Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 25/11-02/12/2019 (09:18 04/12/2019)


HNP - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày 25/11-02/12/2019, như sau:

Đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Năm không” trong cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô
 
Ngày 2-12-2019, UBND Thành phố ban hành Văn bản số 5354/UBND-NC chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị nghiêm túc thực hiện Cuộc vận động "Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực" với 5 yêu cầu trọng tâm sau:
 
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động “Năm không” trong CB, CC, VC Thủ đô, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của CB, CC, VC trong thực thi công vụ, góp phần xây dựng đội ngũ CB, CC, VC trung thành với tổ quốc, tận tụy với nhân dân, có trách nhiệm cao với công việc, có đạo đức công vụ, lối sống lành mạnh. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, hiệu quả của nền hành chính, thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền “Liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
 
- Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện, hành vi vi phạm đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử trong thực hiện công vụ; các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; mỗi các cá nhân có bản cam kết duy trì thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp với công việc được giao, không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tiêu cực.
 
- Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản pháp luật: Lãnh đạo, quản lý  các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm soát, phát hiện những biểu hiện nhằm loại bỏ tư tưởng “cục bộ”, “lợi ích nhóm” trong việc xây dựng các văn bản pháp luật; phải đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên. Kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành về chế độ công vụ, công chức để tham gia sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các các quy định nhằm quản lý chặt chẽ đội ngũ CB, CC, VC. Công khai hóa, chuẩn hóa các TTHC ở các cơ quan, đơn vị, thẩm quyền trách nhiệm của CB, CC, VC để người dân, doanh nghiệp biết, giám sát qua đó nâng cao niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp vào Đảng và Nhà nước. 
 
- Tạo điều kiện bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để công đoàn cùng cấp làm tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả cuộc vận động theo quy định. Gắn việc thực hiện phối hợp thực hiện Cuộc vận động với các cuộc vận động, phong trào khác có liên quan, công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (KhóaXII) và Quy tắc ứng xử của CB, CC, VC và người lao động trong cơ quan Thành phố, các văn bản pháp luật mới…
 
- Phối hợp với tổ chức Công đoàn cùng cấp đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động; đề xuất tôn vinh, khen thưởng kịp thời những cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động.
 
Năm 2019, kiểm tra công vụ đột xuất đối với 28 cơ quan, đơn vị 
 
Báo cáo Thành ủy tại Văn bản số 672/BC-BCS, ngày 26-11-2019, triển khai thực hiện Chủ đề công tác năm 2019 "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã chỉ đạo Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 29-01-2019, về việc tổ chức thực hiện chủ đề công tác năm; chỉ đạo UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2019 và thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra 15 cơ quan, đơn vị, thành lập Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố thực hiện kiểm tra công vụ đột xuất đối với 28 cơ quan, đơn vị; kiểm tra công vụ 04 vụ việc.
 
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND Thành phố đang xem xét đối với các đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên để giao quyền tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Đã ban hành Quyết định số 4111/QĐ-UBND, ngày 31-7-2019, giao quyền tự chủ nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự cho 17 Bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu nhân rộng cho các đơn vị khác nhằm trao quyền chủ động và khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh sang tự chủ chi thường xuyên, giảm biên chế hưởng lương ngân sách.
 
Đối với các tổ chức tự quản tại cấp xã, tính đến 20-11-2019, tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là 55.300 người (trong đó, CB, CC cấp xã là 12.104 người; người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 6.524 người). Thành phố tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tăng cường kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; khuyến khích các xã, phường, thị trấn bố trí kiêm nhiệm chức danh. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố nếu kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm nhằm giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập cho các cá nhân.
 
Về công tác CCHC, Thành phố có nhiều cách làm mới, cách làm hay trong CCHC, được người dân và doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao: Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định thống nhất trong toàn Thành phố việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã được giao cung ứng dịch vụ công ích; ban hành và triển khai Quy định đánh giá và xếp loại hàng tháng đối với CB, CC, VC tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố. Ngoài ra, một số đơn vị, địa phương thuộc Thành phố đã có cách làm hay, mô hình mới sáng tạo nhằm nỗ lực từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp: triển khai việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công tại một số tổ dân phố, mô hình khu dân cư điện tử tại các quận: Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông...; hướng dẫn, tổ chức cuộc thi tìm hiểu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các em học sinh khối trung học cơ sở nhằm thông qua các em học sinh, thực hiện tuyên truyền tới gia đình và cộng đồng dân cư, tạo tiền đề xây dựng “Công dân điện tử” và “Thành phố thông minh”; triển khai cấp Căn cước công, cấp đăng ký mô tô điện, xe máy điện tại các trường học, khu đô thị, khu dân cư tạo điều kiện thuận lợi cho người dân...
 
