Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong chăn nuôi (14:51 12/08/2020)


HNP - Ngày 7/8, UBND Thành phố Hà Nội có Báo cáo số 223/BC-UBND về Kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, về lĩnh vực trồng trọt tập trung phát triển tại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, đậu, cây ăn quả, hoa và cây cảnh; từng bước nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên các cây trồng chủ lực (lúa, cây ăn quả, chè, rau đậu các loại) nhất là đối với sản xuất rau, đậu, cây ăn quả. Khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống để tập trung phát triển cây rau, đậu thực phẩm, cây ăn quả, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng trang trại gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Phát triển sản xuất các giống cây trồng chất lượng cao, giống chống chịu sâu bệnh tốt, các giống cây thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của Thành phố và cả nước. Từng bước giảm dần diện tích đất trồng lúa, chuyển sang trồng rau, đậu thực phẩm, cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị.

Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại có quy mô lớn, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi các khu vực nội thị, các thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chú trọng phát triển con giống, làm trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương khác. Tăng cường công tác giám sát, kiểm dịch bệnh, quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh, buôn bán vật tư, thuốc thú y, nghiêm cấm sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi.

Phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân khoảng 7-8%/năm. Duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản từ 22.500-24.000 ha, trong đó diện tích vùng nuôi trồng thủy sản tập trung khoảng 11.500 ha, đẩy mạnh thâm canh, nâng năng suất bình quân khoảng 14 tấn/ha (vùng tập trung năng suất trung bình đạt 24 tấn/ha), sản lượng 170-210 nghìn tấn. Duy trì mức tăng trưởng lĩnh vực thủy sản bình quân 7-8%/năm. Định hướng phát triển thủy sản tập trung tại các huyện: Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức,... Xây dựng các cơ sở sản xuất giống để đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi trồng trên địa bàn Thành phố và cung ứng cho các tỉnh bạn.

Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện có, tạo môi trường sinh thái bền vững, là lá phổi xanh cho Thành phố. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 6,2%. Đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán, cây ven đường giao thông phấn đấu nâng tỷ lệ cây xanh từ 2-3m2/người hiện nay lên 8-10m2/người vào năm 2025 và đến năm 2030 là từ 10-15m2/người. Phấn đấu nâng mức thu nhập 01ha đất lâm nghiệp lên 60 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030.

Phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại định hướng phát triển HTX nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, từ dịch vụ đầu vào, đầu ra cho xã viên, đến các dịch vụ thương mại, dịch vụ môi trường, kinh doanh; xem xét giải thể hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, quản lý đối với các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ kém hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; phấn đấu đến năm 2025 Thành phố có 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM, có 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đến năm 2030 Thành phố có 80% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Phấn đấu thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên vào năm 2025 và đạt 80 triệu đồng/người/năm trở lên vào năm 2030.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t