Giúp người lao động tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất (16:36 12/06/2024)


HNP - Sáng 12/6, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về An toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội”.

Quang cảnh Hội nghị đối thoại


Tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách, bảo hiểm xã hội, gồm: Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn); Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest.
 
Các chuyên gia buổi Đối thoại - giao lưu
 
Đặc biệt, tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có gần 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động đến từ các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội.
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh, đặc thù công việc, ngành Xây dựng luôn là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao về mất an toàn lao động.
 
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu chỉ đạo tại Chương trình
 
Thực tế cho thấy, các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động như: Chế độ bảo hiểm xã hội, tiền lương và các quy định của pháp luật về lao động, việc làm là những nội dung mà người lao động rất quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện, cơ hội để tìm hiểu, tìm “đúng” và tìm “trúng” những nội dung cần thiết để có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất.
 
Trong bối cảnh đó công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật, hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, trong đó đặc biệt là công tác an toàn lao động luôn được các cấp Công đoàn coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
 
“Do đó, một trong những hình thức tuyên truyền có tính hiệu quả cao đó là chương trình Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách. Đây là chủ đề rất thiết thực với số đông người lao động, nhất là lao động ngành Xây dựng”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy nói.
 
Quyền lợi về An toàn vệ sinh lao động của người lao động được quy định như thế nào?
 
Mở đầu buổi Đối thoại, chị Nguyễn Thị Ngọc Giang, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, hỏi: Xin chuyên gia cho biết, quyền lợi về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của người lao động được quy định như thế nào?
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc Giang, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh nêu câu hỏi
 
Trả lời nội dung này, chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi cho biết: Quyền lợi của người lao động được quy định rất nhiều trong công tác ATVSLĐ, theo đó người lao động được đảm bảo an toàn, trang bị các trang thiết bị ATVSLĐ và cung cấp thông tin về ATVSLĐ. Trong việc cung cấp thông tin, người lao động sẽ được thông báo về môi trường làm việc của mình.
 
Nếu như trong quá trình làm việc, chúng ta phát hiện ra các yếu tố có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng thì người lao động có quyền rời bỏ khỏi nơi làm việc mà không vi phạm. Chúng ta chỉ quay lại nơi làm việc khi mà công ty, cán bộ an toàn kiểm tra, thông báo nơi làm việc đã an toàn. Ngoài ra, người lao động cũng có quyền khiếu nại tố cáo nếu như phản ánh của họ không được giải quyết.
 
Anh Nguyễn Thế Trung, Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà, hỏi: Người lao động có được quyền ký hợp đồng lao động với nhiều công ty hay không? Khi người lao động gặp tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm gì?
 
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh cho biết: Pháp luật công nhận một người lao động có quyền làm việc cho chủ sử dụng lao động, nhưng các bên phải đảm bảo thực hiện đúng các hợp đồng lao động đã ký kết. Về vấn đề tai nạn lao động, trước hết là phải xác định được đó là tai nạn lao động gắn với công việc của người lao động đó. Về các chế độ, chủ sử dụng lao động phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan.
 
Bổ sung nội dung này, chuyên gia Dương Thị Minh Châu nêu rõ: Khi có nhiều hợp đồng lao động khác nhau thì tất cả các hợp đồng lao động đều phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, đó là điều quan trọng nhất. Khi bị tai nạn lao động, tùy vào công việc, thời gian của chủ sử dụng lao động thì chủ sử dụng đó phải đứng lên làm tất cả thủ tục liên quan đến chi trả chế độ tai nạn lao động từ giám định y khoa, đến thành lập đoàn kiểm tra.
 
Tiếp tục bổ sung nội dung này, chuyên gia Đỗ Lan Chi cho biết: Trong trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động ở công ty A, sau đó được điều động sang công ty B làm việc và có ký hợp đồng lao động. Công ty A trả lương cố định, công ty B trả các khoản khác. Người lao động cần hiểu rằng bản thân là thuộc quản lý của công ty A. Do vậy, tất cả chế độ của anh sẽ do Công ty A chi trả.
 
Bố trí công việc cho người lao động bị mất sức sau tai nạn lao động
 
Anh Nguyễn Đức Bảo, Công ty CP Nước sạch Sông Đà, hỏi: Xin chuyên gia cho tôi biết, người lao động bị tai nạn lao động thì có quy định nào về bố trí công việc cho người lao động bị mất sức sau tai nạn lao động không?
 
Anh Nguyễn Đức Bảo, Công ty CP Nước sạch Sông Đà nêu câu hỏi
 
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi nêu: Khi người lao động bị tai nạn lao động sẽ được người sử dụng lao động thanh toán các chi phí liên quan. Điểm quan trọng ở đây là khi người lao động chúng ta quay trở lại làm việc thì người sử dụng lao động sẽ phải bố trí vị trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động hậu tai nạn. Tuy nhiên, trong thực tế với vấn đề này người sử dụng lao động cũng rất khó. Tôi từng biết có trường hợp người sử dụng lao động có người lao động bị tai nạn trên công trường và bị liệt nửa người. Việc bố trí công việc hậu tai nạn cũng rất khó khăn.
 
Bổ sung thêm, chuyên gia Dương Thị Minh Châu nêu: Khi chấm dứt hợp đồng lao động doanh nghiệp chỉ cần báo giảm tại cơ quan BHXH là có thể tạm dừng đóng cho người lao động.
 
Đối với việc chấm dứt hợp đồng lao động cũng cần lưu ý nếu có tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì trong vòng 3 tháng sẽ phải qua làm thủ tục, nếu quá 3 tháng coi như không có nhu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
 
Hiện nay các luật liên quan như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật ATVSLĐ, Luật Lao động… hiện vẫn có sự vênh nhau trong các quy định khi nghỉ việc… Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng lao động và rút sổ, trước hết cứ làm theo các thủ tục bình thường, trường hợp khó khăn quá cũng có thể nhờ Công đoàn vào cuộc.
 
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh bổ sung tiếp: Luật Lao động 2019 có những quy định đã bớt thủ tục hành chính hơn rất nhiều, đơn cử như việc chấm dứt hợp đồng lao động. Hiện, chúng ta hoàn toàn có thể thông báo trước là chúng ta sẽ nghỉ, thay vì cần sự đồng ý của người sử dụng lao động như trước đây.
 
Ngoài ra, với một số trường hợp quyền lợi bị ảnh hưởng như quấy rối, chậm lương… người lao động có quyền nghỉ mà không cần thông báo. Tương tự việc chốt sổ BHXH hiện tại cũng khá đơn giản, quyền lợi của người lao động hiện tại đã được đảm bảo hơn rất nhiều.
 
Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia Chương trình

Hoàng Điệp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t