Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 7-14/6/2019 (10:58 20/06/2019)


HNP - Văn phòng UBND Thành phố cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 7-14/6/2019 như sau:

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố Hà Nội

Nhằm tiếp tục giữ vững thứ tự xếp hạng cao của Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và khắc phục một số tồn tại của các Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ngày 7/6/2019, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký phê duyệt Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố Hà Nội; yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của cộng đồng đối với hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền Thành phố. Tăng cường các kênh thông tin nhằm phổ biến quy định của pháp luật, các chủ trương của Thành phố, kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố tới người dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp.

Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công khai minh bạch những thông tin người dân cần biết và được biết theo đúng quy định; đặc biệt lưu ý cập nhật, hướng dẫn rõ ràng toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách, thủ tục hành chính,... trên trang thông tin điện tử của đơn vị; không ngừng nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử của đơn vị mình, tạo điều kiện để công dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận đầy đủ thông tin pháp lý cũng như các chính sách của Thành phố.

Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ CB,CC,VC và người lao động của Thành phố; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác xây dụng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC; gắn với việc triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2019 về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ CB,CC,VC; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm. Tập trung những vấn đề đang được dư luận quan tâm, những địa bàn nóng, những nội dung liên quan trực tiếp đời sống dân sinh: Quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý trật tự đô thị, quản lý tài sản công, việc giải quyết công việc và TTHC với người dân và doanh nghiệp,...

Đề cao vai trò, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả, hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố về toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định; tiếp thu đầy đủ và xử lý, phúc đáp kịp thời, giải trình theo quy định các phản ánh, kiến nghị, góp ý, yêu cầu từ các tổ chức, công dân; kịp thời xử lý, chỉ đạo giải quyết nhanh và đúng thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực, trách nhiệm của ngành, đơn vị, địa phương. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp, chịu kỷ luật liên quan đến lỗi, vi phạm của cấp dưới thuộc trách nhiệm quản lý.

Tháng 7/2019, tổ chức Hội thảo khoa học cấp Thành phố về “Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội”

Với mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành Thành phố trong việc nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh thông qua Chỉ số PAPI; đề xuất những giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của Thành phố trong thời gian tới; đồng thời, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào quá trình thực thi và giám sát việc thực thi chính sách, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2019 của Thành phố “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 13/6/2019 chỉ đạo Hội thảo khoa học cấp Thành phố về “Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội” vào tháng 7/2019 tại Cung Triển lãm kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia. Các nội dung chính tại Hội thảo như sau: giới thiệu về Chỉ số PAPI và quá trình thực hiện tại Việt Nam; thực trạng trên các tỉnh, thành phố trong cả nước; phân tích, đánh giá kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2019 trên 8 trục nội dung: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (5) Thủ tục hành chính công; (6) Cung ứng dịch vụ công; (7) Quản trị môi trường; (8) Quản trị điện tử. Trong đó tập trung làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân; Thực tế triển khai, thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về cải thiện Chỉ số PAPI tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố. Đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm cải thiện và nâng cao quản trị và hành chính công của TP trong thời gian tới.

Công bố danh mục TTHC, TTHC bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế Hà Nội, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội

UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3097/QĐ-UBND ngày 10/6/2019 về việc công bố danh mục TTHC, TTHC bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế Hà Nội, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn Thành phố. Kèm theo Quyết định trên là Danh mục 31 TTHC lĩnh vực y tế, trong đó 28 thủ tục cấp sở, 01 thủ tục cấp xã, 02 thủ tục thực hiện tại cơ sở đào tạo đã được công bố kiểm tra ngôn ngữ trong hành nghề dược; bãi bỏ 46 TTHC, trong đó 42 thủ tục cấp sở, 4 thủ tục cấp huyện. Các thủ tục hết hiệu lực bao gồm: 20 thủ tục tại Quyết định số 5604/QĐ-UBND ngày 7/10/2016 của UBND Thành phố, 3 thủ tục tại Quyết định số 6949/QĐ-UBND ngày 16/12/2016 của UBND Thành phố về việc công bố TTHC thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở Y tế thành phố Hà Nội; 23 thủ tục tại Quyết định số 782/QĐ-UBND ngày 13/2/2018 của UBND Thành phố về việc công bố danh mục TTHC mới, TTHC bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế thành phố Hà Nội.

Triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019

Với mục tiêu: đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và an sinh xã hội trong mùa mưa bão, những ngày lễ, tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối đặc biệt là tại các quận, huyện vùng ven, khu vực ngoại thành, khu công nghiệp (KCN), các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố; tạo điều kiện cho các cơ sở/đơn vị sản xuất, kinh doanh (gọi chung là cơ sở) tham gia Chương trình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; tăng cường mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất và giữa sản xuất với phân phối, giúp cơ sở sản xuất chủ động được đầu ra và nguồn hàng, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - chăn nuôi - trồng trọt; tăng cường hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong các hoạt động đầu tư, kết nối giao thương, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND,ngày 10/6/2019, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019, bao gồm các nhóm hàng hóa sau: nhóm hàng thiết yếu: lương thực (gạo, mỳ, phở khô…), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính…), sữa (sữa nước, sữa bột…). Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán: mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, … Yêu cầu về hàng hóa phải đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ (có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, bao gói, nhãn mác và các thông tin liên quan theo đúng quy định), bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá.

Mạng lưới phân phối sản phẩm: tại các điểm bán hàng cố định tại các chợ dân sinh, khu dân cư, trường học, bệnh viện…. theo nhiều mô hình hợp tác liên kết, bán đại lý, cửa hàng tiện lợi, các điểm bán hàng ATTP tại các quận, huyện…; đẩy mạnh đưa các mặt hàng thuộc Chương trình tới các bếp ăn tập thể của các trường học, cơ quan, khu công nghiệp với giá bán và nhận diện thống nhất trong hệ thống của doanh nghiệp, trong đó, ưu tiên phát triển mạng lưới cơ sở thương mại khu vực nông thôn. Các cơ sở chủ động xây dựng các chương trình khuyến mại nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ các mặt hàng thuộc Chương trình để phục vụ người dân có thu nhập trung bình và thấp; đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại (siêu thị, cửa hàng) tại địa bàn nông thôn; khuyến khích các cơ sở cùng tham gia Chương hợp tác, liên kết với nhau nhằm tạo chuỗi cung ứng hàng hóa, ổn định giá bán và mở rộng danh mục hàng hóa bình ổn tại các điểm bán hàng đã đăng ký. Thời gian thực hiện kế hoạch bắt đầu từ ngày 10/6/2019 đến hết tháng 5/2020.

Xây dựng Hồ sơ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo trình Unesco

Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 11/6/2019 xây dựng Hồ sơ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo trình Unesco, giúp Hà Nội trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trên toàn thế giới. Hồ sơ được xây dựng trên cơ sở khoa học, tổng hợp các giá trị, kết quả đạt được và hướng tới của thành phố về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, giáo dục… Để hoàn thiện hồ sơ trình Unesco, ngày 14/6/2019, Thành phố tổ chức Hội thảo quốc tế “Hà Nội hướng tới Thành phố sáng tạo” tại bảo tàng Hà Nội với sự tham gia của 120 đại biểu, trong đó có các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, nhà phê bình trong nước và quốc tế có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, công nghiệp văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo đến từ các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp/đơn vị trong khối tư nhân, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, các không gian sáng tạo… Kế hoạch cũng đề ra việc thiết kế logo, bộ nhận diện và lập website riêng xây dựng “Hà Nội hướng tới Thủ đô sáng tạo”; tổ chức đoàn tham dự Hội nghị các thành phố sáng tạo tại Australia để quảng bá thành tựu và tầm nhìn của thành phố Hà Nội đáp ứng hồ sơ đề cử với Unesco và các thành phố là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo.