Về quản lý biên chế, trong năm 2019 (tính đến 20-11-2019), Thành phố đã thực hiện 07 đợt tinh giản biên chế với 240 trường hợp, trong đó, có 219 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, 21 trường hợp cho thôi việc ngay. Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch Thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố Hà Nội và hiện đang xem xét dự thảo Kế hoạch để có hướng chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.
 
Đẩy mạnh triển khai cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020
 
Để chủ động kiểm soát tình hình, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần bình ổn thị trường, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBND, ngày 02-12-2019, về triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 (từ ngày 01/12/2019 - 28/02/2020) trên địa bàn Thành phố với một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
- Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó tập trung triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các mặt hàng cấm và một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. 
 
- Trong công tác thanh tra, kiểm tra, các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã cần chú trọng kiểm tra các mặt hàng thuộc nhóm hàng cấm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán như: vũ khí, ma túy, động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã, vật liệu nổ, pháo nổ, thuốc lá điếu, bóng cười, Shisa, đồ chơi ảnh hưởng tới sức khỏe và nhân cách trẻ em... Nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như: lương thực, thực phẩm, rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, các nguyên liệu, phụ gia dùng để sản xuất chế biến hàng công nghiệp thực phẩm... Nhóm mặt hàng điện tử, điện lạnh, đồ điện gia dụng; thời trang; dược phẩm; hóa, mỹ phẩm; thực phẩm chức năng... 
 
Về địa bàn, kiểm tra tại các điểm tập kết, kho hàng tại các quận, huyện: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên... và trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, phía Nam ra Hà Nội tiêu thụ và ngược lại. Hoạt động vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp giao nhận dịch vụ; các cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài, ga đường sắt quốc tế Yên Viên... 
 
Về các hành vi và phương thức thủ đoạn: Chú trọng kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; Kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, gian lận về đo lường... đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết; Kiểm tra, kiểm soát về công tác ATTP, đặc biệt tập trung vào khu vực siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa hàng đông lạnh, các chợ truyền thống, các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Bám sát địa bàn phát hiện, ngăn chặn kịp thời các đối tượng lợi dụng hàng hóa khan hiếm trong dịp Tết để đầu cơ găm hàng, ép giá, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao để kiếm lời, gây bất ổn thị trường.
 
- Điều tra, xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm; đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát; không trùng lặp nhưng cũng không bỏ sót, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa trên địa bàn Thành phố; thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 17-5-2017, của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
 
- Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ và trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế, Y tế, Nông nghiệp...) để nắm chắc địa bàn, đối tượng, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phân định cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp trên từng địa bàn, lĩnh vực quản lý. 
 
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố. 
 
Công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư công
 
Thực hiện Nghị quyết số 94/NQ-CP của Chính phủ và kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch 2019, UBND Thành phố đã có văn bản số 5303/UBND-KHĐT, ngày 26-11-2019, chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: Giao Sở KH&ĐT tham mưu UBND Thành phố công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án từ khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện, phân bổ, giải ngân và quyết toán các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố, hoàn thành trước ngày 29-11-2019; chủ trì với các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công cấp Thành phố như: thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp… Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung chỉ đạo trên tại địa bàn quản lý. 
 
Các chủ đầu tư, trong tháng 11-2019, hoàn thành các thủ tục thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng XDCB các dự án được giao kế hoạch năm 2019; kịp thời gửi hồ sơ các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để Kho bạc Nhà nước thực hiện ghi thu, ghi chi theo quy định. Các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ về tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB cấp Thành phố và quận, huyện, thị xã đã được Thành ủy, UBND TP chỉ đạo.
 
Thực hiện quyết liệt các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 
 
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTC, ngày 29-8-2019, của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác thu ngân sách phấn đầu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách và nhiệm vụ công tác quản lý thuế năm 2019, chỉ đạo của Thành ủy về việc thực hiện quyết liệt các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước đã giao từ nay đến cuối năm, tại văn bản số 5348/UBND-KT, ngày 02-12-2019, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý thu ngân sách của Thành phố và đơn vị đã đề ra từ đầu năm, trong đó tập trung triển khai quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ sau:
 
- Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước, phòng ngừa tham nhũng, ý thức trách nhiệm trong việc thực thi công vụ; công khai và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kỷ cương, kỷ luật, có thái độ hành vi tiêu cực trong quản lý ngân sách.
 
