giải ngân đối với các công trình sửa chữa, chống xuống cấp, công trình xử lý cấp bách năm 2020.

Theo đó, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, tham mưu ban hành quy trình, quy định để xác định danh mục và thứ tự ưu tiên các công trình hạ tầng thủy lợi cần thực hiện sửa chữa, chống xuống cấp để bảo đảm kịp thời tu bổ những nơi xung yếu, cấp thiết nhất, tránh phát sinh hư hỏng lớn.
 
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, tham mưu UBND thành phố ban hành quy trình, quy định để xác định danh mục và thứ tự ưu tiên các công trình hạ tầng giao thông cần thực hiện sửa chữa, chống xuống cấp để bảo đảm kịp thời tu bổ những nơi xung yếu, cấp thiết nhất, tránh phát sinh hư hỏng lớn; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, tham mưu UBND thành phố ban hành quy định về trình tự thực hiện xử lý sự cố hư hỏng công trình giao thông khẩn cấp, có tính cấp bách trên địa bàn thành phố.
 
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, khẩn trương rà soát, nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố ban hành chế tài đôn đốc, kiểm tra, giám sát của thành phố đối với việc hoàn thành đầu tư và bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị mới, khu nhà ở của các nhà đầu tư.
 
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, rà soát quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; nghiên cứu, thống nhất tham mưu UBND thành phố điều chỉnh, hoàn thiện phân cấp, phân công trong quản lý nhà nước các lĩnh vực trên địa bàn thành phố để bảo đảm hiệu quả tối đa trong triển khai thực hiện của các đơn vị, trong đó có lĩnh vực giao thông.
 
Đối với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện thị xã chịu trách nhiệm toàn diện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; chủ động hướng dẫn, phối hợp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, chủ động phát hiện các sự cố hư hỏng công trình được giao quản lý, trên cơ sở đó rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên sửa chữa, chống xuống cấp, xử lý cấp bách, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách cấp mình (đối với các công trình do UBND các quận, huyện, thị xã quản lý) để thực hiện theo quy định; báo cáo UBND thành phố theo quy định (đối với các công trình do các sở, ngành quản lý); hạn chế việc phải xử lý cấp bách nhằm bảo đảm đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách nhà nước các cấp.
 
Các sở, ngành và UBND các quận, huyện thị xã tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng đã được UBND thành phố ủy quyền. Các sở, ngành liên quan, sở quản lý xây dựng chuyên ngành rà soát các nội dung hướng dẫn, quy định, quy chuẩn chuyên ngành đảm bảo rõ ràng, cụ thể để các chủ đầu tư thuận tiện hơn trong hoàn thiện hồ sơ thủ tục đầu tư trình duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành; giữa các ngành và các cấp; giữa các ngành, các cấp với chủ đầu tư trong quá trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình tiếp nhận thông tin phản ánh tình trạng công trình, rà soát đánh giá mức độ xuống cấp cần thực hiện sửa chữa của cơ quan mình.
 
UBND thành phố cũng giao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền; phối hợp với các chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chỉ đạo việc lập phương án giải phóng mặt bằng thực sự minh bạch trên tinh thần áp dụng các chính sách có lợi nhất (trong khuôn khổ pháp luật cho phép) cho người dân phải di dời để các dự án, công trình trên địa bàn sớm được bàn giao mặt bằng thi công.
 
Đối với các chủ đầu tư (các sở và UBND các quận, huyện, thị xã với vai trò chủ đầu tư dự án, công trình sửa chữa, chống xuống cấp, xử lý cấp bách): Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, khẩn trương thực hiện thanh quyết toán đối với những hạng mục đã hoàn thành, phấn đấu thực hiện và giải ngân 100% dự toán đã được giao; tự tổ chức đào tạo nội bộ, rút kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ; tổ chức rà soát, sàng lọc các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công để nâng cao chất lượng, tiến độ công tác thiết kế, thi công các dự án tiếp theo. Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công hoàn thành dự án, công trình. Tổ chức kiểm điểm, kiểm soát tiến độ triển khai từng dự án, công trình; rà soát tiến độ thực hiện các hợp đồng của các nhà thầu; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
 
Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng thi công công trình. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán, không để chậm hoặc dồn khối lượng thực hiện và giải ngân vào cuối năm; đối với dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, phải khẩn trương lập, trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán; thanh, quyết toán với nhà thầu theo nội dung hợp đồng đã ký kết; thực hiện chế độ báo cáo, đảm bảo đúng thời hạn, đúng chất lượng.

Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t