Kiểm tra, giải quyết thông tin về việc hỗ trợ cho các hộ dân có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức  

Trước thông tin Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 phản ánh về khó khăn trong việc huy động lực lượng, thiếu kinh phí chi trả hỗ trợ cho các hộ dân có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 2419/UBND-KT, ngày 11/6/2019, giao Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức kiểm tra, xử lý thông tin về việc thực hiện trả tiền hỗ trợ có đúng thời hạn theo chỉ đạo của UBND Thành phố không, báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố, trước ngày 15/6/2019, đồng thời, thông tin trả lời Đài truyền hình theo quy định.
Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi đảm bảo trình tự, thủ tục, công khai, minh bạch, mức hỗ trợ theo quy định; tuyên truyền để người dân nắm rõ chủ trương, chính sách, yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; chủ động ngân sách để giải quyết kịp thời tình hình dịch tại địa phương.

Giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các sở, ngành kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng, chống, xử lý dịch và hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi; chủ động tham mưu, chuẩn bị đầy đủ nguồn kinh phí phục vụ phòng, chống, tuyệt đối không để thiếu kinh phí, báo cáo UBND Thành phố.

Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy

Với mục tiêu: phát hiện, bắt giữ, xử lý hình sự 200 vụ phạm tội về ma túy (trong đó, có 120 vụ có tính chất mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy). 100% đối tượng truy nã về ma túy được thống kê phân loại, có kế hoạch hoặc lập chuyên án truy bắt (hiện toàn thành phố có 80 đối tượng truy nã về ma túy), phấn đấu trong đợt cao điểm kéo giảm 10% đối tượng truy nã về ma túy; tập trung giải quyết, loại 1 điểm phức tạp về ma túy; chủ động rà soát, phát hiện, đưa vào quản lý điểm phức tạp về ma túy để tập trung biện pháp đấu tranh giải quyết, giữ ổn định địa bàn; lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho 80 người nghiện ma túy, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND, ngày 10/6/2019, chỉ đạo triển khai đồng bộ Kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy.

Mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy, UBND Thành phố chỉ đạo các lực lượng triển khai các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an, coi trọng công tác nắm tình hình, rà soát địa bàn, điều tra cơ bản về đối tượng liên quan đến hoạt động tội phạm ma túy, người nghiện ma túy... Nắm chắc tình hình tại tuyến, địa bàn họng điểm về ma túy, đặc biệt là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Miền Trung, Tây Nam, tuyến đường hàng không... Phối hợp với các địa phương làm tốt công tác trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình, diễn biến các đối tượng phạm tội ma túy. Tập trung bóc gỡ các đường dây tội phạm ma túy trên các tuyến vào thành phố hoặc trung chuyển qua thành phố.

Phối hợp tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, quản lý người ngước ngoài, thuê, mua địa điểm lưu trú, ủy thác đầu tư,... liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu tại Việt Nam; chủ động phát hiện, khắc phục sơ hở, không để tội phạm lợi dụng vận dụng, mua bán trái phép ma túy xuyên quốc gia. Rà soát, thống kê, lên danh sách, nắm chắc tình hình và tổ chức biện pháp nghiệp vụ xác minh hoạt động nghi vấn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu, kho, xưởng hàng hóa liên quan đến người nước ngoài hoặc hợp tác với người Việt Nam quản lý. Trong đó, chú ý các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu đồ gỗ, thiết bị điện tử, nông sản, hạt nhựa, trà,... xuất nhập khẩu đi các nước; các đối tượng người nước ngoài thuê nhà, mua nhà, lưu trú trong các khách sạn, nhà nghỉ,...

Thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm soát các hoạt động mua bán liên quan đến các loại thuốc có chứa hoạt chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất ma túy được phép nhập khẩu, sản xuất lưu hành phòng ngừa hành vi chiết xuất, sản xuất trái phép chất ma túy. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần; không để xảy ra vụ việc sản xuất trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố.
Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nội chính tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm ma túy. Đẩy mạnh công tác xét xử điểm, xét xử lưu động ở địa bàn trọng điểm, phức tạp để nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa, răn đe chung cho toàn xã hội,... Quản lý chặt chẽ người nghiện, người sử dụng ma túy và điều trị nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy…


Văn phòng UBND TP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t