- Giao UBND quận, huyện, thị xã, các sở, ngành quán triệt thực hiện tốt công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thương mại đầu tư nhằm phát triển kinh tế, tạo nguồn thu vững chắc cho Ngân sách nhà nước. Các cấp, các ngành Thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan trong công tác thu hồi nợ đọng và nợ tiền sử dụng đất; các thành viên Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn về công tác thuế. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính đẩy nhanh công tác rà soát xác định giá đất cụ thể đối với các dự án đã có quyết định giao đất, chuyển mục đích; UBND quận, huyện, thị xã dự kiến có số thu không đạt kế hoạch, thường xuyên tổ chức họp giao ban đánh giá việc thực hiện công tác đấu giá sử dụng đất năm 2019, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có giải pháp quyết liệt để hoàn thành theo kế hoạch được giao. 
 
- Các Cơ quan: Thuế, cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước Thành phố phối hợp, rà soát xử lý và trình các cấp có thẩm quyền xử lý đôn đốc thu kịp thời vào NSNN đối với những khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, những khoản thu khác, thu từ các quỹ của NSNN.. theo đúng chế độ, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phối hợp thực hiện ghi thu – ghi chi kịp thời tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với số tiền nhà đầu tư đã ứng trước để thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật; khấu trừ kịp thời số tiền thuế phát sinh hoặc còn nợ vào NSNN khi thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
 
- UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường phối hợp với cơ quan thuế trong việc quản lý hộ cá nhân kinh doanh, chống thất thu đối với các lĩnh vực xây dựng nhà tư nhân, kinh doanh vãng lai, cho thuê nhà, các hình thức kinh doanh phi truyền thống,… trên địa bàn quản lý.
 
- Cơ quan Thuế, Hải quan tập trung tăng cường công tác thanh kiểm tra, quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, chính sách và pháp luật của nhà nước; thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra… 
 
- Cục Hải quan Thành phố tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tạo thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp nhằm tăng thu cho NSNN, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.  
 
Thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
 
Ngày 28-11-2019, UBND Thành phố ban hành văn bản số 5311/UBND-KT chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi về việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Thanh tra Thành phố kiểm tra, rà soát theo chỉ đạo của UBND Thành phố về việc chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT thành lập đoàn công tác Thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình phòng chống bệnh dịch Tả lợn Châu Phi tại các huyện, tránh để xảy ra tình trạng khai khống lợn mặc bệnh dịch chết để nhận tiền hỗ trợ của Thành phố.
 
Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị rà soát, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh, số liệu lợn buộc phải tiêu hủy và thực thi chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi trên địa bàn Thành phố; tham mưu UBND Thành phố chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo thẩm quyền, đúng quy định các trường hợp sai sót, gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ của nhà nước. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đơn vị rà soát, tổng hợp tình hình sử dụng kinh phí để hỗ trợ cho người chăn nuôi và lực lượng tham gia phòng chống bệnh dịch trên địa bàn; nêu chi tiết những vấn đề đã làm được, tồn tại, bất cập, đề xuất giải pháp khắc phục. 
 
Một số hoạt động đối ngoại nổi bật:
 
1. Chủ tịch UBND Thành phố tiếp đoàn công tác Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)
 
Ngày 25-11, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã tiếp đoàn công tác Cơ quan phát triển Pháp (AFD). Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về việc triển khai các dự án hợp tác trong lĩnh vực: môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tàu điện ngầm, chiếu sáng, bảo vệ di sản,… Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cảm ơn AFD đã đồng hành với Hà Nội trong suốt thời gian qua. Thành phố nhất trí với các nội dung đề xuất của AFD trong việc tài trợ nghiên cứu, tư vấn chuẩn bị cho dự án mở rộng tuyến đường sắt đô thị số 3. Hiện Thành phố đang tích cực triển khai, dự kiến trình xin phê duyệt của Trung ương vào tháng 5-2020, giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục làm việc chặt chẽ với AFD trong dự án này.  
 
Thành phố cũng mong muốn AFD hỗ trợ tư vấn giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí bằng việc đẩy mạnh lắp đặt các trạm quan trắc không khí trên địa bàn; tư vấn nghiên cứu về nguồn gây ô nhiễm trong phạm vi khu vực đồng bằng sông Hồng; xây dựng kế hoạch hành động, giải pháp khắc phục. Qua trao đổi, hai bên thống nhất phối hợp tổ chức một cuộc hội thảo về nghiên cứu khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí và biện pháp cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và cùng đồng hành trong việc khắc phục tình trạng trên. 
 
Về một số dự án hợp tác khác trong việc nghiên cứu xây dựng chợ đầu mối, đẩy mạnh logistics, bảo tồn cầu Long Biên,… Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo giao các cơ quan liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ để triển khai với AFD trong thời gian tới.
 
2. Chủ tịch UBND Thành phố tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam
 
Sáng 26-11, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, nhân dịp nhận nhiệm kỳ mới tại Việt Nam và trao đổi một số dự án hợp tác giữa Hà Nội với Pháp.
 
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác giữa Pháp và Hà Nội. Hiện, Hà Nội là một trong những địa phương của Việt Nam có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với thành phố Ile-de-France và Toulouse của Pháp với nhiều dự án hợp tác về văn hóa, kinh tế…Đây có thể coi là mối quan hệ hợp tác mẫu mực cho mối quan hệ song phương giữa hai bên. Chia sẻ về một số dự án hợp tác giữa Pháp và Hà Nội, ngài Đại sứ đề nghị Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội cần khai thác sớm phần trên không với 8 nhà ga vào năm 2021, đồng thời, phải có đơn vị khai thác, hệ thống vé khi đưa vào vận hành. Ngoài 12 ga đã có từ dự án ban đầu, nếu Hà Nội muốn mở rộng tuyến metro số 3 thì bên Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) sẽ hỗ trợ Hà Nội mở rộng tuyến này.
 
Về dự án cải tạo cầu Long Biên, ngài Đại sứ cho biết, đây là dự án mang tính biểu trưng rất cao, do đó, phía Pháp mong muốn được tham gia tích cực vào dự án cải tạo này. Ngài Đại sứ cho rằng việc cải tạo cần nghĩ đến triển vọng phát triển trong tương lai để thông qua dự án sẽ làm nổi bật giá trị di sản của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngài Đại sứ khẳng định, Đại sứ quán Pháp cam kết ủng hộ sự hợp tác giữa Hà Nội với các đối tác Pháp để thực hiện các dự án trong thời gian sớm nhất.
 
Nhất trí cao với những nội dung ngài Đại sứ chia sẻ, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, về tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, Thành phố sẽ cố gắng hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2020. Việc đưa vào vận hành những ga tàu trên cao là điểm nhấn để Hà Nội chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội vào năm 2020. Hiện nay, Thành phố đã giao cho Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm việc với các nhà thầu để đẩy nhanh các gói thầu, đẩy nhanh tiến độ bàn giao đoàn tàu đầu tiên vào tháng 4,5/2020 và tháng 8 sẽ giao toàn bộ đoàn tàu để đưa vào vận hành thử trước 2 tháng. Về đoạn tuyến từ Ga Hà Nội-Hoàng Mai, Thành phố đã đưa ra lộ trình cụ thể, từ nay đến tháng 5-2020 sẽ trình dự án này ra Quốc hội.
 
Về dự án cải tạo cầu Long Biên, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố sẽ đưa dự án này vào danh mục đầu tư giai đoạn 2021-2025. Qua đó, mong muốn AFD sẽ nghiên cứu tiền khả thi và khả thi cho dự án, sau đó sẽ triển khai. Ngoài những vấn đề trao đổi trên, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất thêm một số nội dung hợp tác cần thúc đẩy mạnh trong thời gian tới như: Việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo; dự án nghiên cứu xây dựng chợ đầu mối mà Hà Nội hợp tác với Rungis, Pháp; việc Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị hợp tác phi tập trung vào năm 2021..
 
3. Chủ tịch UBND Thành phố tiếp Tập đoàn Clermont 
 
Ngày 26-11, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã tiếp và làm việc với ông Richard F. Chandler, Chủ tịch và người sáng lập Tập đoàn Clermont.
 
Tại buổi tiếp, ông Richard F. Chandler đã giới thiệu với Chủ tịch UBND Thành phố các thông tin cơ bản về Tập đoàn Clermont. Đây là tập đoàn kinh tế đa quốc gia có trụ sở chính tại Singapore với hoạt động kinh doanh tập trung vào xây dựng các công ty trong lĩnh vực y tế, tài chính và hàng không. Tập đoàn đã bắt đầu đầu tư tại Việt Nam từ năm 2007 và hiện đang sở hữu nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó, có Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, một trong những tập đoàn y khoa tư nhân lớn nhất Việt Nam với chuỗi các bệnh viện và phòng khám trong cả nước. Hiện, Tập đoàn đang có định hướng mở rộng hoạt động đầu tư trong lĩnh vực y tế tại miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Tập đoàn mong muốn tìm hiểu thông tin, nhu cầu của Thành phố đối với việc phát triển hệ thống các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa trong khu vực nội đô, tìm kiếm một vị trí thích hợp để xây dựng các bệnh viện chuyên khoa tư nhân hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung hoan nghênh các ý kiến đề xuất của đại diện Tập đoàn Clermont, phù hợp với định hướng khuyến khích đầu tư của Thành phố hiện nay với lĩnh vực y tế. Chủ tịch đề nghị Tập đoàn Clermont có công văn đề xuất chính thức tới UBND Thành phố để trên cơ sở đó sẽ giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, giới thiệu địa điểm và hướng dẫn đầu tư phù hợp theo đề xuất yêu cầu.

Văn phòng UBND TP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t